Tân Tạo chuyển tiền 2.000 tỷ cho bà Đặng Thị Hoàng Yến hay 633 tỷ: Ngân hàng Nhà nước cần có kết luận
Công ty Tân Tạo đính chính khoản tiền tạm ứng gần 2.000 tỷ đồng cho bà Đặng Thị Hoàng Yến sang chỉ chi 633 tỷ đồng khiến cổ đông băn khoăn. Câu hỏi đặt ra vì sao một thông tin quan trọng lại được dễ dàng thay đổi như vậy? Ngân hàng Nhà nước nên có kết luận về việc chuyển tiền ra nước ngoài của Tân Tạo.
Cuối tháng 7, Công ty CP Đầu tư và công nghiệp Tân Tạo - Itaco (ITA) của Chủ tịch HĐQT Đặng Thị Hoàng Yến đã công bố báo cáo tài chính quý II/2022.
Một thông tin thu hút sự chú ý của thị trường đó là việc, Công ty này tạm ứng cho chủ tịch HĐQT Maya Danglas (tên mới của bà Đặng Thị Hoàng Yến) số tiền 1.936 tỷ đồng để tham gia dự án ở Mỹ - một khoản tiền chuyển ra nước ngoài quá lớn.
Thông tin này gây nên sự chú ý lớn bởi số tiền này chiếm khoảng 15% tổng tài sản của ITA (13.246 tỷ đồng tại ngày 30/06/2022) và hiện bà Đặng Thị Hoàng Yến đang sinh sống ở nước ngoài. Điều đáng nói hơn, số tiền này được chuyển đi trong bối cảnh ITA vướng ồn ào liên quan đến việc không công bố thông tin mở thủ tục phá sản trong tháng 6/2022. Một chủ nợ của ITA là Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xây dựng Quốc Linh (Công ty Quốc Linh) yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với ITA và đã được Tòa án nhân dân TPHCM thông qua từ năm 2018. Tuy nhiên, đã 4 năm sau khi nhận Quyết định của Tòa án, ITA vẫn chưa thực hiện công bố thông tin theo quy định.
Báo cáo tài chính của ITA trước đính chính.
Tuy nhiên, vào ngày 5/8, Công ty Tân Tạo công bố lại báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022 để đính chính thông tin.
Theo báo cáo mới, Chủ tịch HĐQT Đặng Thị Hoàng Yến không tạm ứng 1.936 tỷ đồng cho việc tham gia dự án tại Mỹ, thay vào đó chỉ 633 tỷ đồng được chuyển ra nước ngoài với mục đích "hợp đồng chuyển nhượng cổ phần" theo Nghị quyết đại hội đồng cổ đông thường niên đã thông qua vào ngày 29/4/2022.
Câu hỏi đặt ra vì sao một thông tin quan trọng như vậy lại được dễ dàng thay đổi như vậy? Đâu là thông tin chính xác và cơ quan quản lý nào xác nhận điều này để cổ đông ITA được yên tâm?
Báo cáo sau đính chính, số tiền chuyển ra nước ngoài từ 1.937 tỷ đồng nay điều chỉnh chỉ còn 6.33 tỷ đồng.
Quy định về chuyển tiền ra nước ngoài rất chặt chẽ
Theo tìm hiểu, việc thực hiện chuyển tiền ra nước ngoài để đầu tư dự án hiện đã có những quy định rất chặt chẽ từ phía cơ quan quản lý. Theo đó, nhà đầu tư phải đảm bảo các điều kiện.
Thứ nhất, đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Hai là, hoạt động đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền của nước tiếp nhận đầu tư chấp thuận hoặc cấp phép.
Bà là, bắt buộc phải mở một tài khoản vốn đầu tư bằng ngoại tệ (phù hợp) với nhu cầu chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài tại ngân hàng được phép.
Trường hợp chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài bằng đồng Việt Nam thì nhà đầu tư phải mở và sử dụng đồng thời một tài khoản vốn đầu tư bằng đồng Việt Nam và một tài khoản vốn đầu tư bằng ngoại tệ tại một tổ chức tín dụng được phép.
Bốn là, phải đăng ký giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài với Ngân hàng Nhà.
Mọi giao dịch chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài và từ nước ngoài về Việt Nam liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài phải thực hiện thông qua tài khoản vốn đầu tư theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối.
Ngoài ra, nhà đầu tư tự chịu trách nhiệm đối với vấn đề chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài, đảm bảo đúng mục đích, đúng thời hạn, đồng thời tuân thủ các quy định của hợp đồng mua bán cổ phần, hợp đồng dầu khí, …
Các quy định chuyển tiền đầu tư ra nước ngoài rất chặt chẽ. (Ảnh: TB)
Trao đổi với Dân Việt, Luật sư Bùi Quốc Tuấn, Đoàn luật sư TP.HCM cũng nhấn mạnh, trình tự để thực hiện chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài cũng rất chặt chẽ theo 3 bước.
Bước 1: Doanh nghiệp được phép đầu tư ra nước ngoài cần lập hồ sơ đăng ký tài khoản ngoại tệ, tiến độ chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài gửi Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh và thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
Bước 2: Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh và thành phố xem xét thẩm định hồ sơ.
Bước 3: Trong thời gian 5 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh và thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính có trách nhiệm xác nhận việc mở tài khoản, cũng như đăng ký tiến độ chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài để nhà đầu tư Việt Nam làm cơ sở chuyển tiền đầu tư ra nước ngoài thực hiện dự án đầu tư thông qua tài khoản đã được mở ở ngân hàng được cấp phép.
Ngân hàng Nhà nước phải có kết luật về trường hợp chuyển tiền ra nước ngoài của Tân Tạo
Xung quanh việc chuyển hàng trăm tỷ đồng ra nước ngoài với mục đích đầu tư dự án, chuyển nhượng cổ phần, đang xôn xao dư luận trong những ngày gần đây của Công ty Tân Tạo, Ngân hàng Nhà nước cần phải có kết luận về trường hợp này - theo luật sư Tuấn. Nếu doanh nghiệp làm sai các quy định về chuyển tiền đầu tư ra nước ngoài, các cơ quan chức năng xem xét điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.
Đối với việc đính chính thông tin sai sót trong báo cáo tài chính, vị luật sư này khẳng định báo cáo sai doanh nghiệp hoàn toàn có thể chủ động để đính chính lại.
Việc Công ty Tân Tạo điều chính số tiền từ gần 2.000 tỷ đồng xuống còn hơn 600 tỷ đồng trong báo cáo tài chính; đồng thời điều chỉnh mục đích chuyển tiền từ việc chi tạm ứng thanh toán cho dự án tại Hoa Kỳ, thành chuyển nhượng cổ phần theo Nghị quyết của doanh nghiệp đã ban hành hồi tháng 4.
Theo TS.Lê Xuân Nghĩa – Chuyên gia kinh tế, với bất cứ mục đích nào trong 2 mục đích nêu trên, Công ty Tân Tạo khi thực hiện chuyển tiền ra nước ngoài đều phải đáp ứng đủ điều kiện, thực hiện theo đúng quy định về chuyển tiền ra nước ngoài như đã đề cập.
Riêng đối với việc số tiền trước và sau khi đính chính có sự chênh lệch quá lớn, chuyên gia cho rằng đó là vấn đề của bản thân doanh nghiệp. Con số gần 2.000 tỷ hay chỉ 600 tỷ đồng sẽ không có vấn đề gì nếu như số tiền này không vượt quá con số và lộ trình chuyển vốn ra nước ngoài mà doanh nghiệp đã đăng ký với Ngân hàng Nhà nước.
Cũng có ý kiến cho rằng, vẫn có khả năng số tiền gần 2.000 tỷ đồng chuyển ra nước ngoài như theo báo cáo tài chính ban đầu đã vượt quá mức đăng ký của Ngân hàng Nhà nước, vì vậy doanh nghiệp buộc phải điều chỉnh lại để cho phù hợp.
Thế nhưng, khả năng xảy ra rất thấp bởi Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có thể thanh tra, kiểm tra hồ sơ, hoạt động chuyển tiền của doanh nghiệp. Nếu phát hiện sai phạm doanh nghiệp sẽ bị xử lý theo các quy định Pháp lệnh quản lý ngoại hối.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận