Tâm lý giới đầu tư toàn cầu đang hoảng sợ, những mồi lửa châm ngòi cho cuộc bán tháo toàn cầu
Ngay trong phiên giao dịch đầu tuần, cổ phiếu Nhật Bản đã rơi vào thị trường gấu. Các nhà chức trách tại một số nơi phải nhiều lần “ngắt mạch” để ngăn nhà đầu tư bán tháo hoảng loạn. Chỉ số tâm lý sợ hãi nhà đầu tư có lúc vượt lên 65.73. Bitcoin thủng các mốc hỗ trợ, nhà đầu tư đang hoảng sợ.
Chứng khoán Nhật Bản bị bán tháo tràn lan
Ngay trong phiên giao dịch đầu tuần này, cổ phiếu Nhật Bản đã rơi vào thị trường gấu khi làn sóng bán tháo tiếp diễn khắp nơi. Hai chỉ số chính là Nikkei 225 và Topix cùng giảm hơn 12%.
Chỉ vài tuần trước, các nhà đầu tư vẫn còn vui vẻ ăn mừng. So với mức cao nhất mọi thời đại vào ngày 11/7, các chỉ số chính của chứng khoán Nhật Bản đã lao dốc hơn 20%.
Ở chiều ngược lại, đồng yen tiếp tục vọt lên mức cao nhất so với đồng bạc xanh kể từ tháng 1. Hiện tại, đồng nội tệ của Nhật Bản đang giao dịch quanh mức 143,1 yen đổi 1 USD.
Chỉ số Kospi của Hàn Quốc tụt 8,7%, trong khi Kosdaq giảm 11,7%. Theo Reuters, trong bối cảnh thị trường biến động mạnh, giao dịch tại Nhật Bản và Hàn Quốc đã tạm dừng nhiều nhằm ngăn tình trạng bán tháo trong hoảng loạn.
Theo xu hướng chung tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, chỉ số VN-Index của Việt Nam giảm hơn 3,9%.
Chỉ số chuẩn của Đài Loan là Taiwan Weighted Index cũng mất hơn 8% trong bối cảnh bị đè nặng bởi các cổ phiếu công nghệ và bất động sản. Chỉ số S&P/ASX 200 của Australia đi lùi 3,5%.
Chỉ số Hang Seng tại Hong Kong giảm 1,6%, trong khi CSI 300 tại Trung Quốc đại lục sụt gần 0,5%. Mức giảm của thị trường chứng khoán Trung Quốc nhìn chung vẫn nhỏ so với khu vực châu Á.
Ở Mỹ, hợp đồng tương lai chỉ số Dow Jones giảm hơn 600 điểm, tương đương 1,5%. Hợp đồng tương lai chỉ số S&P 500 và Nasdaq 100 lần lượt đi xuống 2,1% và 3,4%.
Xu hướng bán tháo đã mạnh lên từ ngày 2/8. Nasdaq là chỉ số chuẩn đầu tiên bước vào vùng điều chỉnh, giảm hơn 10% so với mức kỷ lục. S&P 500 và Dow Jones tụt lần lượt 5,7% và 3,9% so với mức cao nhất mọi thời điểm.
Lợi suất trái phiếu kho bạc cũng giảm mạnh. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đạt 3,8% vào ngày 2/8, giảm so với mức 4,2% của một tuần trước đó.
Chỉ số đo lường tâm lý sợ hãi của nhà đầu tư VIX
Ở diễn biến khác, vào đầu phiên giao dịch tuần này, thị trường hàng hoá có lúc thể hiện sự điềm tĩnh đáng ngưỡng mộ ngay cả khi cổ phiếu lao dốc. Song, giá hàng hoá cũng bắt đầu dao động.
Nếu căng thẳng tiếp tục, các nhà đầu tư có thể đẩy mạnh việc thanh lý các vị thế trên thị trường hàng hoá. Theo ghi nhận của Bloomberg, giá đồng và giá dầu Brent đều có thời điểm giảm khoảng 1%.
Bitcoin thủng liền hai mốc 60.000 và 50.000 USD trong chưa đầy một ngày
Đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới tiếp tục rơi xuống dưới mốc 50.000 USD sau khi vừa thủng mốc 60.000 USD không bao lâu.
Theo dữ liệu từ CoinDesk, sau khi giảm xuống dưới 53.000 USD/BTC vào sáng ngày 5/8, bitcoin lại tiếp tục cắm đầu xuống mức thấp nhất là 49.314 USD/BTC vào lúc 13h25 cùng ngày.
Ở mức giá trên, đồng tiền mã hoá lớn nhất thế giới đã giảm 23,8% so với đỉnh trong 24 giờ qua. Nếu so với đỉnh lịch sử là 73.800, bitcoin mất tới 49,7%.
Đến khoảng 17h15 ngày 5/8, giá đồng tiền mã hóa này đã phục hồi lên khoảng 52.613 USD, giảm khoảng 13% so với 24 giờ trước. Ở mức giá này, bitcoin chỉ còn tăng 24,4% so với đầu năm.
Ethereum (ETH) có lúc đã tụt xuống 2.129 USD, mất gần 25% trong 24 giờ và ghi nhận ngày tồi tệ nhất kể từ tháng 5/2021. Các đồng tiền mã hóa khác như Binance Coin (BNB), Solana (SOL) hay XRP cũng đều chứng kiến mức sụt giảm trên 15%.
Diễn biến của bitcoin theo sau một loạt biến động trên thị trường chứng khoán quốc tế. Chứng khoán của nhiều quốc gia châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc bị bán tháo mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần này.
Cụ thể, chốt phiên ngày 5/8, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản đã giảm 4.451 điểm, tương đương 12,4%, đóng cửa với 31.458 điểm. Chỉ số Topix mất 310 điểm, tương đương 12,23%, xuống 2.227 điểm.
Đến cuối ngày 5/8 (giờ Việt Nam), hợp đồng tương lai của chỉ số Dow Jones cũng đã giảm 694 điểm, tương đương khoảng 1,73%.
Tuần trước, chứng khoán Mỹ và chứng khoán châu Âu cũng bị bán tháo mạnh. Chốt phiên 2/8, chỉ số Dow Jones giảm 611 điểm xuống 39.737 điểm. Chỉ số S&P 500 tụt 1,84% xuống 5.347 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite mất 2,43% và đóng cửa với 16.776 điểm.
Chỉ số Stoxx 600 chốt phiên giảm 2,82%, ghi nhận ngày tồi tệ nhất kể từ tháng 12/2022. Ngoài ra, đây cũng là lần đầu tiên chỉ số này giảm xuống dưới mốc 500 điểm kể từ tháng 4/2024.
Các thị trường tài chính trên toàn cầu đã đồng loạt đi xuống sau khi dữ liệu mới cho thấy nền kinh tế số một thế giới không mạnh mẽ như kỳ vọng.
Báo cáo việc làm được công bố vào cuối tuần trước thấp hơn đáng kể so với kỳ vọng, đồng thời tỷ lệ thất nghiệp tăng, báo hiệu nguy cơ suy thoái. Ngoài ra, ở Trung Đông, căng thẳng giữa Iran và Israel cũng lên cao sau vụ ám sát của thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh.
4 mồi lửa khiến thị trường rực đỏ
Thị trường chứng khoán toàn cầu tăng cao trong nửa đầu năm khi cơn sốt trí tuệ nhân tạo (AI) và hy vọng nền kinh tế số một thế giới “hạ cánh mềm” choáng lấy tâm trí của các nhà đầu tư.
Giờ đây, các nhà đầu tư có thể đang run sợ trước kịch bản Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã chần chừ quá lâu và để lãi suất cao làm hỏng nền kinh tế.
Chưa kể, biến động chính sách tiền tệ tại Nhật Bản và căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông cũng có thể là nguyên nhân khiến thị trường chuyển sang bán tháo.
a- Nguy cơ Fed mắc sai lầm
Nỗi lo của các nhà đầu tư đặc biệt gia tăng sau báo cáo việc làm đáng thất vọng của Mỹ vào tuần trước. Nhiều người cảnh báo Fed có thể đã chậm chân và có nguy cơ mắc phải một sai lầm chính sách khác.
Theo Bộ Lao động Mỹ, các doanh nghiệp chỉ tạo thêm 114.000 việc làm vào tháng 7, thấp hơn hẳn ước tính 175.000 của các nhà kinh tế trong cuộc thăm dò của FaceSet. Tỷ lệ thất nghiệp vọt tăng lên 4.3%, mức cao nhất trong ba năm.
Bản báo cáo cũng kích hoạt một chỉ báo suy thoái có tính chính xác cao là Quy tắc Sahm. Nhà kinh tế Claudia Sahm lập luận nếu tỷ lệ thất nghiệp trung bình trong ba tháng cao hơn 0,5 điểm % so với mức thấp nhất trong 12 tháng, nền kinh tế đã rơi vào suy thoái.
Trao đổi với Bloomberg vào cuối tuần trước, bà Sahm, nhà kinh tế từng làm việc tại Fed trong hơn một thập kỷ, cảnh báo tỷ lệ thất nghiệp có nguy cơ tăng mạnh và thị trường việc làm đang “suy yếu thấy rõ”.
Chưa kể, có rất nhiều bằng chứng khác cho thấy thị trường việc làm – trụ cột chính của nền kinh tế Mỹ – đang mất đà. Một báo cáo trước đó chỉ ra số cơ hội việc làm đã giảm vào tháng 6, xuống mức thấp thứ hai kể từ tháng 3/2021.
Trong khi đó, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu, một thước đo quan trọng cho tình trạng sa thải trong các doanh nghiệp, vừa tăng lên mức cao nhất trong một năm vào tuần trước đó.
Bà Charu Chanana, Giám đốc bộ phận chiến lược tiền tệ tại Saxo Bank, lưu ý: “Giả định về cuộc hạ cánh mềm càng bị nghi ngờ, chúng ta có thể sẽ càng thấy nhà đầu tư thoái lui khỏi thị trường chứng khoán”.
Ngân hàng trung ương Mỹ chỉ còn ba cuộc họp nữa trong năm 2024. Thị trường tương lai hiện kỳ vọng Fed sẽ giảm lãi suất đến 50 điểm cơ bản (bps) tại cuộc họp vào giữa tháng 9 – một cách hành động nhanh chóng để thúc đẩy tăng trưởng.
Tuy nhiên, các động thái chính sách gấp rút và quyết liệt có thể sẽ phát thêm một tín hiệu tiêu cực tới nhà đầu tư, càng khiến họ đứng ngồi không yên hơn. Goldman Sachs vừa nâng xác suất suy thoái trong một năm tới từ 15% lên 25%.
Fed cần giảm lãi suất khẩn cấp trong vài ngày tới để ngăn Mỹ suy thoái
Các nhà đầu tư dự đoán có 60% khả năng Fed sẽ giảm lãi suất 25 điểm cơ bản trong vòng một tuần tới.
Tình thế cấp bách?
Các nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu đang cược rằng nền kinh tế Mỹ sắp sửa trượt dốc và Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ phải mạnh tay nới lỏng chính sách tiền tệ để ngăn ngừa suy thoái – có thể là trước cả cuộc họp chính sách tháng 9.
Nỗi lo lạm phát tăng trở lại đã hoàn toàn tan biến, nhường chỗ cho suy đoán nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ lâm nguy nếu Fed không khẩn trương giảm lãi suất từ mức hiện nay là 5,25 – 5,5%.
Tờ Bloomberg cho biết hiện tại các nhà đầu tư đang dự đoán có 60% khả năng Fed phải tung ra đợt giảm lãi suất khẩn cấp có quy mô 25 điểm cơ bản (bps) trong vòng một tuần tới.
Tâm lý trên đã góp phần giúp thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ bật tăng mạnh mẽ. Tuần trước, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn hai năm – loại lợi suất nhạy cảm với chính sách tiền tệ – đã giảm 0,5 điểm % xuống dưới 3,9%. Đây là lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 lợi suất kỳ hạn hai năm lại thấp hơn lãi suất chuẩn của Fed nhiều đến vậy.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Đức cũng rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 7 tháng dựa trên kỳ vọng ngân hàng trung ương (NHTW) châu Âu sẽ học theo Fed và tung ra các đợt cắt giảm lãi suất lớn hơn.
Bà Tracy Chen, nhà quản lý danh mục tại Brandywine Global Investment Management, bình luận: “Thị trường sợ rằng Fed đã chậm trễ và nền kinh tế sẽ hạ cánh cứng thay vì hạ cánh mềm. Trái phiếu kho bạc Mỹ là khoản đầu tư tốt bởi tôi nghĩ nền kinh tế sẽ tiếp tục giảm tốc”.
Tuy nhiên, kể từ cuối đại dịch COVID-19, các nhà đầu tư trái phiếu đã nhiều lần đoán sai hướng đi của lãi suất tại Mỹ. Do vậy, có khả năng động thái gần đây của thị trường cũng chỉ là phản ứng quá đà.
Tâm lý của các nhà đầu tư đã thay đổi rõ rệt sau khi một loạt dữ liệu cho thấy thị trường lao động đang yếu đi và một số bộ phận của nền kinh tế hạ nhiệt.
Báo cáo do Bộ Lao động Mỹ công bố vào tuần trước cho thấy Mỹ tạo ra 114.000 việc làm mới trong tháng 7, thấp hơn nhiều kỳ vọng của các chuyên gia. Tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng ngoài dự kiến.
Sau khi Fed giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp ngày 31/7, những số liệu trên đã làm dấy lên nỗi lo rằng các quan chức phản ứng quá chậm chạp với tình hình kinh tế. NHTW Canada và châu Âu đều đã nới lỏng chính sách tiền tệ trước Fed.
Nỗi sợ nền kinh tế giảm tốc và Fed chậm trễ đã góp phần dẫn tới đợt bán tháo nặng nề trên thị trường chứng khoán Mỹ vào tuần trước. Tâm lý nhà đầu tư càng xấu đi sau khi Berkshire Hathaway tiết lộ họ đã cắt giảm gần 50% lượng cổ phần trong Apple vào quý II.
Dự báo động thái của Fed
Giới chuyên gia Phố Wall đã bắt đầu lên kịch bản Fed sẽ giảm lãi suất nhanh chóng hơn so với dự kiến trước đó. Citigroup và JPMorgan hiện dự đoán Fed sẽ giảm lãi suất 50 bps tại mỗi cuộc họp tháng 9 và tháng 11.
Hôm 4/8, các nhà kinh tế thuộc Goldman Sachs nâng khả năng Mỹ suy thoái trong năm 2025 từ 15% lên 25%. Goldman Sachs cũng lưu ý xét trên tổng thể, nền kinh tế Mỹ vẫn có vẻ “ổn”, không có sự mất cân đối tài chính lớn nào và Fed có rất nhiều dư địa để giảm lãi suất.
Thị trường tương lai đang phản ánh khả năng Fed giảm lãi suất khoảng 125 bps trong năm 2024, cho thấy kỳ vọng lớn lao của các nhà đầu tư vào các đợt cắt giảm lãi suất 50 bps trong ba cuộc họp cuối năm.
Đà tăng giá của trái phiếu kho bạc Mỹ đã đẩy lợi suất kỳ hạn 10 năm xuống 3,7%, mức thấp nhất kể từ tháng 12 năm ngoái. Lợi suất kỳ hạn 10 năm là thước đo quan trọng cho chi phí vay trên các thị trường.
b- Cổ phiếu công nghệ hụt hơi, định giá đắt đỏ
Xu hướng bán tháo ở các cổ phiếu công nghệ sau kết quả kinh doanh quý II đáng thất vọng cũng đặt câu hỏi về triển vọng của nhóm này, đặc biệt là các ông lớn như Amazon, Alphabet (Google) và Intel.
Tình trạng bán tháo cho thấy sự phấn khích của các nhà đầu tư đối với lĩnh vực công nghệ nói chung và AI nói riêng đang hạ nhiệt.
Chưa kể, nhiều nhà đầu tư cũng đặt băn khoăn về mức định giá hiện tại. Theo LSEG, vào tuần trước, chỉ số S&P 500 được giao dịch ở mức gấp 20,8 lần thu nhập dự phóng trong 12 tháng tới, chỉ giảm một chút so với mức 21,7 lần vào giữa tháng 7.
Mức trung bình dài hạn của S&P 500 là 15,7 lần. Với mức định giá cao ngất ngưởng như vậy, thị trường có nguy cơ bị bán tháo hơn nữa nếu nhiều tin xấu xuất hiện.
Ngoài ra, động thái xả hơn 75 tỷ USD cổ phiếu của nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett vào quý II nhiều khả năng cũng có tác động đến tâm lý nhà đầu tư trong phiên đầu tuần này.
Báo cáo tài chính mới nhất của Berkshire Hathaway cho thấy Buffett và các cấp dưới đã bán gần 50% cổ phần Apple. Trong bối cảnh Buffett không tìm thấy món hời để chi tiền, khối tiền mặt của tập đoàn đã phình to lên mức kỷ lục mới là gần 277 tỷ USD.
c- Nhật Bản thắt chặt tiền tệ
Nhà đầu tư cũng đang lo lắng về tác động khi đồng yen mạnh lên đối với các doanh nghiệp Nhật Bản. Đồng nội tệ tăng thường gây tổn hại cho các nhà xuất khẩu và công ty Nhật Bản có thu nhập ở nước ngoài.
Tuần trước, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã gây bất ngờ cho thị trường khi tăng lãi suất 15 bps lên khoảng 0,25%. Thị trường dự đoán BoJ sẽ tiếp tục tăng lãi suất vào cuối năm nay khi giới chức trách cố gắng hạ nhiệt lạm phát.
Bên cạnh việc nâng lãi suất, BoJ còn có kế hoạch giảm mua trái phiếu chính phủ từ gần 6.000 yen mỗi tháng xuống khoảng 3.000 tỷ yen vào quý I/2026.
Một điểm đáng chú ý là đà tăng nhanh chóng của đồng yen cũng đang buộc nhiều nhà đầu tư phải huỷ bỏ các giao dịch chênh lệch lãi suất (carry trade).
Trước kia, khi Nhật Bản duy trì lãi suất ở mức thấp trong hàng thập kỷ, nhiều nhà đầu tư đã vay đồng yen để chuyển đổi sang các đồng tiền khác và đầu tư vào các tài sản có lợi suất cao hơn.
Khi đồng yen tăng giá, các nhà đầu tư đi vay đồng yen sẽ chịu áp lực lớn. Nếu đóng vị thế, họ có thể thua lỗ. Để duy trì vị thế, họ có thể phải bán bớt một số tài sản, chẳng hạn như cổ phiếu tại Mỹ hoặc những thị trường tiên tiến khác.
“Đồng yen mạnh lên đã tạo ra hiệu ứng domino, thúc đẩy nhà đầu tư toàn cầu huỷ bỏ giao dịch carry trade”, ông Stephen Innes, đối tác quản lý tại SPI Asset Management, đánh giá.
d- Chảo lửa Trung Đông
Vào năm 2022, sản lượng dầu thô của Trung Đông đạt khoảng 30,7 triệu thùng/ngày, chiếm hơn 31% tổng sản lượng toàn cầu, theo Statista.
Dầu thô là huyết mạch của nền kinh tế toàn cầu. Bất kỳ xung đột nào ở Trung Đông cũng đều có tác động sâu rộng không chỉ với khu vực này mà còn cho cả nền kinh tế chung.
Cuối tuần trước, mối quan hệ giữa Israel và các nước trong khu vực trở nên căng thẳng hơn sau vụ ám sát thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh tại Tehran và một chỉ huy cấp cao của nhóm Hezbollah tại Beirut.
Lãnh đạo Iran và Hezbollah đều tuyên bố sẽ đáp trả. Sau đó, Israel tiết lộ họ đang chuẩn bị cho khả năng bị trả đũa.
Đầu cuộc họp nội các vào ngày 4/8, Thủ tướng Benjamin Netanyahu cho hay: “Israel đang trong một cuộc chiến tranh đa mặt trận chống lại trục ma quỷ của Iran. Chúng tôi đã chuẩn bị cho mọi kịch bản – cả tấn công và phòng thủ”.
Mỹ đang điều động một phi đội máy bay phản lực đến Gaza và duy trì một tàu sân bay gần đó để hỗ trợ Israel, theo Bloomberg. Cùng lúc, Washington cũng gây sức ép buộc ông Netanyahu phải tăng cường đàm phán thoả thuận ngừng bắn ở Gaza.
Thủ tướng Israel cho biết vấn đề là Hamas liên tục thay đổi yêu cầu. Các bên khác khẳng định Israel cũng có hành động tương tự, khiến thoả thuận khó thành công.
Vào tháng 4, sau khi Israel giết chết hai vị tướng Iran ở Syria, Tehran đã lần đầu tiên bắn hơn 300 tên lửa, máy bay không người lái vào Israel. Hầu hết trong số đã bị Israel và liên minh các cường quốc do Mỹ đứng đầu bắn hạ.
Link nguồn tổng hợp: https://mbaz.net/tam-ly-gioi-dau-tu-toan-cau-dang-hoang-so-nhung-moi-lua-cham-ngoi-cho-cuoc-ban-thao-toan-cau.html
Theo dõi người đăng bài
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường