menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hoàng Trung

Tâm điểm chứng khoán: Có nên lo lắng về lạm phạt và tiền vào ồ ạt?

Chuyên gia cho rằng chưa cần lo lắng về lạm phát trong nước, với thanh khoản bùng nổ, nhóm chứng khoán sẽ được hưởng lợi lớn và lưu ý nhà đầu tư dùng đòn bẩy cao.

Thị trường đã lên cao nhất lịch sử, động lực đi tiếp của thị trường trong thời gian tới là gì?

Câu chuyện lạm phát đang được nhắc đến nhiều tại Mỹ cũng như tại Việt Nam. Nhà đầu tư có cần phải lo lắng?

Nhóm ngành bất động sản đã tăng rất mạnh trong thời gian qua, liệu nhóm cổ phiếu này có thể duy trì sức hút?

Dòng tiền chảy mạnh vào thị trường, nhà đầu tư F0 có thực sự lời?

BizLIVE ghi nhận ý kiến của các chuyên gia xoay quanh các nội dung trên.

CHƯA CẦN LO LẮNG VỀ LẠM PHÁT TRONG NƯỚC

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô & Chiến lược thị trường, Khối Phân tích, CTCK VNDIRECT

Theo tôi các động lực quan trọng nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới bao gồm (1) lộ trình mở cửa trở lại và xu hướng phục hồi của nên kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, (2) các chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế của Chính phủ, bao gồm các gói kích thích tài khóa mới có quy mô lớn hơn và động thái duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng của NHNN cho đến ít nhất là cuối quý 2/2022 và (3) triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trong quý 4/2021 và năm 2022.

Tôi kỳ vọng cùng với xu hướng mở cửa trở lại của nền kinh tế Việt Nam và hưởng lợi từ các gói kích thích kinh tế mới của Chính phủ, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE tăng trưởng 21% so với cùng kỳ trong năm 2022 và sẽ là động lực thúc đẩy thị trường tiếp tục đi lên trong năm tới.

Về câu chuyện lạm phát cao tại Mỹ là khá đặc thù. Lạm phát tại Mỹ trong năm 2021 được dự báo ở mức 4,3% (theo IMF), tạm thời vượt khá xa so với mục tiêu lạm phát 2,0% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Trong khi đó, lạm phát tại các khu vực khác, đặc biệt là châu Á đang tương đối bình ổn nhờ giá lương thực, thực phẩm tại châu Á được bình ổn và duy trì ở mức thấp trong thời gian vừa qua.

Chúng ta có thể thấy điển hình là Việt Nam khi lạm phát bình quân 10 tháng đầu năm 2021 chỉ tăng 1,8% so với cùng kỳ và cả năm 2021 dự kiến ở mức 2,1%. Có thế nói, rủi ro lạm phát tại Việt Nam đang được kiểm soát tốt trong năm 2021.

Như vậy, rủi ro từ lạm phát chủ yếu sẽ đến từ bên ngoài, đặc biệt là từ động thái thay đổi chính sách tiền tệ của Fed trong thời gian tới. Với áp lực lạm phát tăng cao, Fed đã có những động thái bước đầu nhằm thu hẹp dần các chương trình nới lỏng tiền tệ được ban hành thời gian qua để hỗ trợ nền kinh tế, điển hình là chương trình nới lỏng định lượng (quantitative easing).

Tại cuộc họp diễn ra mới đây ngày 2-3/11, Fed dự định dừng hoàn toàn chương trình nới lỏng định lượng kể từ tháng 6/2022. Còn về lãi suất điều hành, Fed tuyên bố giữ nguyên lãi suất điều hành tiệm cận mức gần bằng không hiện nay.

Tuy nhiên, theo khảo sát của CME Group, thị trường kỳ vọng Fed có thể nâng lãi suất điều hành 25-75 điểm cơ bản trong năm 2022, bắt đầu từ tháng 7/2022. Việc Fed thu hẹp dần các chương trình nới lỏng tiền tệ trong thời gian tới sẽ có tác động nhất định tới thị trường tài chính toàn cầu và là một rủi ro mà nhà đầu tư cần lưu tâm trong thời gian tới.

Còn về rủi ro lạm phát trong nước, tôi cho rằng nhà đầu tư chưa cần quá lo lắng về vấn đề này. Tôi dự báo lạm phát của Việt Nam sẽ vẫn được kiểm soát dưới mức trần 4% và theo thống kê lịch sử, trong môi trường áp lực lạm phát ở mức vừa phải, các kênh đầu tư tài sản như chứng khoán, bất động sản vẫn là những kênh hiệu quả để nhà đầu tư phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro lạm phát.

Với diễn biến thuận lợi ở cả chính sách tiền tệ và tài khóa, nền tảng lãi suất thấp và hoạt động đầu tư công đang được thúc đẩy - tập trung vào hạ tầng các đô thị vệ tinh, vùng ven, nên các doanh nghiệp có quỹ đất lớn ven các đô thị sẽ được hưởng lợi nhiều nhất, đặc biệt là các dự án đã hoàn thiện hạ tầng, có thể mở bán ngay và có mức giá tăng tốt do đó nhiều cổ phiếu bất động sản đã ghi nhận mức tăng giá rất ấn tượng trong thời gian qua.

Tuy nhiên, với việc dòng tiền vào mạnh như hiện nay đã khiến giá cổ phiếu của một số doanh nghiệp bị đẩy tăng quá nhanh, do đó khả năng trong ngắn hạn sẽ có những nhịp điều chỉnh để cân bằng trở lại, trước khi bước vào nhịp tăng ổn định trong năm tới.

Tôi cho rằng với những yếu tố hỗ trợ đã kể ra ở phần trên, cổ phiếu bất động sản vẫn sẽ là lựa chọn đầu tư đáng lưu tâm trong thời năm tới, nhất là cổ phiếu của những doanh nghiệp có chất lượng tài sản tốt cũng như có dự án lớn được bàn giao ngay trong giai đoạn cuối năm nay và năm tới.

Nhiều cổ phiếu ngành thép đã tăng 5-10 lần trong một năm vừa qua, phản ảnh kết quả kinh doanh tăng trưởng ấn tượng của nhóm doanh nghiệp này trong năm 2021. Do đó, áp lực chốt lời và tìm kiếm cơ hội đầu tư ở các nhóm ngành khác là hợp lý.

Tôi cho rằng việc giá bán thép thế giới có xu hướng giảm mạnh từ tháng 9/2021 và biên lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp thép quý 3/2021 đã suy giảm đáng kể từ mức cao trong quý trước đó cũng đã gây áp lực lên diễn biến giá cổ phiếu thép trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, nhu cầu thép vẫn sẽ được duy trì ở mức cao trong những năm tới nhờ hưởng lợi từ xu hướng đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng trên toàn cầu và giá thép thấp hơn kích thích các hoạt động xây dựng dân dụng. Đây sẽ là luận điểm hỗ trợ giá cổ phiếu thép trong năm 2022.

NGÂN HÀNG VỚI THÔNG TIN NỚI ROOM TÍN DỤNG, NHÓM BẤT ĐỘNG SẢN VẪN HÚT SONG

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc Môi giới hội sở, CTCK Mirae Asset Việt Nam

Có thể thấy, tuần rồi là ăn nên làm ra với giới đầu tư chứng khoán, tất cả đều có những món quà. Sự luân chuyển dòng tiền đang tốt.

Về tin đồn nới room tín dụng nhóm ngân hàng, hiện tại Chính phủ khuyến khích ngân hàng cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch. Vấn đề nới room tín dụng cho thấy yếu tố tích cực là cầu tín dụng của nền kinh tế đang tăng lên. Do ảnh hưởng của dịch nên trong tháng 8, 9 cầu tín dụng đi ngang, tháng 10 mở cửa.

Việc nới room tín dụng sẽ tốt cho cả ngân hàng lẫn nền kinh tế. Ở khía cạnh ngân hàng, thu nhập từ tín dụng chiếm 70-80% tổng thu nhập ngân hàng, do đó tăng trưởng tín dụng tác động lớn tới thu nhập, lợi nhuận của ngân àng. Ở khía cạnh kinh tế, cầu tín dụng tăng thì là điểm sáng tích cực cho thấy bánh xe kinh tế lăn trở lại dù chưa bình thường như trước. Tôi không ngạc nhiên khi phiên cuối tuần cổ phiếu ngân hàng giao dịch mạnh khi tin đồn lan truyền.

Áp lực lạm phát thị trường Mỹ, con số mới công bố là 6,3% trong khi dự báo 5,9%. Trong rổ tính CPI của thị trường này có giá xăng dầu và giá xe ô tô tăng. Với giá xe nguyên nhân do sự đứt gãy cung cầu, chuỗi sản xuất. Câu chuyện gián đoạn chuỗi sản xuất không đáng lo ngại khi chuỗi trở lại bình thường thì giá sẽ giảm, áp lực lạm phát giảm.

Về giá dầu, đã tăng lên trên 80 USD/thùng, tăng gần 50% so với cùng kỳ, góp lớn vào lạm phát Mỹ. Tôi cho rằng dư địa giá dầu tăng cao không còn nhiều nữa. Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp dầu đá phiến Mỹ họ vượt ngưỡng hòa vốn (khoảng 50- 60 USD/thùng), khi giá dầu lên cao là cơ hội đẩy mạnh sản lượng tối ưu hóa lợi nhuận, theo đó cung dần dần cân bằng cầu, xu hướng hạ nhiệt rõ ràng trong thời gian tới. Nhiều nhận định qua năm 2022 giá dầu duy trì ổn định ở vùng 7x. Nếu giá dầu điều chỉnh thì lạm phát Mỹ sẽ giảm, ngay cả lạm phát Việt Nam cũng vậy, tốt cho phần lớn nền kinh tế.

Cần thấy rằng, Việt Nam ở bối cảnh khác. Chúng ta đã chuyển chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu từ 2 lần 1 tháng sang 3 lần 1 tháng. Giá xăng tuần sau có thể điều chỉnh giảm, áp lực lạm phát theo đó giảm.

Bên cạnh đó, hiện tại VND mạnh lên, so với đầu năm VND đã mạnh lên gần 2%, trong khi những năm trước mất giá đều đều mỗi năm 2%. Việc VND mạnh lên góp phần lớn làm giảm áp lực lạm phát ở Việt Nam.

Về cổ phiếu bất động sản, tại sao lại hút sóng? Với bất động sản, quỹ đất tích lũy từ xưa đang tạo nên giá trị tiềm ẩn tốt trong tương lai. Nhóm bất động sản thì định giá bằng RNAV, ví dụ ngày xưa nền 100 tỷ, bây giờ tăng lên nhiều lần.

Tại sao định giá bất động sản tăng lên? Đầu tiên, chúng ta đang trong giai đoạn tiền rẻ. Thứ hai, tài sản giới trung lưu của Việt Nam đang tăng rất nhanh, trong đó có giới trung lưu chứng khoán tăng. Chứng khoán với bất động sản bình thông nhau, chốt này mua kia bình thường. Nó làm RNAV nhóm bất động sản tăng lên, làm tăng định giá lên.

Thêm nữa câu chuyện về nhu cầu nhà ở, các vấn đề dự án. Bây giờ doanh nghiệp có trong tay chủ trương, có quy hoạch thì không nói. Nhưng những câu chuyện về pháp lý, phạm luật như vừa rồi nữ Chủ tịch Vimedimex cho thấy sự hữu hạn dự án bất động sản có tính pháp lý cao về lâu về dài là hiếm. Cuộc chơi xưa có 1.000- 2.000 doanh nghiệp thì nay tập trung 20-50 doanh nghiệp thôi, giá trị càng ngày càng lên.

3 yếu tố trên hội tụ làm cho giá trị bất động sản lên nhiều. Tuy nhiên, cần chú ý câu chuyện đầu cơ, doanh nghiệp tự nghĩ ra quỹ đất nhưng thực chất chưa có, thượng vàng hạ cám. Nhà đầu tư cần nhìn sâu đâu là vàng đâu là cám.

Có 2 góc nhìn, thứ nhất tính tất yếu nhóm ngành này đang hưởng lợi. Thứ hai câu chuyện giá trị về quỹ đất nhưng thực sự đang nắm trong tay, tính pháp lý cao.

Về nhóm chứng khoán, 2 tuần vừa qua tần suất giao dịch của nhà đầu tư tăng lên rất nhiều, đẩy thanh khoản thị trường tăng lên mạnh, có nhiều phiên lên trên 30.000 tỷ đồng. Rõ ràng các đơn vị chứng khoán hưởng lợi đầu tiên. Tuy nhiên phải bóc tách kỹ, những công ty nào thực sự hưởng lợi, thế mạnh là gì, từ tự doanh, margin… để đưa ra định giá, tránh nước lên thuyền lên.

DÒNG TIỀN CÓ XU HƯỚNG ĐẢO LIÊN TỤC

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK Maybank KimEng Việt Nam

Dòng tiền vào thị trường hiện rất mạnh, thông qua số lượng tài khoản mở mới đang cao, ngay khi thị trường điều chỉnh thì dòng tiền mua vào hết.

Nói chuyện với một số người bạn, ngay cả người buôn bán nhỏ, bán đồ ăn sáng cũng mở tài khoản chứng khoán. Dòng tiền hiện ghê gớm, tỷ lệ đó như năm 2007, khi mà bà bán bánh canh cũng chơi chứng khoán. Ngay cả những người hoàn toàn không phải F0 mà F0 trừ 1.

Nhưng cần thấy rằng, trong số tài khoản mở mới, tỷ lệ NĐTNN, nhà đầu tư tổ chức mới chiếm tỷ trọng cực nhỏ, chủ yếu cá nhân tăng mạnh. Nhà đầu tư cá nhân còn NĐTNN, nhà đầu tư tổ chức vẫn tiếp tục bán ròng, chưa có gì thay đổi.

Ít nhất trong ngắn hạn dòng tiền mạnh giúp đẩy VN-Index lên, còn VN30 vẫn chưa vượt đỉnh được, vì nhóm ngân hàng còn cách đỉnh rất xa, nhiều mã đỉnh cách đây mấy tháng.

Dòng tiền có xu hướng đảo liên tục, chạy vòng vòng, những ngành đã tăng một thời gian dài, như ngân hàng tăng mấy năm thì nhà đầu tư tìm đến những nhóm khác như bất động sản. Gần đây là nông nghiệp, lương thực, thực phẩm, những ngành nằm yên, không có gì, gọi là ngành phòng thủ nhưng bây giờ dòng tiền cũng tìm đến do những ngành kia quá cao.

Nhà đầu tư tìm ngành mới có thể chưa tăng giá hoặc tăng nhưng ít để chuyển bớt dòng tiền qua hoặc đầu tư cổ phiếu peny thị giá thấp dễ lời theo nguyên tắc cục đá và chiếc lá “ăn cho dày”. Bởi nhà đầu tư đâu coi doanh nghiệp làm ăn tốt xấu, thậm chí không biết doanh nghiệp tên gì. Vấn đề nhà đầu tư bây giờ là cho tôi xin "3 chữ cái" chứ không quan tâm sâu xa hơn vì đâu ai giữ cả năm, có lời họ bán ngay.

Dòng tiền đảo liên tục nên thị trường giao dịch sôi động. Nhưng rõ ràng khi nhà đầu tư cá nhân hoạt động quá nhiều thì nội tại không ổn. So với giai đoạn hơn 10 năm trước, nhà đầu tư cũng không khác gì nhiều, F0, F0-1 giống như nhau, thậm chí nhà đầu tư không biết coi bảng điện, không biết bấm chuột hiện nay vẫn còn bởi vì môi giới bấm dùm nên họ không quan tâm vấn đề đó. Có một điều tôi thấy tỷ lệ lời là có nhưng so với thị trường chung là không quá nhiều vì họ mới tham gia. Tuy nhiên số lượng lỗ vẫn có.

Tôi biết có nhà đầu tư hồi tháng 6 họ bỏ vô tài khoản 100.000 USD, tức khoảng 2,3 tỷ đồng, hiện tài khoản họ còn 2,1 tỷ đồng vì mua mã ngân hàng, những mã trong VN30, những cổ phiếu không tăng trong mấy tháng qua. Họ than phiền với tôi, thị trường lên nhưng nhà đầu tư này không lời đồng nào. Số lượng nhà đầu tư như này vẫn có.

Thị trường tuần rồi đặc biệt, chứng khoán Việt Nam lập đỉnh cao nhất, chứng khoán Mỹ đạt đỉnh mọi thời đại, đồng Bitcoin, giá dầu ở mức cao nhất trong nhiều năm, là một tuần lịch sử.

Thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng chu kỳ dài 13 năm. Thị trường Việt được hoảng 2-3 năm vì năm 2018 đi xuống. Nhiều người nói tăng nữa thì sao, họ nói với tôi bây giờ kiếm tiền từ chứng khoán dễ, trong khi đi ra ngoài làm ăn quá khó. Điều đáng lo ở đây, thị trường lên ai cũng vui nhưng chẳng lẽ lên mãi?

Ở thị trường lâu năm, tôi thấy có những rủi ro, vì nhiều nhà đầu tư thấy kiếm tiền dễ nên vay mượn lớn, không phải vay công ty chứng khoán mà vay mượn người thân để chơi. Thị trường đang đỉnh của đỉnh, không cần vào xu hướng rớt giá mà chỉ cần điều chỉnh thì nhà đầu tư có cục lỗ bự. Thị trường tăng 10 ngày, chỉ cần giảm không chỉ 1 mà nửa ngày đã đặt câu hỏi liệu đã bị sụp hố. Vì nhà đầu tư cá nhân vay tiền nhiều nên tâm lý họ rất yếu, thị trường trở nhẹ là run rẩy.

Hay có nhiều cổ phiếu trong vòng năm qua tăng hơn chục lần. Bây giờ nhiều người kỳ vọng cổ phiếu đó tiếp tục tăng hơn chục lần vào năm sau. Nhưng bạn nghĩ xem, xưa giá cổ phiếu có 5.000 đồng, sau khi tăng chục lần giờ lên 50.000 đồng, vậy muốn tăng lên chục lần nữa tức là bao nhiêu? Tôi cho rằng lên gấp đôi đã là kỳ tích, lên nửa triệu đồng một cổ phiếu có khả thi không? Cho nên, nhà đầu tư cần cân đối danh mục, cân nhắc việc vay mượn.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Mã liên quan
Giá
Biểu đồ

1,231.81

-22.83 (-1.82%)

Biểu đồ mã VN-INDEX

66,544.40

-131.50 (-0.20%)

Biểu đồ mã BTC
Xem thêm Xem thêm
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả