Tái diễn lệch sâu số liệu tài chính trước và sau kiểm toán
Báo cáo kiểm toán của nhiều doanh nghiệp niêm yết được công bố mới đây cho thấy có sự chênh lệch lớn về chỉ tiêu lợi nhuận, thậm chí lên tới trăm tỷ đồng so với báo cáo tự lập.
ITA: Lãi ròng tăng gấp đôi
Cụ thể, doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất lần lượt đạt 1.307 tỷ đồng và 206 tỷ đồng, tương ứng tăng 187% và 106%. Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ cũng tăng gấp đôi với báo cáo tài chính tự lập, từ 99 tỷ đồng lên 203 tỷ đồng.
Với kết quả này, ITA đã thực hiện được 45% kế hoạch lợi nhuận năm, tỷ lệ thực hiện cao nhất của ITA trong 5 năm gần đây. So với kết quả đạt được ở năm trước, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế tăng lần lượt 167% và 149%.
Sự biến động mạnh của số liệu doanh thu trước và sau kiểm toán của ITA chủ yếu xuất phát từ việc doanh thu cho thuê đất và phát triển cơ sở hạ tầng tăng vọt lên mức 942 tỷ đồng so với con số ban đầu là 160 tỷ đồng.
Tuy nhiên, kiểm toán viên cũng đưa ra vấn đề nhấn mạnh trên báo cáo tài chính của ITA. Ðó là việc ITA đã ghi nhận doanh thu một lần cho toàn bộ diện tích đất cho thuê tại Khu công nghiệp Tân Tạo - Khu mở rộng và Khu công nghiệp Tân Ðức.
Theo quy định, Công ty phải nộp tiền thuê đất cho Nhà nước một lần cho toàn bộ thời gian thuê của diện tích đất đã được cho thuê theo đơn giá thuê đất trả tiền thuê một lần và số tiền này có thể khác với số tiền đã được ITA trích trước.
Ngoài ra, kiểm toán viên cũng nhấn mạnh khoản đầu tư vào TEDC và TEC 2 với tổng giá trị 2.170 tỷ đồng và khoản phải thu từ TEDC, TEC 2 và TEC với số tiền 1.359 tỷ đồng của Công ty.
Theo đó, việc thu hồi các khoản đầu tư và khoản phải thu này được Ban Giám đốc ITA xác định dựa trên giả định là TEC sẽ tiếp tục thực hiện Dự án Nhiệt điện Kiên Lương, tuy nhiên đến thời điểm này, TEC vẫn đang trong quá trình xin phê duyệt từ các cơ quan chức năng cho dự án này.
Giải trình ý kiến nhấn mạnh của đơn vị kiểm toán, Ban lãnh đạo ITA cho biết, Công ty đang trong quá trình làm việc với cơ quan Nhà nước để xác định và nộp tiền thuê đất. Năm 2019, Công ty đã ghi nhận vào giá vốn hàng bán 886 tỷ đồng.
Với vấn đề khoản phải thu và khoản đầu tư vào TEDC và TEC2, Công ty khẳng định, không có khả năng giảm giá trị, không bị thất thoát tại ngày lập báo cáo tài chính hợpnhất này.
PVX: Lỗ thêm 36 tỷ đồng sau kiểm toán
Báo cáo kiểm toán 2019 của Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVX) cho thấy, doanh thu thuần sau kiểm toán tăng 3% so với báo cáo tự lập, trong khi giá vốn giảm 1%, khiến lợi nhuận gộp chỉ còn ghi nhận lỗ 80 tỷ đồng so với con số 169 tỷ đồng trước kiểm toán.
Tuy nhiên, do các khoản chi phí đều tăng sau kiểm toán, đặc biệt chi phí quản lý doanh nghiệp tăng thêm 128 tỷ đồng khiến lỗ sau thuế lên tới 393 tỷ đồng, tăng thêm 36 tỷ đồng so với báo cáo tự lập.
Với kết quả này, PVX đã vào diện bị hủy niêm yết bắt buộc với 3 năm liên tiếp thua lỗ.
Ðáng nói hơn, đơn vị kiểm toán Deloitte đã từ chối đưa ra ý kiến với báo cáo tài chính của PVX do không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng thích hợp để làm cơ sở đưa ra ý kiến kiểm toán.
Cụ thể, tính đến ngày 31/12/2019, PVX đang mang khoản lỗ lũy kế khoảng 3.899 tỷ đồng; nợ phải trả ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn khoảng 563 tỷ đồng; thiếu hụt vốn lưu động để thanh toán các khoản nợ đến hạn, nợ quá hạn thanh toán 1.011 tỷ đồng, chủ yếu là số dư gốc vay.
Kiểm toán viên cũng không thu thập được bằng chứng kiểm toán tại các đơn vị thành viên của PVX như Petroland, Khách sạn Lam Kinh, CTCP Kết cấu kim loại và lắp máy Dầu khí, Dự án Dầu khí Thái Bình, Dầu khí Ðông Ðô...
Trước đó, Deloitte đã từng từ chối đưa ra ý kiến đối với báo cáo tài chính bán niên soát xét năm 2019 của PVX sau khi chỉ ra 9 vấn đề tương tự.
PTL: Lợi nhuận giảm sâu 70%, báo cáo nhiều điểm ngoại trừ
Công ty cổ phần Ðầu tư hạ tầng và đô thị Dầu khí (Petroland, PTL) cũng nằm trong nhóm bị điều chỉnh giảm sâu lợi nhuận sau kiểm toán, với mức giảm 70% nhưng vẫn là số dương dù rất nhỏ (200 triệu đồng). Với kết quả này, PTL đã tránh được nguy cơ hủy niêm yết bắt buộc, khi đã lỗ trong 2 năm trước đó.
Ðây không phải là lần đầu tiên PTL thoát án huỷ niêm yết trong gang tấc. Trước đó, sau năm 2012 - 2013, sang năm 2014, PTL đã lội ngược dòng báo lãi hơn 2 tỷ đồng và tiếp tục được giao dịch trên sàn chứng khoán
Dẫu vậy, báo cáo kiểm toán lại cho thấy nhiều vấn đề trên báo cáo tài chính 2019 của Công ty. Cụ thể, đơn vị kiểm toán đã đưa ra 5 ý kiến ngoại trừ liên quan đến việc không xác định được tính chính xác của mục lỗ lũy kế; xác nhận bù trừ công nợ; khả năng thu hồi nợ cũng như trích lập dự phòng hàng tồn kho.
Ðáng chú ý, theo ý kiến kiểm toán, PTL chưa trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho gần 1,6 tỷ đồng, dẫn đến khoản mục hàng tồn kho đang phản ánh theo giá gốc là 110 tỷ đồng, thay vì phản ánh theo giá trị thuần có thể thực hiện được.
Việc ghi nhận này chưa phù hợp với chuẩn mực kế toán. Nếu trích lập dự phòng hàng tồn kho, thì giá vốn hàng bán và lợi nhuận sau thuế sẽ tăng và giảm tương ứng 1,5 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, trong năm 2019, PTL ghi nhận thu nhập là tiền đặt cọc cho việc chuyển nhượng vốn góp dự án nhà ở thương mại Tương Bình Hiệp từ CTCP Vạn Khởi Hành 4 tỷ đồng.
Việc ghi nhận khoản thu nhập này chưa phù hợp với chuẩn mực kế toán Việt Nam số 18. Nếu Công ty ghi nhận đúng theo chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán doanh nghiệp Việt Nam, thì khoản thu nhập khác và lợi nhuận sau thuế sẽ giảm 4 tỷ đồng.
Theo giải trình từ phía Ban lãnh đạo PTL, đối với khoản trích lập dự phòng hàng tồn kho, Công ty đang trong quá trình thương lượng với các chủ căn hộ thuộc Dự án Chung cư Dầu khí Mỹ Phú với giá bán phù hợp.
Do đó, Công ty cho rằng, không có dấu hiệu giảm giá hàng tồn kho còn lại nên không cần thiết phải trích lập.
Còn đối với khoản thu nhập từ tiền đặt cọc, lãnh đạo PTL giải thích, ngày 29/3/2019, Công ty đã ký biên bản thoả thuận phương án hoàn lại vốn góp với Vạn Khởi Thành với số tiền thu hồi cao hơn giá trị ghi sổ.
Theo đó, trong vòng 7 ngày kể từ ngày ký, Vạn Khởi Thành sẽ đặt cọc 4 tỷ đồng. Số còn lại sẽ được thanh toán trong vòng 3 tháng và 6 tháng tiếp theo.
Do Vạn Khởi Thành không thực hiện đúng cam kết thanh toán nên PTL đã thông báo thu hồi cọc và ghi nhận khoản thu nhập khác với số tiền là 4 tỷ đồng.
Hậu kiểm toán, cùng với những con số chênh lệch, hàng loạt vấn đề nội tại của các doanh nghiệp được chỉ ra.
Doanh nghiệp có nhiều lý do giải thích về sự chênh lệch số liệu. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp giải trình theo kiểu “cho có”, khiến cổ đông, nhà đầu tư thiếu thông tin, từ đó mất niềm tin vào doanh nghiệp.
Tồn tại dai dẳng trên thị trường từ mùa báo cáo này sang mùa báo cáo khác, dường như các cơ quản lý vẫn chưa thể đưa ra các giải pháp thiết thực để khắc phục tình trạng trên.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận