24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Huyền An
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Tái cơ cấu vốn nhà nước, thúc đẩy những "cú đấm thép"

Sau 10 năm triển khai thực hiện, nhiều quy định của Luật đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế, bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp, dẫn đến tình trạng vướng mắc khi triển khai thực hiện.

Tạo ra các động lực tăng trưởng và không gian tăng trưởng mới cho doanh nghiệp nhà nước là mục đích được đặt ra cho Dự án Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Để đạt được điều này, doanh nghiệp cần được phân cấp, phân quyền với các quy định, quy chế rõ ràng...

Sau hơn 20 năm triển khai thực hiện chủ trương của Đảng về sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước (được khởi xướng từ Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Khoá IX ngày 22/8/2001 đến Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03/06/2017 của Hội nghị lần thứ 5 khóa XII và Văn kiện Đại hội XIII), sau quá trình tập trung vào đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn, đến nay số lượng doanh nghiệp nhà nước chỉ còn khoảng 680 doanh nghiệp (trong đó có 480 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và 180 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối).

Hiện nay, doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, nắm giữ nguồn lực rất lớn, đang thực sự đóng vai trò chi phối trong một số ngành lĩnh vực quan trọng, thiết yếu của nền kinh tế.

THÚC ĐẨY VIỆC GỠ VƯỚNG

Để phát huy vai trò và nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước, Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII và Chiến lược Phát triển kinh tế xã hội 2021-2030 đã nêu rõ: “Đảm bảo doanh nghiệp nhà nước là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước” “Củng cố, phát triển một số tập đoàn kinh tế nhà nước có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế trong một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế” cần chuyển hướng căn bản từ “tăng cường quản lý” sang “củng cố, phát triển” và có giải pháp đột phá về thể chế, đầu tư nguồn lực tài chính và cơ chế chính sách cán bộ, tiền lương cho doanh nghiệp nhà nước.

Luật số 69/2014/QH13 được ban hành từ năm 2014 đã góp phần tạo môi trường pháp lý cho hoạt động quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp; tạo tiền đề thuận lợi cho các doanh nghiệp nhà nước ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Tuy nhiên, sau 10 năm triển khai thực hiện, nhiều quy định của Luật đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế, bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp, dẫn đến tình trạng vướng mắc khi triển khai thực hiện.

Trong tờ trình gửi Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 22/9/2024, Chính phủ đã chỉ ra nhiều hạn chế của Luật số 69/2014/QH13.

Thứ nhất, chưa tách bạch, phân định rõ chức năng quản lý nhà nước với chức năng chủ sở hữu vốn của Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp và chức năng quản trị hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; can thiệp trực tiếp vào hoạt động quản trị của doanh nghiệp; có các quy định làm hạn chế quyền của doanh nghiệp, chưa tạo điều kiện và xây dựng hành lang pháp lý thống nhất để doanh nghiệp chủ động trong hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Thứ hai, đối tượng áp dụng chưa bao gồm vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư dưới 100% vốn điều lệ; các doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước do các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp đầu tư vốn dẫn đến khoảng trống về pháp lý, việc tổ chức thực hiện còn nhiều lúng túng, không rõ nhiệm vụ, không đảm bảo thống nhất. Quy trình, thủ tục báo cáo, phê duyệt còn nhiều tầng nấc, chưa phân cấp triệt để, phải được sự chấp thuận của nhiều cơ quan quản lý trong quyết định các vấn đề quản trị kinh doanh.
Thứ ba, việc đầu tư vốn (bao gồm cả việc bổ sung và rút vốn) nhà nước tại doanh nghiệp chưa được quy định cụ thể, chưa tạo tính chủ động, kịp thời, linh hoạt (như việc đầu tư vốn trong thời gian qua của Vietnam Airlines, các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước, Công ty Đường sắt đô thị số 1 TP.HCM). Lĩnh vực, ngành nghề đầu tư vốn nhà nước còn bị bó hẹp, chưa phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ. Quy mô đầu tư phát triển và sự tham gia của doanh nghiệp có vốn nhà nước vào các dự án trọng điểm quốc gia còn khiêm tốn, nhất là đầu tư vào các lĩnh vực mới như năng lượng sạch, tái tạo, hydrogen, công nghệ cao như sản xuất chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.
Thứ tư, việc đánh giá xếp loại doanh nghiệp cũng như việc đánh giá bảo toàn vốn của doanh nghiệp được đánh giá chung trên kết quả hoạt động của doanh nghiệp và từng dự án đầu tư (phải có hiệu quả), trong khi đó doanh nghiệp xét trên tổng thể là có hiệu quả và còn phải thực hiện một số nhiệm vụ chính trị do Nhà nước giao, không vì mục tiêu lợi nhuận (các nhiệm vụ này thường có hiệu quả kinh tế không cao mà chủ yếu hiệu quả về mặt xã hội, chính trị, an ninh, quốc phòng).

Chính phủ nhấn mạnh “Việc sửa Luật số 69/2014/QH13 và các văn bản hướng dẫn là cần thiết để tháo gỡ những vướng mắc trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Việc này cần phải được rà soát, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn và định hướng cơ cấu lại doanh nghiệp có vốn nhà nước trong thời gian tới”.

LÀM RÕ HƠN CÂU HỎI “MỤC TIÊU”

Đưa ra lấy ý kiến từ tháng 3/2024, đến nay Dự án Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhận được nhiều ý kiến đóng góp và đã cập nhật sửa đổi đến phiên bản thứ năm. Tuy nhiên, tại kỳ họp gần nhất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 10 mới đây, vẫn có những ý kiến đề nghị Ban soạn thảo dự luật tiếp thu, sửa đổi, trong đó nóng nhất là nội dung vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp phải trở thành vốn của doanh nghiệp, từ đó phân cấp, phân quyền cho doanh nghiệp tự chủ, nhà nước không can thiệp vào quản trị doanh nghiệp.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị rà soát lại toàn bộ Dự thảo luật để thể hiện nhất quán những tư tưởng của Nghị quyết số 12-NQ/TW về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Tư tưởng chính là Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản trị của doanh nghiệp. Vốn nhà nước sau khi đã đầu tư vào doanh nghiệp được xác định là tài sản, là vốn của doanh nghiệp.

Nhận xét về lĩnh vực vốn dĩ khá phức tạp này, ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng ADB nói “tư duy quản lý vốn nhà nước vẫn nặng tính hành chính, cần chuyển dịch sang tư duy thị trường, quản lý theo cơ chế thị trường”. Ông Hùng cho rằng cần phải làm rõ câu hỏi: Chúng ta muốn các DNNN đi đến đâu, từ đó tìm ra giải pháp phù hợp.

Chuyên gia nhận xét, các quy định hiện hành áp dụng khung pháp lý chung cho tất cả doanh nghiệp nhà nước trong khi hiện nay có những nhóm doanh nghiệp mang đặc thù khác nhau. Có nhóm doanh nghiệp được cho giữ vai trò quan trọng với an ninh kinh tế như dầu khí, điện, xăng dầu; có nhóm giữ vai trò xã hội như môi trường đô thị, thuỷ nông, cấp thoát nước, công ty cây xanh; có nhóm lại hoàn toàn theo thị trường, cạnh tranh quyết liệt với các doanh nghiệp tư nhân và nước ngoài trong các lĩnh vực như dược phẩm, thép, lương thực…

“Thế giới có những kinh nghiệm quản lý vốn nhà nước rất hiệu quả, Việt Nam có làm được không? Làm được, nếu chúng ta muốn”, ông Hùng khẳng định và cho rằng nên phân nhóm doanh nghiệp bởi mỗi nhóm doanh nghiệp cần những giải pháp “cởi trói” khác nhau.

Ông Hùng đánh giá cao việc tách bạch quản lý nhà nước và quản lý vốn nhà nước theo mô hình doanh nghiệp như của SCIC. Theo đó, loại trừ những ngành, lĩnh vực đặc thù, vốn nhà nước được quản lý, vận hành như đồng vốn của các khu vực kinh tế khác, nhà nước cũng là một nhà đầu tư, tuân thủ các luật chơi của thị trường.

Thực tế 18 năm hoạt động của SCIC cho thấy, đồng vốn tại doanh nghiệp do Nhà nước chuyển giao về SCIC đã trở thành vốn của SCIC, được SCIC bảo toàn và phát triển trong vai trò là cổ đông - nhà đầu tư, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và bình đẳng với các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

SCIC đã tiếp nhận 1.080 doanh nghiệp doanh nghiệp (bao gồm 25 tập đoàn, tổng công ty) với tổng vốn nhà nước hơn 32.339 tỷ đồng; Bán vốn tại 1.054 doanh nghiệp (bán hết: 950 doanh nghiệp, bán bớt: 104 doanh nghiệp, bán quyền mua: 19 doanh nghiệp), thu về 51.668 tỷ đồng, gấp 4,1 lần giá vốn.- Giải ngân đầu tư với tổng số tiền 38.779 tỷ đồng, trong đó giải ngân 6.895 tỷ đồng đầu tư theo chỉ định của Chính phủ vào Vietnam Airlines. Nộp NSNN với tổng số tiền 92.823 tỷ đồng.

SCIC đã chứng minh năng lực trong việc thực hiện các biện pháp quản trị thông qua vai trò cổ đông nhà nước, tái cơ cấu để nâng cao hiệu quả hoạt động, xử lý tồn tại phát sinh tại các doanh nghiệp trong danh mục, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty có quy mô vốn lớn, có tình hình tài chính phức tạp.

Tính đến ngày 30/6/2024, danh mục đầu tư của SCIC có 112 doanh nghiệp, với tổng vốn đầu tư của TCT theo giá trị sổ sách là 53.306 tỷ đồng, trên tổng số vốn điều lệ của các doanh nghiệp là 182.891 tỷ đồng. SCIC đã nộp NSNN với tổng số tiền 92.144 tỷ đồng; tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân đạt 13%/năm.

“Tư duy của người làm quản lý vốn rất khác tư duy người quản lý nhà nước hành chính. Kinh nghiệm quốc tế để giải quyết kỳ vọng quản lý vốn nhà nước, có các mô hình với những lời giải khá thú vị”, ông Hùng nêu quan điểm.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung cũng nêu quan điểm “SCIC là 1 công cụ rất thị trường, phải có các quy định điều tiết hoạt động của SCIC một cách thị trường, không thể biến SCIC thành 1 cơ quan hành chính”.

Từ kinh nghiệm sau hơn 18 năm hoạt động, kinh nghiệm quốc tế, định hướng hoạt động của SCIC là “theo mô hình tổ chức đầu tư tài chính chuyên nghiệp”. Điều này đã được khẳng định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2022 của Chính phủ, kết luận của Thường trực Chính phủ tại thông báo số 240/VPCP-TB ngày 12/7/2023 và Quyết định số 1336/QĐ-TTg ngày 10/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển của SCIC (tại điểm 1, điểm 2, phần II, Điều 1, Quyết định số 1336/QĐ-TTg ngày 10/11/2023).

Việc triển khai hoạt động đầu tư với vai trò là nhà đầu tư tài chính (đầu tư gián tiếp) của SCIC có những ưu điểm kết hợp được nguồn lực tài chính với kỹ năng, kinh nghiệm và năng lực quản lý, vận hành dự án của các nhà đầu tư chuyên ngành tham gia đầu tư; SCIC thể hiện được vai trò là “tổ chức đầu tư tài chính, kênh đầu tư của Chính phủ” để dẫn dắt, thu hút các thành phần kinh tế khác cùng đầu tư phát triển, qua đó thu hút thêm nguồn lực đầu tư vào nền kinh tế.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả