"Sức khoẻ" tài chính của loạt doanh nghiệp mà Bộ Công Thương muốn chuyển giao
VEAM, Habeco và 9 doanh nghiệp được Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ bàn giao đồng thời và nguyên trạng về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đến năm 2025. Trong đó, hiện còn ba đơn vị chưa quyết toán khi chuyển sang công ty cổ phần, gồm Tổng Công ty Thép (VNSteel), Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp (VEAM) và Tổng Công ty Máy và Thiết bị công nghiệp (MIE).
12 năm chưa quyết toán cổ phần hoá xong, có trách nhiệm của Bộ Công Thương
Bộ Công Thương vừa có báo cáo gửi Chính phủ về việc giám sát tình hình thực hiện chuyển đổi doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần. Theo đó, Bộ này đề xuất bàn giao đồng thời và nguyên trạng tất cả doanh nghiệp do bộ đang làm đại diện chủ sở hữu sang Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và SCIC giai đoạn 2022-2025.
Theo tìm hiểu của phóng viên, trong số những doanh nghiệp này, có doanh nghiệp nhiều năm nay ì ạch, thiếu sót trong việc cổ phần hoá, thoái vốn Nhà nước, đơn cử như VNSteel, VEAM.
Đối với VNSteel,ngày 1.10.2011, Công ty mẹ - Tổng Công ty Thép Việt Nam chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.
Ngày 20.7.2021, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 4880 thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về việc quyết toán cổ phần hóa VNSteel, giao Bộ Công Thương căn cứ hướng dẫn của Bộ Tài chính và quy định của pháp luật khẩn trương thực hiện việc quyết toán cổ phần hóa VNSteel theo đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Còn kết luận của Thanh tra Chính phủ việc tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ Công Thương vừa được công bố đã chỉ ra hàng loạt thiếu sót, vi phạm trong quá trình thực hiện cổ phần hoá tại VNSteel.
Cụ thể, việc xác định giá trị doanh nghiệp tại Công ty Thép tấm lá Phú Mỹ và Công ty Thép Miền Nam khi xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá VNSteel được thực hiện bởi Công ty Cổ phần Định giá và Dịch vụ Tài chính Việt Nam (VVFC).
Theo đó, Ban chỉ đạo cổ phần hoá trình, Bộ Công Thương phê duyệt giá trị doanh nghiệp VNSteel không đúng, dẫn đến xác định thiếu giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại VNSteel là 344,7 tỉ đồng.
Trong đó, 92 máy móc thiết bị của Công ty Thép Miền Nam là 237,35 tỉ đồng và 35 máy móc thiết bị của Công ty Thép tấm lá Phú Mỹ là 107,33 tỉ đồng.
Trách nhiệm để xảy ra sự việc này, theo kết luận thanh tra thuộc về Bộ Công Thương, VVFC, Công ty Thép miền Nam, Công ty Thép tấm lá Phú Mỹ; Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng VNSteel; Ban chỉ đạo cổ phần hoá VNSteel.
Ông Nghiêm Xuân Đa - Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam - cho biết, trong tuần qua, lãnh đạo tổng công ty đã nhận được bản sao kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ.
“Những kết luận nào liên quan đến trách nhiệm của VNSteel, chúng tôi sẽ nghiêm túc triển khai thực hiện. Còn về phương án cổ phần hoá, nhất là phần định giá về bản chất không đạt được mục tiêu, không có người mua, trong khi lại tăng giá trị lên nữa thì rất khó thực hiện được mục tiêu cổ phần hoá” - ông Nghiêm Xuân Đa nói và cho biết, việc cổ phần hoá tại VNSteel đã kéo dài 12 năm, đến hiện tại vẫn chưa làm xong.
Về báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023 vừa được VNSteel (mã CK: TVN) công bố, doanh thu thuần của VNSteel quý II đạt 6.754 tỉ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ. Khấu trừ chi phí giá vốn, lợi nhuận gộp của VNSteel đạt gần 94 tỉ đồng, giảm mạnh 57% cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, công ty ghi nhận khoản lỗ gần 324 tỉ đồng trong công ty liên doanh, liên kết.
Báo cáo tài chính của VNSteel.
Có doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, có doanh nghiệp "con gà đẻ trứng vàng"
Đối với Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM), theo tài liệu của Báo Lao Động, thời gian vừa qua đã xảy ra một số vi phạm pháp luật tại VEAM, Cơ quan cảnh sát điều tra đang điều tra xử lý theo quy định.
Việc quyết toán cổ phần hóa tại VEAM vẫn chưa hoàn thành do một số vướng mắc, nguyên nhân. Cụ thể, giai đoạn hiện tại, Bộ Công an đang điều tra làm rõ và xử lý trách nhiệm đối với các vụ việc có dấu hiệu vi phạm liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, quản lý sử dụng đất đai, trong đó có nội dung Thanh tra Chính phủ đã kiểm tra và ghi nhận tại Biên bản làm việc với VEAM ngày 18.9.2018 (diện tích đất chưa có đủ hồ sơ pháp lý về đất đai, chưa có hợp đồng thuê đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Công ty TNHH MTV Diesel Sông Công tại tỉnh Thái Nguyên...).
Mặc dù công tác cổ phần hoá diễn ra rất ì ạch nhưng kết quả tài chính của VEAM lại tươi sáng. Tổng lợi nhuận sau thuế của VEAM lên tới 5.624 tỉ đồng, vượt kế hoạch 25%.
Bộ Công Thương cho biết, lợi nhuận chủ yếu đến từ phần lãi được chia tại Công ty liên doanh Honda Việt Nam và Toyota Việt Nam.
Đối với Tổng Công ty Máy và Thiết bị công nghiệp (MIE), hiện nay việc quyết toán cổ phần hóa tại doanh nghiệp này chưa xong do liên quan tới khoản đầu tư của Công ty Cơ khí Hà Nội tại Công ty Địa ốc Hoàng Gia.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường