Sức hút của cổ phiếu Nova Consumer đến từ đâu?
Mở màn IPO năm 2022, cổ phiếu Nova Consumer được nhà đầu tư kỳ vọng vì sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp cũng như tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn.
Ấn tượng Nova Consumer
Đầu năm 2022, một doanh nghiệp hoạt động lâu năm trong ngành nông nghiệp là Nova Consumer – thành viên thuộc hệ sinh thái NovaGroup - đã mở màn trên thị trường chứng khoán khi công bố việc chào bán ra công chúng 10,9 triệu cổ phiếu với giá chào bán tối thiểu là 43.462 đồng/cổ phiếu.
Xét mặt bằng chung với các doanh nghiệp cùng quy mô trong ngành đang niêm yết, mức giá mà Nova Consumer chào bán được đánh giá là khá “dễ chịu”, bởi nông nghiệp là lĩnh vực mang lại doanh thu rất lớn cho công ty, và là lĩnh vực có rất nhiều yếu tố thuận lợi giúp doanh nghiệp phát triển nhanh chóng.
Nova Consumer hiện kinh doanh hiệu quả ở lĩnh vực thuốc thú y-vaccine, thức ăn chăn nuôi và trang trại-nông trại.
Ở lĩnh vực sức khỏe vật nuôi, Nova Consumer chiếm lĩnh hơn 30% thị phần kinh doanh mảng thuốc thú y. Doanh nghiệp có 2 công ty trong lĩnh vực vaccine là Anova Biotech và Anova Tech và 4 công ty chuyên về sức khỏe vật nuôi là Thành Nhơn, Anova Pharma, Anova JV và Bio-Pharmachemie. Trong đó, có 2 nhà máy sản xuất thuốc thú y thuộc Anova Pharma và Bio-Pharmachemie được đầu tư trang thiết bị hiện đại, dây chuyền sản xuất tự động và đạt tiêu chuẩn WHO-GMP. Một nhà máy thuộc Công ty liên doanh TNHH Anova (Anova JV) đặt tại khu công nghiệp VSIP – Bình Dương và nhà máy Anova Pharma đặt tại khu cụm công nghiệp Anova – Long An có tổng công suất 11.600 lít/ngày (8h làm việc) các loại thuốc tiêm, uống và thuốc sát trùng; 28.000 kg/ngày thuốc dạng bột (beta dạng bột, bột hòa tan và bột không hòa tan).
Động lực tăng trưởng của Nova Consumer trong lĩnh vực này còn đến từ sự chuyển dịch từ sản xuất nhỏ lẻ sang quy mô lớn, góp phần nâng cao ý thức sử dụng vaccine, thuốc thú y.
Với bề dày kinh nghiệm lâu năm trong đầu tư, quản lý và vận hành, Nova Consumer đang khai thác lĩnh vực thuốc thú y và vaccine rất hiệu quả thông qua mạng lưới hơn 1.000 địa điểm phân phối trong nước từ Bắc tới Nam, xuất khẩu hơn 26 thị trường quốc tế trong đó có những thị trường phát triển như Hà Lan, Malaysia, Indonesia, Hàn Quốc...
Ở mảng thức ăn chăn nuôi, Nova Consumer có 3 nhà máy Anova Feed đặt tại Long An, Đồng Nai, Hưng Yên với tổng công suất 730.000 tấn mỗi năm. Sản phẩm thức ăn chăn nuôi của công ty được sản xuất tuân theo tiêu chuẩn quốc tế và chứng nhận thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (Global GAP). Nova Consumer cũng đã đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ nâng công suất ba nhà máy lên 1 triệu tấn/năm.
Ở mảng nông trại, trang trại, Nova Consumer có 7 trang trại heo, bò, gà ở nhiều tỉnh, thành tại Việt Nam. Trong đó, công ty Anova Farm có 5 trang trại nuôi heo với tổng đàn trên 50.000 con, 1 trang trại chăn nuôi gà giống 36.000 con, 400.000 con gà thịt, 1 nhà máy ấp trứng quy mô 1 triệu trứng/tháng và Anova Agri Bình Dương có 1 trang trại bò sữa có quy mô hơn 1000 con.
Dư địa lớn của thị trường hàng tiêu dùng
Mặc dù sức khỏe vật nuôi và thức ăn chăn nuôi là hai mảng chính đóng góp vào doanh thu, nhưng từ năm 2021, Nova Consumer bắt đầu mở rộng sang thị trường hàng tiêu dùng với mảng thực phẩm, thức uống, dinh dưỡng để dần khép kín chuỗi giá trị từ trang trại đến bàn ăn theo mô hình 3F (Feed – Farm – Food). Chiến lược này giúp Nova Consumer tránh được những tác động từ bên ngoài, đảm bảo kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng đầu vào cũng như đảm bảo chất lượng đầu ra.
Trong năm 2021, tỷ trọng doanh thu của Nova Consumer chủ yếu đến từ ngành nông nghiệp khi đang chiếm 74% và còn lại là hàng tiêu dùng. Tuy nhiên, đến năm 2026, tỷ trọng này sẽ có sự thay đổi với kỳ vọng ngành hàng tiêu dùng chiếm 79% trên tổng doanh thu và 21% cho ngành nông nghiệp. Đây được xem là một lợi thế rất lớn của Nova Consumer, bởi trong thời gian tới, ngành hàng tiêu dùng được nhiều chuyên gia đánh giá có triển vọng phát triển mạnh.
Trong đó, ngành thực phẩm đồ uống sẽ phục hồi và có tốc độ tăng trưởng cao hơn kể từ năm 2022, nguyên nhân đến từ các hoạt động dịch vụ, bao gồm du lịch, vận tải và vui chơi giải trí có thể được phép hoạt động hết công suất kể từ quý II/2022, sau khi Việt Nam đạt mục tiêu tiêm chủng đầy đủ cho hơn 70% dân số.
Ngoài ra, việc thay đổi chi tiêu của người tiêu dùng sang các thực phẩm tươi sống và đóng gói cũng là dư địa lớn cho hàng tiêu dùng. Theo khảo sát do Fitch Solution thực hiện, chi tiêu cho các mặt hàng thiết yếu của Việt Nam ước tính sẽ tăng lần lượt 8,0% và 10,0% trong 2022 - 2023, được thúc đẩy bởi sự điều chỉnh chi tiêu trong trạng thái “bình thường mới”, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu.
Quan trọng hơn, đại dịch đã làm thay đổi xu hướng mua sắm, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nhanh chóng thay đổi sang các kênh phân phối hiện đại khi người dân chọn mua sắm trực tuyến tại nhà và siêu thị với các sản phẩm đảm bảo về chất lượng và nguồn gốc.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận