Sữa Quốc Tế lên UpCoM với giá 50.000 đồng/cổ phiếu
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) thông báo ngày 07/01/2021, ngày giao dịch đầu tiên cổ phiếu đăng ký giao dịch của Công ty Cổ phần Sữa Quốc Tế (mã IDP) trên UpCoM.
Theo đó, 58,9 triệu cổ phiếu IDP sẽ giao dịch trên UpCoM từ ngày 7/1/2021, giá tham chiếu trong ngày đầu giao dịch là 50.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, vốn hóa của IDP ước tính 2.947 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần Sữa Quốc Tế có trụ sở chính đặt tại Chương Mỹ, Hà Nội có vốn điều lệ thực góp đạt 589.454.720.000 đồng. Ngành nghề kinh doanh chính là bán buôn thực phẩm, chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa...và tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài tối đa tại công ty là 100%.
Được thành lập năm 2004 với nhà máy đầu tiên tại Chương Mỹ, Hà Nội và các sản phẩm đầu tiên được tung ra thị trường mang nhãn hiệu Ba Vì; năm 2010 thành lập nhà máy thứ hai tại Ba Vì và đón nhận 75 triệu USD từ hai nhà đầu tư lớn VinaCapital và Tập đoàn đầu tư Daiwa (Nhật Bản) vào tháng 11/2014 và trải qua 4 lần tăng vốn, hiện vốn điều lệ của IDP hiện hơn 589 tỷ đồng.
Về cơ cấu cổ đông, tính đến thời điểm ngày 4/12/2020, công ty có 126 cổ đông - trong đó cổ đông trong nước có 3 tổ chức nắm giữ 85,74% vốn tại IDP - tương ứng 50.540.353 cổ phiếu; 117 cổ đông cá nhân nắm giữ 12,77% - tương ứng 7.524.558 cổ phiếu và 6 cổ đông cá nhân nước ngoài nắm giữ 880.561 cổ phiếu, chiếm 1,49%
Cũng tính đến ngày 4/12/2020, công ty có 4 cổ đông lớn nắm giữ trên 5% vốn cổ phần của công ty, bao gồm: Công ty Cổ phần Blue Point sở hữu 60,56% vốn, Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (mã VCI - HOSE) sở hữu 15%, Công ty Cổ phần Lothamik sở hữu 10,18% và Tổng giám đốc Sữa Quốc Tế Đặng Phạm Minh Loan nắm 5%.
Về kết quả kinh doanh, doanh thu thuần của doanh nghiệp tăng đều từ cuối năm 2018, cụ thể năm 2019 đạt 1.861 tỷ đồng, tăng 41,34% so với năm 2018. Đến 30/09/2020, doanh thu thuần đạt mức 2.827 tỷ đồng, tăng 51,92% so với thời điểm 31/12/2019.
Theo giải trình từ phía công ty, Doanh thu thuần tăng do Công ty đã có những điều chỉnh về chiến lược marketing, chính sách bán hàng, cũng như chính sách lương thưởng cho đội ngũ kinh doanh. Chi phí bán hàng cũng được đẩy mạnh trong năm 2019 và 2020 để tăng doanh thu, trong đó chi phí bán hàng năm 2019 là 503 tỷ đồng (tăng 69% so với năm 2018) và chi phí bán hàng 9 tháng đầu năm 2020 là 793 tỷ (tăng 58% so với cả năm 2019).
Lợi nhuận sau thuế năm 2019 đạt 112,8 tỷ đồng, tăng mạnh từ mức lỗ 43,8 tỷ đồng của năm 2018, chủ yếu là do tăng trưởng của doanh thu và thay đổi cơ cấu sản phẩm khiến mức biên lợi nhuận gộp tăng trưởng so với năm 2018.
Sau 9 tháng năm 2020, lợi nhuận sau thuế đạt 309,1 tỷ đồng, tương đương mức tăng 174,0% so với cả năm 2019.
Công ty cho biết, mức tăng trưởng mạnh mẽ này tới từ việc thay đổi chiến lược quản lý bán hàng, tối ưu việc tiết kiệm chi phí, đẩy mạnh chiến lược marketing, cụ thể là digital marketing, dẫn đến việc tình hình hoạt động kinh doanh Công ty có nhiều khởi sắc từ năm 2019.
Tính đến 30/09/2020, tổng tài sản của công ty đạt 1.875 tỷ đồng, tăng so với số dư tại ngày 31/12/2019 là 61,6% và mức tăng của tổng tài sản này là do công ty thực hiện tăng vốn vào tháng 4/2020 với tổng giá trị là 331,7 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sỡ hữu tăng 63 tỷ đồng và thặng dư vốn cổ phần là 268,7 tỷ, đồng thời đạt được mức lợi nhuận 309 tỷ sau 9 tháng hoạt động trong năm 2020.
Cũng tính đến 30/9/2020, vốn chủ sở hữu của công ty đạt 441,4 tỷ đồng và lỗ lũy kế là -269,8 tỷ đồng. Khoản lỗ lũy kế này phát sinh từ các năm 2016, 2017, 2018 do công ty có lợi nhuận sau thuế liên tục âm do tình hình hoạt động kinh doanh kém khả quan, chủ yếu bao gồm những nguyên nhân như: chiến lược marketing chưa hiệu quả, đầu tư nhiều nhưng không hấp dẫn khách hàng mục tiêu; hệ thống phân phối không tinh gọn với chính sách bán hàng không hiệu quả (trong đó nhiều loại hình phân phối khác nhau với tỉ lệ chiết khấu, khuyến mãi cao).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận