Sự ngoan cố của đồng minh gây thiệt hại lớn cho Nga ở Trung Đông
Cách đây gần 7 năm, Tổng thống Vladimir Putin đứng trước lực lượng Nga đóng tại căn cứ của họ ở Syria và tuyên bố chiến thắng trước quân khủng bố, sau khi Mátxcơva triển khai chiến dịch quân sự hỗ trợ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad.
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại căn cứ không quân Hemeimeem ở Syria năm 2017. (Ảnh: AP)
Cuối tuần qua, những thành quả khó khăn lắm mới đạt được dường như đã trở thành ký ức xa xôi. Tổng thống Assad vội vã rời đi khi quân nổi dậy tiến nhanh như vũ bão, trong khi các đồng minh quốc tế như Nga và Iran không thể giúp đỡ nhiều.
Sự sụp đổ nhanh chóng của chính quyền Assad xảy ra vào thời điểm quan trọng của cuộc xung đột Ukraine.
Nâng cao uy tín
Liên Xô trước đây là đồng minh của cha ông Assad - Hafez Assad, người đã lãnh đạo Syria gần 30 năm. Liên Xô cung cấp viện trợ và cố vấn quân sự cho chính quyền Assad cha.
Sau khi làn sóng nổi dậy ở Syria năm 2011 biến thành nội chiến, Nga vẫn là nước ủng hộ chính của Damascus, đồng thời hỗ trợ chính trị cho nước này ở Liên Hợp Quốc. Khi chính quyền Assad gần như sụp đổ vì hàng loạt thất bại trên chiến trường năm 2015, Nga cùng Iran can thiệp quân sự để đảo ngược tình thế.
Nga điều máy bay quân sự từ căn cứ không quân Hemeimeem thuộc tỉnh duyên hải Latakia của Syria, chuyển hàng ngàn tấn thiết bị quân sự sang nước này trong chiến dịch mang mật danh “Syrian Express”. Ngày 30/9/2015, Mátxcơva bắt đầu triển khai chiến dịch không kích.
Nga chỉ để khoảng 50 máy bay chiến đấu tại Hemeimeem, nhưng chúng hoạt động liên tục, mỗi máy bay thực hiện nhiều chuyến xuất kích mỗi ngày. Hầu hết nhân sự ở không quân Nga được luân chuyển, giúp họ tích lũy kinh nghiệm chiến đấu.
Cùng lúc đó, Mátxcơva mở rộng và nâng cấp căn cứ hải quân ở Tartus, tiền đồn duy nhất của họ ngoài Liên Xô cũ. Nga triển khai lực lượng tác chiến đặc biệt thực hiện các nhiệm vụ quan trọng trên bộ và điều hàng trăm cố vấn quân sự đến huấn luyện và chỉ đạo quân đội Syria.
Lực lượng quân sự tư nhân của hãng Wagner cũng tham gia trận chiến.
Những hỗ trợ mạnh mẽ đó giúp Tổng thống Assad giành lại quyền kiểm soát hầu hết Syria, đồng thời nâng cao uy tín của Nga ở khu vực.
Chuyến thăm của Tổng thống Putin tới căn cứ Hemeimeem ngày 11/12/2017 diễn ra 1 tuần sau khi Nga tuyên bố chiến thắng tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo ở Syria và ngay sau khi ông tuyên bố tái tranh cử.
Đó là chiến dịch quân sự đầu tiên của Nga bên ngoài Liên Xô cũ kể từ khi Liên Xô tan rã năm 1991, đồng thời mang đến cho Mátxcơva cơ hội thử nghiệm những vũ khí mới nhất của họ trong chiến đấu. Thành công quân sự đó đã tiếp thêm sức mạnh Nga.
Cái giá của ngoan cố
Sau khi giúp Tổng thống Assad giành lại quyền kiểm soát hầu hết Syria, Nga đã thúc giục nhà lãnh đạo này đàm phán với các nhóm đối lập ôn hòa. Tuy nhiên, sau thất bại của phe đối lập, Tổng thống Assad kiên quyết phản đối mọi sáng kiến hòa giải dân tộc.
Trong các cuộc tiếp xúc gần đây giữa quan chức Syria và Thổ Nhĩ Kỳ mà Mátxcơva làm trung gian, chính phủ của ông Assad tỏ ra không mấy quan tâm đến việc thỏa hiệp. Sự ngoan cố này góp phần dẫn đến chiến dịch tấn công của các nhóm đối lập được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn nhằm lật đổ chính quyền Assad.
Khó khăn về kinh tế của Syria càng trầm trọng hơn vì các lệnh trừng phạt quốc tế, khiến đất nước và quân đội suy yếu. Quân đội Syria suy sụp nhanh chóng dưới sức tấn công mạnh mẽ của phe đối lập, với tốc độ mà Tehran và Mátxcơva không thể ngăn chặn được với lực lượng nhỏ mà họ đang duy trì ở Syria.
Nga đã đầu tư phần lớn nguồn lực cho chiến dịch quân sự ở Ukraine, trong khi Iran bị suy yếu do các lệnh trừng phạt quốc tế và mắc kẹt trong thế đối đầu căng thẳng với Israel, vì thế cũng thiếu nguồn lực để giúp Tổng thống Assad. Sự sụp đổ của chính quyền Assad gây thiệt hại nặng nề cho cả Nga và Iran. Số phận căn cứ quân sự duy nhất của Nga ngoài Liên Xô cũ cũng bị đe dọa.
Số lượng máy bay chiến đấu của Nga tại căn cứ không quân Hemeimeem đã giảm từ vài chục xuống chỉ còn vài chiếc, dù đây vẫn là điểm hậu cần quan trọng. Các máy bay chở hàng của quân đội Nga dùng căn cứ này để tiếp nhiên liệu trên đường đưa nhà thầu và vật tư đến châu Phi. Mất căn cứ này sẽ gây ra vấn đề hậu cần cho các hoạt động của Nga ở đó.
"Tầm quan trọng của Syria đối với các hoạt động của Nga ở châu Phi là vô giá", chuyên gia về Trung Đông Nikolai Sukhov công tác tại Mátxcơva phát biểu trong bình luận trên truyền hình.
Căn cứ hải quân Tartus được các tàu chiến Nga sử dụng để bảo dưỡng và tiếp nhiên liệu trong những chuyến đến Địa Trung Hải.
Tổng thống Putin đón Tổng thống Syria Bashar al-Assad đến Sochi, năm 2017. (Ảnh: AP)
Thích ứng với thực tế mới
Dù Nga cho phép ông Assad và gia đình tị nạn tại Nga, Mátxcơva đã liên hệ với chính quyền Syria mới để cố gắng đảm bảo an ninh cho các căn cứ của họ. Lá cờ của phe đối lập đã nhanh chóng được kéo lên tại Đại sứ quán Syria ở Mátxcơva.
Khi được hỏi về các căn cứ ở Syria, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết đây sẽ là chủ đề thảo luận với chính quyền mới trong tương lai.
"Hiện tại, chúng ta đang chứng kiến một giai đoạn chuyển đổi và bất ổn. Vì vậy, sẽ cần thời gian và phải có trao đổi nghiêm túc với những người sẽ nắm quyền", ông Peskov nói.
Có thông tin các nhà lãnh đạo mới của Syria đã hứa sẽ không tấn công cơ sở quân sự của Nga.
Bà Bronwen Maddox, giám đốc điều hành tổ chức nghiên cứu Chatham House ở Anh, viết trong một bài bình luận rằng “bất kỳ chính phủ nào lên nắm quyền ở ở Damascus đều được kỳ vọng sẽ tôn trọng thỏa thuận mà chính quyền Assad đã ký để cho phép Nga sử dụng căn cứ quân sự trên bờ biển Syria”.
Tuy nhiên, bà nói thêm rằng “tài sản quan trọng này rất dễ bị tổn thương” và điều đó gây nguy hiểm cho ảnh hưởng của Nga ở khu vực.
Liên quan đến Ukraine
Sự sụp đổ nhanh chóng của chính quyền Assad giáng một đòn nặng nề vào Tổng thống Putin vào thời điểm Mỹ sắp có chính quyền mới, với tác động tiềm tàng lên cuộc xung đột ở Ukraine.
Giới quan sát cho rằng việc mất đi đồng minh duy nhất ở Trung Đông ảnh hưởng đến vị thế của Nga trên trường quốc tế, kể cả trong bất kỳ cuộc đàm phán nào về Ukraine sau này.
"Vấn đề là Mátxcơva sẽ thích nghi với thực tế mới như thế nào và liệu họ có đủ linh hoạt để đối phó với chính quyền mới của Syria hay không, khi lực lượng ở Damascus muốn tránh xung đột với Mátxcơva ngay lúc này”, nhà nghiên cứu Tatiana Stanovaya, công tác tại Trung tâm Á - Âu - Nga, viết trong một bài bình luận.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng Tổng thống Putin có thể giữ lập trường cứng rắn hơn trong các cuộc đàm phán để tránh bị bị coi là đang yếu thế.
“Cuộc xung đột ở Ukraine ở một mức độ nào đó đã khiến ông ấy phải trả giá bằng Syria. Điều này có thể càng khiến ông ấy không muốn thỏa hiệp”, bà Stanovaya nhận định.
Theo AP
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường