Sứ mệnh dọn tổ đón đại bàng
Với các dự án khu công nghiệp tầm cỡ ở cả hai miền Nam – Bắc, Tập đoàn Amata vượt qua nhiều thách thức để làm tròn sứ mệnh cầu nối giữa Việt Nam và các nhà đầu tư lớn trên thế giới.
Ba câu hỏi lớn…
“Việt Nam là ai”, “Việt Nam có gì”, “tại sao lại là Việt Nam” - ba câu hỏi vẫn không ngừng văng vẳng trong đầu vị nữ tướng Amata Việt Nam, bà Somhatai Panichewa, khi nhớ lại quãng thời gian đầy khó khăn những ngày đầu mới đến Việt Nam đầu tư hơn 27 năm về trước với nhiệm vụ trưởng bộ phận marketing và xúc tiến đầu tư.
Lúc đó, Amata quyết định đầu tư khu công nghiệp ở Đồng Nai trong khi lựa chọn Việt Nam là một rủi ro rất lớn ở thời điểm đó với bất cứ doanh nghiệp nước ngoài nào vì vẫn còn vướng nhiều cơ chế, chính sách. Amata phải liên doanh với Công ty Phát triển khu công nghiệp Biên Hòa (Sonadezi) là một công ty nhà nước để có thể tiến vào đất nước hình chữ S.
Hơn thế nữa, đó cũng là thời điểm Mỹ vừa gỡ bỏ lệnh cấm vận, Việt Nam từng bước bình thường hoá quan hệ với các tổ chức quốc tế và chỉ đang trong giai đoạn đầu của tiến trình hội nhập. “Việt Nam” vẫn là hai từ hết đỗi xa lạ với các doanh nghiệp trên thế giới. Do đó, xây dựng xong hạ tầng khu công nghiệp, nhiệm vụ tiếp theo là mời gọi các nhà đầu tư thứ cấp đến xây dựng nhà máy là chuyện không hề dễ dàng.
Liên tục trong một thời gian dài, bà Somhatai Panichewa và đội ngũ phải miệt mài di chuyển từ quốc gia này đến quốc gia khác, làm việc với đại sứ quán và các tổ chức hữu quan từ Đài Loan, Hàn Quốc đến Nhật Bản để tổ chức các chương trình xúc tiến đầu tư. Họ chẳng dành nhiều thời lượng để nói về bản thân mình, họ tập trung giới thiệu về một Việt Nam đầy tiềm năng nhưng vẫn còn thật mới mẻ đến các nhà sản xuất công nghiệp.
Song song đó, tập đoàn đến từ Thái Lan còn phải chờ đợi từng bước phát triển của Việt Nam qua các giai đoạn để có thể thu hút được các nhà đầu tư quốc tế tốt nhất.
Lúc đó, chỉ có một số doanh nghiệp nước ngoài tỏ ra rất hứng thú với Việt Nam. FDI đến Việt Nam không dễ trong khi đối tác địa phương của Amata cũng chẳng có ai vì suy cho cùng đó cũng không phải là khách hàng mục tiêu của doanh nghiệp này. Biên Hoà (Đồng Nai) là điểm đến đầu tiên của Amata ở Việt Nam thời điểm đó vắng bóng các nhà đầu tư.
Thách thức là quá lớn nhưng rõ ràng một “gã sừng sỏ” trong giới đầu tư và kinh doanh quốc tế như Amata sẽ chẳng bao giờ chịu chấp nhận rủi ro mà không có sự tính toán kỹ lưỡng. “High risk – high return” như câu nói “liều ăn nhiều” của Việt Nam có lẽ đúng trong trường hợp này nhưng đi kèm với đó là tầm nhìn xa của một trong những doanh nghiệp ngoại quốc tiên phong phát triển bất động sản khu công nghiệp ở một nơi có thể được xem như “hòn ngọc” chờ ngày phát sáng của xứ Đông Dương.
Việt Nam có quá nhiều lợi thế về vị trí địa chiến lược, về nguồn nhân công dồi dào với chi phí thấp, về một nền chính trị ổn định… là những thứ không cần bàn cãi. Thế nhưng, với Amata, lý do để chấp nhận rủi ro không chỉ dừng lại ở đó.
Cất công vào Việt Nam khảo sát trước khi chính thức nhập cuộc, họ nhận ra rằng con người Việt Nam sau quá trình tôi luyện qua nhiều cuộc chiến tranh khốc liệt đã hình thành nên trong ADN của mình một tính cách mạnh mẽ, xông xáo, chăm chỉ, tinh thần học hỏi rất cao và cũng nhiều khát vọng.
Quan trọng hơn thế, đến bây giờ, bà Somhatai trên cương vị CEO của Amata Việt Nam vẫn không ngừng ấn tượng khi nói về tư duy cởi mở, cấp tiến của lãnh đạo Nhà nước lúc bấy giờ mà nổi bật là cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ông sẵn sàng lắng nghe nguyện vọng cũng như đề xuất và tư vấn của các doanh nghiệp có nhiều năm kinh nghiệm như Amata để tìm cách cải thiện môi trường đầu tư và phát triển các khu công nghiệp.
Những nỗ lực không ngừng nghỉ đã giúp Amata chào đón khách hàng đầu tiên là Kao Corporation - một công ty hóa mỹ phẩm có trụ sở tại Nhật. Mặc dù đã là khách hàng của Amata ở Thái Lan nhưng để đưa ra quyết định mở rộng sang một mảnh đất mới như Việt Nam, Kao cũng có nhiều băn khoăn về cơ sở hạ tầng, họ đặc biệt cần nguồn điện ổn định và xuyên suốt. Nhờ liên kết với các công ty con như Amata Power, Amata đáp ứng được yêu cầu của đối tác.
Chinh phục được khách hàng đầu tiên đối với bà Somhatai luôn là nhiệm vụ khó nhất. Khi đã có khách đầu tiên, làm việc với các đơn vị tiếp theo sẽ dễ hơn nhờ có sẵn hình mẫu. Đặc biệt, người Nhật thường có xu hướng đầu tư cộng đồng nên sự xuất hiện của Kao ở khu công nghiệp Biên Hoà sẽ kéo theo một loạt doanh nghiệp Nhật Bản khác, nâng tỷ trọng công ty Nhật Bản ở khu công nghiệp của Amata lên đến gần 60%.
Khó khăn sẽ khiến bạn thông minh hơn. Không có thách thức, bạn sẽ chẳng học được gì cả. Đó là kinh nghiệm mà chúng tôi có được qua nhiều năm. Bà Somhatai
Sau Nhật Bản, doanh nghiệp Đài Loan, Hong Kong, Trung Quốc và Thái Lan vào các khu công nghiệp của Amata khá nhiều. Kế đến với số lượng ít hơn là nhóm doanh nghiệp châu Âu và Mỹ. Một số doanh nghiệp lớn như Nestlé, Pepsi cũng lựa chọn đặt nhà máy ở khu công nghiệp của Amata vì có vị trí quá thuận lợi cho logistics, nguồn nhân lực dồi dào và chi phí nhân công thấp.
Sau thành công của dự án đầu tiên có quy mô 700ha tại Biên Hòa, Đồng Nai, Amata xin đầu tư dự án thứ hai là Amata City Long Thành với quy mô 1.265 ha gồm khu công nghệ cao, khu dịch vụ, đại đô thị, biến Amata trở thành một trong hai tập đoàn của Thái Lan có nguồn vốn đầu tư vào Đồng Nai lớn nhất, chỉ sau Tập đoàn CP (Thái Lan).
Các khu công nghiệp được lấp đầy, Amata tiếp tục “chinh chiến” ra phía Bắc vì quỹ đất tốt ở khu vực phía Nam cũng đã cạn. Khu kinh tế ven biển Quảng Yên (Quảng Ninh) được chọn làm điểm dừng chân tiếp theo của tập đoàn đến từ Thái Lan để xây dựng lên những thành phố công nghiệp - đô thị thông minh.
Dự án Amata City Hạ Long có tổng vốn đầu tư gần 2 tỷ USD. Giai đoạn đầu của dự án là khu công nghiệp Sông Khoai (thị xã Quảng Yên) quy mô 714ha đã được khởi công từ cuối năm 2018 dự kiến hoàn thành vào năm 2026 với 5 giai đoạn. Đến nay, hạ tầng cơ sở về điện, nước và xử lý nước thải đã hoàn thành; hạng mục đường giao thông đang đi vào hoàn thiện.
Tiến trình phát triển khu công nghiệp đáp ứng được cả về nơi ở, thương mại và dịch vụ ở Quảng Ninh với các ngành công nghiệp thân thiện môi trường, có công nghệ cao để thu hút các nhà đầu tư về sản xuất được xem là các bước tạo đà cho việc xây dựng, phát triển khu đô thị thông minh Amata Smart City Hạ Long.
Tiếp tục phát huy chiến lược đã đặt ra ngay từ đầu, Amata sẽ thông qua việc hợp tác với những nhà đầu tư lớn từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan… để kéo các nhà đầu thứ cấp lớn từ các quốc gia và vùng lãnh thổ này về. Amata đặc biệt cam kết với tỉnh Quảng Ninh trong việc mời gọi hợp tác với các nhà đầu tư lớn đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc.
Đặt mình vào vị trí của khách hàng để thấu hiểu
Ngày nay, khi Việt Nam đã có những tiếng tăm nhất định nhờ tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng, đặc biệt là sau khi thực hiện tốt mục tiêu kép trong bối cảnh đại dịch cũng như sẵn sàng mọi điều kiện để đón đợi cơ hội dịch chuyển nguồn vốn đầu tư do ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, bà Somhatai và đội ngũ không cần mất nhiều thời gian để trả lời 3 câu hỏi thuở ban đầu.
Thứ Amata cần làm nổi bật giờ đây là những điểm mạnh của mình trong việc đáp ứng nhu cầu của khách hàng và khả năng hỗ trợ cho sự thành công của các doanh nghiệp khi họ tìm đến đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam.
Thế nhưng, khó khăn này mất đi, khó khăn khác lại tìm đến và thậm chí còn khó giải hơn rất nhiều. Trong đó, những lời phàn nàn của các khách hàng khác nhau với các đặc thù khác nhau là điều không thể tránh khỏi. Tất nhiên, song song với đó là nhiều thuận lợi hơn trong bối cảnh mới như các hiệp định tự do mà Việt Nam ký kết, thị trường nội địa sôi động bên cạnh các thị trường xuất khẩu, môi trường đầu tư thuận lợi hơn, hạ tầng phát triển đồng bộ và hiện đại hơn…
“Khó khăn sẽ khiến bạn thông minh hơn. Không có thách thức, bạn sẽ chẳng học được gì cả. Đó là kinh nghiệm mà chúng tôi có được qua nhiều năm. Chúng tôi lắng nghe từng lời phàn nàn của khách hàng và chia sẻ với chính quyền để họ nhìn nhận vấn đề và tìm cách cải thiện những rào cản, cho ra chính sách thực tiễn”, bà Somhatai nói.
Bên cạnh đó, Amata coi mình là nhà sản xuất như những nhà đầu tư thứ cấp thay vì nghĩ mình là nhà phát triển bất động sản để có thể hiểu được vấn đề họ gặp phải cũng như mong muốn của họ để tìm cách khắc phục và đáp ứng.
Với bà Somhatai, không hiểu được vấn đề của khách hàng có nghĩa là đang ném vấn đề cho họ, để mặc họ và rất dễ dẫn đến thất bại. Khách hàng thành công đồng nghĩa là Amata có thể phát triển hơn bởi lẽ trong tư duy của các nhà lãnh đạo Amata, mỗi khách hàng là một đại sứ của doanh nghiệp.
“Trải qua hơn 27 năm phát triển tại Việt Nam, Amata đã xây dựng được hình ảnh tin cậy, trách nhiệm”, bà Somhatai tự tin chia sẻ.
Những khó khăn ban đầu khi Amata mới vào Việt Nam về cơ bản được giải quyết. Tuy nhiên, không phải khó khăn nào cũng nằm trong tầm kiểm soát vì còn phụ thuộc vào những yếu tố khách quan và đòi hỏi một sự suy xét thấu đáo từ Chính phủ.
Có một thứ không thay đổi trong nhu cầu của các nhà đầu tư dù ở bất cứ thời kỳ nào, theo bà Somhatai, là sự ổn định và có cơ hội mở rộng. Tuy nhiên, đại dịch đã ảnh hưởng đến điều này rất nhiều. Dù có các cuộc xúc tiến đầu tư, giới thiệu dự án cùng với các hình ảnh sống động trình chiếu qua các nền tảng trực tuyến thì chắc chắn sẽ chẳng nhà đầu tư nào gật đầu chấp thuận xây dựng nhà máy hàng triệu USD nếu chưa một lần bước chân đến khu công nghiệp.
Bà Somhatai cho rằng, với các nhân sự làm việc dài hạn ở Việt Nam, việc cách ly 7 ngày trở lên không là vấn đề nhưng các lãnh đạo cấp cao sẽ không thể sắp xếp thời gian để cách ly dài ngày và hoàn thiện nhiều yêu cầu thủ tục từ cả Việt Nam và đất nước của họ.
Bà cho rằng, Việt Nam có thể xem xét áp dụng một chính sách đặc biệt dành cho đối tượng cấp CEO trở lên là những người chỉ qua khảo sát và đưa ra quyết định đầu tư, chẳng hạn như giảm bớt thời gian cách ly xuống dưới 3 ngày, thậm chí là chỉ một đêm như ở Thái Lan, tất nhiên là với việc đảm bảo hộ chiếu xanh và xét nghiệm cẩn thận. Có như vậy, đại dịch mới không cản trở các dự án đầu tư đi vào thực tế, dòng dịch chuyển vốn đầu tư mới có cơ hội chảy mạnh hơn vào Việt Nam mà vẫn đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh.
Nhờ sự tín nhiệm đã gây dựng được mà các khu công nghiệp của Amata vẫn thu hút được sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư dù đại dịch Covid-19 vẫn đang là một rào cản lớn. Có tới 20 khách hàng quan tâm, tham gia trao đổi và ngỏ ý đến Việt Nam nhưng chỉ có bốn nhà đầu tư có thể sắp xếp thời gian bay đến Việt Nam khảo sát. Số còn lại vẫn đang quan sát và chờ đợi.
Dù vậy, một điểm tích cực trong thời gian qua là các khu công nghiệp như của Amata vẫn có thêm khách hàng là các nhà đầu tư đã có mặt tại Việt Nam muốn mở rộng hoạt động ngay trong khu công nghiệp hoặc mở rộng sang các tỉnh thành khác.
Chỉ trong vòng sáu tháng từ tháng 3/2021, Tập đoàn Jinko Solar đã quyết định lựa chọn khu công nghiệp Sông Khoai để đặt hai dự án có hàm lượng khoa học công nghệ cao bao gồm dự án công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam tổng vốn đầu tư gần 500 triệu USD và dự án công nghệ tấm Silic Jinko Solar Việt Nam tổng vốn đầu tư gần 400 triệu USD. Hai dự án này với tổng diện tích 51ha đã chiếm phần lớn diện tích trong giai đoạn một của khu công nghiệp Sông Khoai.
Những ngày cuối năm 2021, không khí trên các công trường ở trong khu công nghiệp Sông Khoai vẫn nhộn nhịp không khí làm việc khẩn trương để các nhà máy sớm đưa vào hoạt động. Lãnh đạo Quảng Ninh vẫn thường xuyên đến kiểm tra và đốc thúc các chủ đầu tư tiếp tục tập đẩy nhanh tiến độ dự án, đồng thời yêu cầu các cơ quan liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư.
Sự phối hợp hoạt động nhịp nhàng của đội ngũ, kế hoạch triển khai các dự án được đẩy mạnh đúng lộ trình, chính quyền hỗ trợ hết mình và môi trường đầu tư thuận lợi là những điều khiến bà Somhatai cảm thấy vững tin trrong một bối cảnh mới nhiều biến động dù quản trị công ty từ xa, nhưng đó cũng là lý do khiến bà đứng ngồi không yên bên bàn làm việc vì những kế hoạch ấp ủ cho mảnh đất hình chữ S vẫn đang chờ ngày thực hiện.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận