Tìm mã CK, công ty, tin tức
Đọc nhiều
Bình luận nhiều
Muốn hướng đến một thị trường khởi nghiệp bền vững, thì không nên chỉ nhắm tới câu chuyện đầu tư tăng giá.
Phát biểu tại Hội nghị “Kết nối và thúc đẩy đầu tư startup công nghệ” diễn ra ngày 30/6, Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ, ông Trần Văn Tùng đã khẳng định về tiềm năng thị trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của nước ta: “Tại Việt Nam, hoạt động khởi nghiệp đang trở nên mạnh mẽ và khí thế hơn bao giờ hết”.
Giai đoạn "nở rộ" của thị trường
Giữa bối cảnh đại dịch Covid gây ra nhiều biến động cho thị trường, vốn đầu tư mạo hiểm cho các startup Việt Nam vẫn đạt mức cao kỷ lục, tổng số tiền 1,4 tỷ USD, cao gấp 1,5 lần so với kỷ lục trước đó vào năm 2019 (trước đại dịch).
Hoạt động đầu tư mạo hiểm ở Đông Nam Á cũng chứng kiến sự tăng trưởng toàn diện ở hầu hết các quốc gia, do đây là khu vực ít bị tác động bởi đại dịch hơn các nơi khác.
Chính bản thân các tỉnh, địa phương của nước ta như Bình Dương, Thừa Thiên - Huế cũng đã có nhiều sáng kiến được đưa vào thực tiễn, thay đổi tích cực trong việc hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hướng tới mục tiêu xây dựng thành phố thông minh như mô hình kết hợp “ba nhà” (nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp).
Song, bà Nguyễn Thị Thu Giang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VINASA (Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam) bổ sung thêm về tiềm năng phát triển của thị trường khởi nghiệp ĐMST, xét về tốc độ tăng trưởng theo năm, Việt Nam vẫn dẫn đầu về số lượng đầu tư và đứng thứ 3 về giá trị đầu tư (sau Singapore và Philippines).
Bà cho biết thêm, nước ta hiện có hơn 200 quỹ đầu tư, 100 tổ chức thúc đẩy kinh doanh và các cơ sở ươm tạo, bên cạnh đó 30 doanh nghiệp lớn trong nước đã tham gia hỗ trợ startup trong lĩnh vực tài chính, chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn chuyên môn, kết nối tạo thị trường, động lực cho các hoạt động khởi nghiệp.
Tuy nhiên, trên thực tế các hoạt động khởi nghiệp cũng vẫn gặp phải rất nhiều khó khăn. Đặc biệt với những dự án khởi nghiệp quy mô lớn, quốc tế đánh giá cao, song cũng không thể triển khai do gặp vướng mắc về nguồn tài chính, pháp lý, thiếu người hướng dẫn lộ trình cụ thể.
Mặt khác, dưới góc nhìn của startup, những khó khăn trên dường như đã dần được giải quyết bởi chính tư duy thay đổi của startup cũng như những điều kiện khách quan đang đi theo chiều hướng tích cực hơn.
Tiền không phải tất cả
Là một người chứng kiến những nỗi đau của startup và chính mình trải qua chặng đường gian khổ này cùng nhiều công ty khác nhau, ông Bùi Thành Đô, CEO Quỹ ThinkZone đưa ra bài học giúp các startup có thể nhìn thấy con đường này rõ ràng hơn, xác định mục tiêu chính xác.
“Toàn bộ startup Việt Nam đa phần đều ở giai đoạn “early” (sớm), vậy nên tiền bạc không phải thứ quan trọng nhất trong giai đoạn đầu, thay vào đó lại càng rất nhiều sự hỗ trợ khác ngoài tiền, như: hệ sinh thái, khách hàng,...”, CEO ThinkZone nhận định.
Muốn hướng đến một thị trường khởi nghiệp bền vững, thì không nên chỉ nhắm tới câu chuyện đầu tư tăng giá. Chính đầu tư và hỗ trợ lại tạo nên sự cộng hưởng mạnh mẽ từ các nguồn lực mà startup có, đặc biệt là mặt con người.
Cụ thể hơn, đối với những startup có đội ngũ lãnh đạo có chuyên môn, tầm nhìn, đam mê tạo ra tác động lớn cho xã hội, một khi sự tác động đã được tạo ra, sẽ giúp nâng tâm giá trị, tạo ngược lại tiền bạc cho startup. Đó mới là điều thực sự giúp các startup vượt qua giai đoạn đầu - giai đoạn khó khăn nhất.
Vậy điều gì có thể khiến startup có niềm tin vào thị trường, cố gắng trên con đường mình đang đi?
Bản thân ThinkZone cũng là một startup có quá trình hình thành và phát triển đầy khó khăn, tuy nhiên đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ từ những nhà đầu tư, hay tiền bối trong cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Mới đây, Quỹ ThinkZOne Fund II với 60 triệu USD, huy động toàn bộ từ nguồn đầu tư nội địa đã ra mắt thành công.
Từ đó, ông nhận thấy, Việt Nam là một trong những nước đi đầu và có hành lang pháp lý riêng dành cho những đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp, đầu tư khởi nghiệp, từ đó tạo ra nhiều cơ hội cho nhà đầu tư khởi nghiệp có cơ sở hoạt động mở, không bị đi theo những chính sách cứng nhắc như loại hình hoạt động quỹ khác.
Khu vực ASEAN đang được đánh giá là vô cùng năng động và thu hút được sự tập trung chú ý của giới đầu tư toàn cầu. Trong đó, Việt Nam có thị trường nội địa khá lớn và có mức tăng trưởng nhanh - tiềm năng lớn các nhà đầu tư nhận thấy.
Hơn nữa, nước ta có cơ cấu dân số trẻ, đồng nghĩa với việc dễ dàng thích ứng được những loại hình kinh doanh mới, đó là cơ hội cho các startup để thử nghiệm mô hình, sáng kiến của mình được dễ dàng.
Bên cạnh đó, Việt Nam nằm trong top 20 nước sử dụng Internet nhiều nhất trên thế giới, trung bình mỗi người Việt dùng 6-7 tiếng/ ngày. Do vậy, đây là cơ hội lớn để startup bán hàng, đưa dịch vụ tiếp cận với người dùng được dễ dàng hơn thông qua các loại hình online marketing.
Việt Nam còn có 2 kỳ lân công nghệ về thanh toán điện tử đó là Momo và VNPay, thu hút một lượng lớn đầu tư vào thị trường Việt Nam, số tiền này góp phần giúp cho sự thay đổi trong cách thức thanh toán, tiêu tiền của khách hàng Việt, gia tăng đáng kể trong việc thanh toán điện tử qua thẻ, ứng dụng…
Với tất cả lí do đó, ông Đô khẳng định: “Thị trường Việt Nam bây giờ mới bắt đầu! Đừng nghĩ nó đã già". Khi so sánh các thông số với thị trường Trung Quốc hay Philippines, có thể thấy ở các quốc gia này đã dần xuất hiện sự bão hoà, Việt Nam đang có những tín hiệu giống với các nước này khoảng 6-10 năm trước, giai đoạn nở rộ của đầu tư khởi nghiệp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường