SSI Research: Chứng khoán có xu hướng tăng ngắn hạn, VN-Index hướng đến 1,580 điểm trong tháng 1
SSI Research dự báo chỉ số VN-Index khả năng sẽ tiếp tục hướng tới vùng mục tiêu 1,580 điểm trong tháng 1/2022. Nhà đầu tư nên ưu tiên bảo toàn lợi nhuận khi chỉ số tiệm cận vùng giá mục tiêu trên để hạn chế các yếu tố rủi ro khó đoán định.
Tháng 1/2022 là mùa cao điểm công bố kết quả kinh doanh quý 4 và cả năm 2021 trong bối cảnh dòng tiền trên thị trường vẫn đang duy trì tích cực. Ước tính cho tăng trưởng lợi nhuận quý 4 của 89 công ty trong phạm vi nghiên cứu của SSI Research (chiếm tỷ trọng khoảng 81% vốn hóa HOSE) hiện tại ở mức 13.6% so với cùng kỳ - là mức khá khiêm tốn so với 3 quý trước của năm 2021. Dù vậy, các chuyên gia vẫn ghi nhận sự phân hóa và tăng trưởng đáng kể ở các nhóm sắt thép, đường, phân bón, hóa chất, thủy sản, cảng biển và logistics, chứng khoán và một số mã ngân hàng.
Trong năm 2022, Chính phủ đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP nằm trong khoảng 6%-6,5% và CPI bình quân tăng khoảng 4%. Trong trường hợp gói kích thích kinh tế được giải ngân có hiệu quả, tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể vượt mức 7% trong năm 2022 trên mức nền thấp của giai đoạn 2020-2021. Tốc độ tăng trưởng kinh tế dự kiến sẽ tăng dần từ nửa đầu năm và đạt đỉnh trong quý 3/2022 (tốc độ tăng trưởng có thể lên tới hai chữ số).
Xuất khẩu và hoạt động chế biến chế tạo tiếp tục là động lực chính của tăng trưởng, trong khi đó tiêu dùng và các hoạt động dịch vụ khác như du lịch được kỳ vọng phục hồi khi nền kinh tế được mở cửa toàn diện hơn trong năm 2022. Đầu tư công cũng là một yếu tố được kỳ vọng sẽ hỗ trợ tăng trưởng, khi kế hoạch giải ngân đầu tư công năm 2022 (bao gồm gói hỗ trợ kinh tế) ước tính là 630 nghìn tỷ đồng, tăng 30% so với kế hoạch 2021.
Thông tin về gói kích thích kinh tế và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2022-2023 dự kiến chính thức được thông qua vào tháng 1/2022 đang là tâm điểm thu hút sự chú ý. Các cơ hội đầu tư xoay quanh câu chuyện này vẫn rất sôi động trong đó nổi bật hai ngành đang được dòng tiền quan tâm là xây dựng và bất động sản. Mục tiêu của chương trình là hỗ trợ cho nhiều ngành kinh tế, thông qua việc miễn/giảm thuế, hỗ trợ trực tiếp người dân bằng tiền mặt, giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ tín dụng các lĩnh vực chịu ảnh hưởng từ Covid-19, …) hoặc hỗ trợ lãi suất, và đầu tư vào cơ sở hạ tầng.
Chính phủ có thể sẽ tập trung vào các dự án hiện có, và thực hiện việc chuyển đổi các dự án PPP thành 100% vốn đầu tư công, hoặc hỗ trợ giải phóng mặt bằng… để có thể giải ngân nhanh chóng. Một số dự án có thể kể đến như dự án cao tốc Bắc Nam – GĐ 2 (phía đông) hoặc một số đường vành đai tại TP.HCM hoặc Hà Nội.
Mặc dù vậy, nhà đầu tư cũng cần lưu ý một số yếu tố rủi ro khó đoán định có thể xảy ra trong tháng như số ca lây nhiễm Covid-19 cùng với sự lan rộng của biến chủng Omicron; dòng tiền có thể biến động trước kỳ nghỉ Tết và biến động trong ngày đáo hạn hợp đồng tương lai hay các quỹ chỉ số tái cơ cấu.
Về mặt kỹ thuật, VN-Index đang có động lực tăng tốt
Chỉ số VN-Index đã chính thức vượt mốc tâm lý 1,500 điểm cũng là vùng đỉnh cũ của chỉ số, đi kèm với đó là sự cải thiện của thanh khoản. Diễn biến này cho thấy chỉ số đang có động lực tăng tốt và xu hướng Tăng ngắn hạn đã được củng cố sau giai đoạn gần như đi ngang trong 3 tuần cuối tháng 12/2021.
Do đó, SSI Research dự báo chỉ số VN-Index khả năng sẽ tiếp tục hướng tới vùng mục tiêu 1,580 điểm trong tháng 1/2022. Nhà đầu tư nên ưu tiên bảo toàn lợi nhuận khi chỉ số tiệm cận vùng giá mục tiêu trên để hạn chế các yếu tố rủi ro khó đoán định. Vùng hỗ trợ quan trọng đối với VN-Index là khu vực quanh mốc 1,500 điểm, đây là vùng có thể cân nhắc cho các hoạt động mua mới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận