menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Khả Ngân

Sốt đất ảo, thông thầu... khiến cử tri lo lắng

Một trong nhiều lo lắng của cử tri được Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) tổng hợp, phục vụ kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa XV là tình trạng sốt đất ảo.

Cử tri lo lắng về tình trạng sốt đất ảo, thông thầu, bắt tay ngầm trong các cuộc đấu giá đất, gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi, đặc biệt những vụ việc có dấu hiệu lừa đảo trong các giao dịch bất động sản trên địa bàn cả nước.

Đó là một trong những nội dung được Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) tổng hợp, phục vụ kỳ họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội khoá XV.

Báo cáo phản ánh nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri trên tất cả các lĩnh vực.

Theo đó, ngoài sốt đất ảo, cử tri còn còn phản ánh tình trạng các dự án treo, quy hoạch treo, kéo dài thời gian triển khai dự án gây ra lãng phí lớn nguồn lực của nhà nước và xã hội, tác động tiêu cực đến đời sống nhân dân.

Liên quan đến lo lắng của cử tri, trong phiên thảo luận tổ chiều 4/1, khá nhiều ý kiến đại biểu cũng quan ngại tác động của gói hỗ trợ từ tài khoá, tiền tệ chuẩn bị được Quốc hội quyết định sẽ làm cho nguy cơ bong bóng bất động sản, chứng khoán cao hơn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, khi nhắc tới việc đấu giá đất tại Thủ Thiêm cũng nhấn mạnh, đấu giá 1m2 đất mà lên tới 2,4 tỷ đồng là "điều chưa bao giờ có". Vì vậy, "Chính phủ, Quốc hội đang giao các cơ quan nghiên cứu những động thái này. Nếu nó bình thường không sao, chúng ta phải xem có gì bất thường không".

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhận xét, đấu giá đất tại Thủ Thiêm với mức trúng đấu giá 2,4 tỷ đồng một m2 là bất thường và làm nhiễu loạn thị trường.

Nói thêm nhận định này bên hành lang Quốc hội, ông Phớc phâ tích, giá đất trung bình tại đường Nguyễn Huệ, nơi được coi là trái tim của TP.HCM có giá khoảng 1,5 tỷ đồng một m2. Trong khi đó, Thủ Thiêm là khu vực mà hạ tầng mới, đang còn xây dựng, hoang vắng thì mức đấu giá lên tới 2,4 tỷ đồng. "Mức giá này là không phù hợp, không thực khi giao dịch đột biến tăng gấp vài lần", ông Phớc nhìn nhận.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính thì cần xem các nhà đầu tư có thực hiện đúng theo cam kết trúng giá hay không, hay bỏ cọc. Với trách nhiệm của mình, Bộ tài chính kiểm tra những doanh nghiệp này trên thị trường chứng khoán, còn quản lý nhà nước về đất đai là Bộ Tài nguyên Môi trường, kể cả vấn đề giá đất, ông nói.

Hết sức lo lắng vì nông sản ùn ứ

Theo tập hợp của Ban Dân nguyện, thời gian qua, cử tri và Nhân dân băn khoăn về tình trạng hàng ngàn phương tiện vận chuyển hàng hóa nông sản tiếp tục ùn ứ nghiêm trọng tại các cửa khẩu các tỉnh biên giới phía Bắc (do Trung Quốc tạm ngưng, đóng cửa một số cửa khẩu để siết chặt kiểm soát phòng, chống dịch Covid - 19) đang gây nhiều khó khăn, thiệt hại về kinh tế cho người dân và doanh nghiệp trong nước.

Đặc biệt, Trung Quốc có quy định mới về xuất nhập khẩu có hiệu lực từ ngày 01/01/2022, trong đó có nhiều nội dung mới, thắt chặt hơn liên quan đến nhiều mặt hàng nông sản, nguy cơ hàng hóa, nhất là nông sản trong nước không xuất được sang thị trường Trung Quốc.

Trong khi trong nước thiếu những giải pháp căn cơ để phát huy thị trường nội địa đảm bảo đầu ra cho nông sản, vẫn còn tình trạng tự phát trong sản xuất, xuất khẩu nông sản dẫn đến hiện tượng được mùa mất giá và rất bị động ở khâu tổ chức đầu ra của thị trường, khiến người dân và doanh nghiệp hết sức lo lắng, thiếu biện pháp tháo gỡ kịp thời.

Về lao động, việc làm, báo cáo nêu rõ, dịch bệnh Covid - 19 đã ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp, trong thời gian qua một số doanh nghiệp lấy lý do này để điều chuyển người lao động sang làm việc khác hoặc cắt giảm lao động (lý do thay đổi người lao động).

Mặt khác, trong thời gian qua dịch bệnh Covid -19 đã tạo thêm nhiều gánh nặng cho doanh nghiệp và cả người lao động, nhất là chưa có sự nhất quán trong việc chi trả chi phí xét nghiệm cho người lao động, dẫn đến bức xúc ở nhiều nơi; Có tình trạng nhiều công nhân bị trừ phí xét nghiệm Covid - 19 vào lương, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống; tại một số địa phương còn có sự vướng mắc khi thanh toán chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động bị nhiễm Covid - 19 điều trị tại nhà do thiếu “giấy nghỉ ốm.

Bên cạnh đó, cử tri còn phản ánh các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người sử dụng lao động... bị ảnh hưởng sau đại dịch Covid - 19 là đúng đắn, kịp thời nhưng các điều kiện, yêu cầu để được hưởng các chính sách rất khó khăn, trở thành “rào cản” cho các doanh nghiệp, người sử dụng lao động tiếp cận chính sách.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
7 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại