“Sóng” lớn ở Đức Long Gia Lai (DLG)
Đã từ rất lâu, cổ phiếu của CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (Mã CK: DLG) mới được giao dịch sôi động như vậy. Điều ấy thể hiện ở khối lượng giao dịch tăng vọt, cá biệt có những phiên khớp lệnh tới hơn 20 triệu cổ phiếu. Chỉ có điều mức thị giá DLG sau quãng thời gian giảm sâu hiện chỉ bằng ly “trà đá”. Và như nhiều cơn “sóng” cổ phiếu bất thường trên thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư lại đi tìm một lý do hợp lý cho chúng.
Năm 2019, CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (Mã CK: DLG) báo lãi sau thuế 107,8 tỷ đồng, cao gấp 7,5 lần so với năm trước.
Trong đó, riêng hoạt động bán linh kiện điện tử đóng góp tới 68,5% tổng doanh thu, và mang lại 296 tỷ đồng lợi nhuận cho DLG. Bên cạnh đó, tập đoàn này còn ghi nhận các khoản doanh thu từ nhiều lĩnh vực khác như thu phí BOT, bán các sản phẩm từ gỗ, phân bón.
Kết quả kinh doanh khởi sắc sau nhiều năm của tập đoàn do ông Bùi Pháp (SN 1962) làm Chủ tịch HĐQT dường như là nguồn cơn cho đà tăng giá của cổ phiếu DLG từ cuối năm 2019.
Đà tăng giá của cổ phiếu tiếp tục được duy trì sau khi HĐQT DLG (ngày 5/2/2020) thông qua chủ trương thực hiện các hợp đồng, giao dịch giữa tập đoàn với các doanh nghiệp và người có liên quan, trong đó, có đề cập tới CTCP Đầu tư Xây dựng Vạn Gia Long (Vạn Gia Long) - một công ty có liên quan tới người nội bộ.
Vạn Gia Long là pháp nhân gợi nhớ đến biến cố tại loạt dự án bất động sản của DLG - một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp này rơi vào tình trạng khó khăn sau đó.
Vào tháng 5/2016, CTCP Đầu tư và Kinh doanh Bất động sản Đức Long Gia Lai (Đức Long Gia Lai Land - công ty con của DLG) đã ký hợp đồng đầu tư (thời hạn 3 năm), góp vốn cùng Vạn Gia Long thực hiện dự án Căn hộ cao cấp Sunshine Apartment tại Quận 7, Tp.HCM.
Dự án này do Vạn Gia Long làm chủ đầu tư, sau được biết tới với các tên gọi Dragon Court hay phổ biến hơn là Đức Long Golden Land. Báo cáo tài chính các năm 2017, 2018 của DLG cho thấy tập đoàn này đã rót ít nhất 300 tỷ đồng cho Vạn Gia Long để triển khai dự án bất động sản.
Tuy nhiên, theo phản ánh của truyền thông trong nước, ngày 13/9/2018, UBND TP.HCM đã lập đoàn kiểm tra để làm rõ những dấu hiệu vi phạm tại dự án Đức Long Golden Land sau khi nhận được đơn tố cáo của công dân.
Qua rà soát, Thanh tra Thành phố cho biết, chưa xác định được chính xác tổng số hộ dân được bồi thường để thực hiện dự án. Đối với nội dung phần đất công tại dự án "biến mất", dự án bị chuyển nhượng gây thất thoát cho Nhà nước cũng cần được làm rõ.
Ngoài ra, Thanh tra Thành phố còn xác định, Vạn Gia Long có dấu hiệu đưa dự án vào kinh doanh khi chưa đủ điều kiện. Đến tháng 11/2017, công trình mới có giấy phép xây dựng phần ngầm nhưng trước đó chủ đầu tư đã rao bán, nhận tiền đặt cọc giữ chỗ của khách hàng.
Tới tháng 12/2018, Văn phòng UBND TP.HCM tiếp tục có thông báo truyền đạt ý kiến của Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến về xử lý các sai phạm tại dự án Đức Long Golden Land.
Cụ thể, ông Trần Vĩnh Tuyến đã giao Công an TP.HCM chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra tiếp tục điều tra làm rõ trên cơ sở nội dung đã được Thanh tra TP.HCM phát hiện. Báo cáo kiến nghị xử lý theo đúng quy định pháp luật. Đồng thời, giao các sở, ngành liên quan tiếp tục xử lý, khắc phục những sai phạm, tồn tại tại dự án này.
Hồi tháng 7/2019, phản hồi công dân về dự án này, Sở Xây dựng Tp. HCM cho biết “Công trình đã thi công một phần sàn tầng hầm, tầng lửng hầm và đang ngừng thi công từ tháng 2 năm 2018 đến nay. Hiện nay, chủ đầu tư chưa được cơ quan có thẩm quyền xác nhận đủ điều kiện được bán nhà ở hình thành trong tương lai”.
Không chỉ dự án Đức Long Golden Land, DLG còn “vướng” lùm xùm tại nhiều dự án bất động sản khác như Đức Long Newland, Western Park và Elysium (tại Quận 7, Tp. HCM, do Vạn Gia Long làm chủ đầu tư).
Nên nhớ, tại Báo cáo tài chính hợp nhất bán niên năm 2019, hãng kiểm toán đã nhấn mạnh đến khả năng hoạt động liên tục của DLG.
Cụ thể, tại ngày 30/6/2019, hầu hết các khoản nợ vay của DLG đã quá hạn thanh toán (đặc biệt là nợ vay ngân hàng, tổ chức, cá nhân và nợ trái phiếu đến hạn trả). Thậm chí, hãng kiểm toán còn cho biết tất cả các ngân hàng đều ngừng giải ngân đối với DLG.
Tập đoàn Tập đoàn Đức Long Gia Lai tiền thân là Xí nghiệp Tự doanh Đức Long, được thành lập vào tháng 9/1995, số vốn ban đầu là 3,6 tỷ đồng, cùng 9.700 m2 đất và một dây chuyền chế biến gỗ thủ công và bán tự động. Sau nhiều năm phát triển, tính đến ngày 31/12/2019, quy mô vốn điều lệ của tập đoàn đạt 2.993 tỷ đồng./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận