24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hoàng Việt Nữ
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Sóng cổ phiếu phân bón nhờ lực đẩy từ chính sách

Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ở các ngành, lĩnh vực khác nhau đang và sẽ phát huy tác dụng tích cực, làm nên gam màu sáng trên thị trường chứng khoán. Hiệu ứng sóng cổ phiếu phân bón, ngân hàng là điển hình.

Nhẹ gánh thuế, cổ phiếu phân bón hút dòng tiền

Ngày 13/10/2020 là thời hạn để các doanh nghiệp phân bón góp ý cho dự thảo Nghị quyết về chính sách thuế giá trị gia tăng nhằm hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp sản xuất phân bón.

Tại dự thảo này, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật số 71/2014/QH13 để phân bón từ đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng sang đối tượng chịu thuế, với mức thuế suất 5%.

Theo ông Phùng Hà, Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam (VNFAV), nếu được Quốc hội thông qua, kỳ vọng mức thuế giá trị gia tăng 5% cho phân bón sẽ được áp dụng từ đầu năm 2021.

Chính sách thuế sửa đổi vào thời điểm này thực sự là cú huých quan trọng giúp các doanh nghiệp sản xuất phân bón phục hồi trở lại sau nhiều năm suy giảm lợi nhuận, thậm chí không ít doanh nghiệp trong ngành thua lỗ.

Khó khăn đến với các doanh nghiệp phân bón vào năm 2015 khi Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều tại các luật về thuế, theo đó, quy định phân bón, đang thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng với thuế suất 5%, được xếp vào mặt hàng không chịu thuế giá trị gia tăng.

Doanh nghiệp phân bón không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng của hàng hoá, dịch vụ mua vào (kể cả thuế giá trị gia tăng của hàng hóa mua vào hoặc nhập khẩu để tạo tài sản cố định) phục vụ cho hoạt động sản xuất phân bón, mà phải tính vào chi phí sản phẩm, khiến giá thành tăng và lợi nhuận giảm.

Ông Phạm Quang Tuyến, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao (mã chứng khoán LAS) cho biết, mỗi năm, Công ty có 140 - 160 tỷ đồng không được khấu trừ thuế.

“Nếu phân bón chịu thuế giá trị gia tăng 5% thì LAS có thể được hoàn tương ứng khoảng 70 tỷ đồng mỗi năm, từ đó, giảm giá bán và thực hiện các hoạt động chăm sóc, hỗ trợ khách hàng, gia tăng sức cạnh tranh của sản phẩm”, ông Tuyến nói.

Đây là con số lớn có thể làm thay đổi bức tranh lợi nhuận của LAS. Quý II/2020, Công ty lỗ 16 tỷ đồng, còn quý I chỉ lời vẻn vẹn 5 tỷ đồng. Từ năm 2016 đến năm 2019, lợi nhuận trước thuế của LAS đã giảm từ 172 tỷ đồng xuống 12 tỷ đồng do ảnh hưởng của chính sách thuế.

Số liệu của VNFAV cho thấy, từ năm 2018 đến năm 2019, tổng số thuế giá trị gia tăng không được khấu trừ của Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã chứng khoán DCM) là 529 tỷ đồng, của Tổng công ty Phân bón và hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ, mã chứng khoán DPM) là 700 tỷ đồng, của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) là 1.460 tỷ đồng.

Số thuế không được khấu trừ trong 6 tháng đầu năm 2020 của các doanh nghiệp lần lượt là 176,26 tỷ đồng và 156 tỷ đồng và 400 tỷ đồng, chiếm từ 4 - 6% doanh thu.

Giả định trong nửa đầu năm nay, Đạm Cà Mau được khấu trừ thuế thì phần thuế được hoàn ước tính 55 tỷ đồng sẽ làm tăng đáng kể lợi nhuận trước thuế đã công bố là 383,4 tỷ đồng.

Giá cổ phiếu DCM, DPM, BFC, LAS đã tăng từ 30% đến 50% so với thời điểm cuối tháng 7 khi có thông tin chính thức Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính làm đầu mối xử lý vướng mắc cho doanh nghiệp phân bón.

Giá cổ phiếu DCM, DPM, BFC, LAS đã tăng từ 30% đến 50% so với thời điểm cuối tháng 7 khi có thông tin chính thức Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính làm đầu mối xử lý vướng mắc cho doanh nghiệp phân bón.

Nhà đầu tư Nguyễn Thế Phong (TP.HCM) hy vọng, cổ phiếu phân bón sẽ tạo lớp sóng mới vào đầu năm sau, khi chính sách thuế có hiệu lực.

Cổ phiếu ngân hàng lớn dẫn sóng nhờ chính sách

Từ giữa tuần qua, nhóm cổ phiếu ngân hàng lần lượt tăng mạnh sau khi cổ phiếu ngân hàng có vốn nhà nước lớn đã tăng trước “dẫn sóng”.

Lý do là ngày 9/10, Chính phủ đã ban hành Nghị định 121/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 2, Điều 12, Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp.

Theo đó, nhóm ngân hàng được đưa vào lĩnh vực được đầu tư bổ sung vốn nhà nước. Đây là cơ sở pháp lý để các ngân hàng như Vietinbank (mã CTG), Vietcombank (mã VCB), BIDV (mã BID) và Agribank chia cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành cổ phiếu thưởng tăng vốn điều lệ, nhằm nâng cao hệ số an toàn vốn (CAR), đáp ứng chuẩn mực vốn quốc tế Basel II.

Bà Nguyễn Thị Ngân Tuyền, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu phân tích, Khối Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) đánh giá, quy định mới đã giải toả “nút cổ chai” không được chia cổ tức, dành nguồn lực hỗ trợ khách hàng.

Sóng cổ phiếu phân bón nhờ lực đẩy từ chính sách
Cổ phiếu các ngân hàng có vốn Nhà nước chi phối như Vietcombank thăng hoa khi nút thắt chính sách chi cổ tức bằng cổ phiếu được giải tỏa. Ảnh: Dũng Minh

Kế hoạch tăng vốn bằng chia thưởng cổ phiếu, phát hành cổ phiếu sẽ tạo sóng cổ phiếu ngân hàng, bởi đây là “khẩu vị truyền thống” của thị trường. Một nguồn tin không chính thức cho biết, Vietinbank dự kiến trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 30% và Vietcombank là 18%.

Đây là lý do trong 1 tháng qua, cổ phiếu CTG đã tăng khoảng 14%, còn VCB tăng gần 5%. Và từ quanh mốc ngày giao dịch 9/10, giá cổ phiếu BID, VCB, CTG thiết lập giá xanh liên tiếp cho đến ngày 12/10, TCB (của Techcombank) tăng trần với khối lượng giao dịch kỷ lục kéo theo HDB, ACB tăng.

Việc thực hiện chia thưởng cổ phiếu, phát hành cổ phiếu mới sẽ tiếp tục tạo sóng các cổ phiếu ngân hàng gắn với mốc thời gian chốt thực hiện.

Bà Tuyền phân tích, ngoài chia cổ tức bằng cổ phiếu, có thể hy vọng Ngân hàng Vietinbank được thí điểm nới trần sở hữu nước ngoài để huy động vốn vì việc cải thiện hệ số CAR đang cấp thiết vì ở mức khá thấp.

Giá cổ phiếu BID đi ngang trong khoảng một tháng trước thời điểm 9/10. Theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Bảo Trân, chuyên viên phân tích Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam thì tỷ lệ vốn cấp 1 của BIDV vẫn tương đối thấp so với các ngân hàng đang áp dụng chuẩn Basel II, nên chia cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành riêng lẻ vẫn là nhu cầu của ngân hàng này.

BIDV có kế hoạch tăng vốn bằng phát hành cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 7% và phát hành riêng lẻ 342 triệu cổ phiếu, tương đương 8,5% vốn điều lệ để huy động vốn mới.

Tăng vốn ngân hàng để đáp ứng tiêu chuẩn Basel II đã nằm trong lộ trình từ trước, nhưng việc các ngân hàng được "bật đèn xanh" để triển khai tăng vốn kịp thời giúp các ngân hàng tăng cường năng lực tài chính, từ đó tăng trưởng vững vàng và hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn.

Bên cạnh Nghị định 121/2020/NĐ-CP, ông Lê Khánh Tùng, chuyên viên bộ phận phân tích cổ phiếu Công ty Chứng khoán MB (MBS) đánh giá, đối với cổ phiếu ngân hàng, chính sách tác động trọng yếu là Thông tư 01/2020/TT-NHNN, quy định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 dự kiến đến tháng 4/2021 sẽ hết hạn.

Tuy nhiên, giới đầu tư kỳ vọng, thời gian này có thể kéo dài hơn. Nhờ Thông tư 01, lợi nhuận ngân hàng tăng trưởng hai quý đầu năm và dự báo quý III tăng trưởng mạnh trở lại.

“Nếu Thông tư 01 kéo dài thời gian áp dụng có thể giúp giá cổ phiếu ngân hàng tiến thêm một đoạn nữa, nhất là ở một số ngân hàng đang có câu chuyện như CTG, dù cổ phiếu này vừa thiết lập mức tăng khá tốt”, ông Tùng dự báo.

Hồi tố thuế giúp lợi nhuận tích cực

Được ban hành từ tháng 6, Nghị định 68/2020/NĐ-CP (Nghị định 68) sửa đổi, bổ sung Nghị định 20/2017/NĐ-CP về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết có thay đổi đáng chú ý. Đó là, trần chi phí lãi vay (sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay) được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp được nâng lên mức 30% EBITDA, thay vì 20% EBITDA như quy định tại Nghị định 20/2017/NĐ-CP.

EBITDA là tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh và chi phí lãi vay, được tính sau khi trừ lãi tiền gửi cùng lãi cho vay, cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ.

Nghị định sửa đổi được áp dụng cho kỳ tính thuế năm 2019, đồng thời hồi tố cho kỳ tính thuế 2017, 2018.

Doanh nghiệp được khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung nộp cho cơ quan thuế.

Trong trường hợp sau quyết toán, doanh nghiệp có số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp lớn hơn số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền chậm nộp đã xác định lại thì phần chênh lệch được bù trừ vào số thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2020 và có thể bù trừ đến hết trong tối đa 5 năm tiếp theo.

Phòng Nghiên cứu và phân tích, Khối Khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) đánh giá, ước tính số thuế được hoàn lại hoặc khấu trừ cho các doanh nghiệp niêm yết trên hai sàn vào khoảng 2.374 tỷ đồng.

Trong số này, một số doanh nghiệp được hoàn lại hoặc khấu trừ nhiều nhất là Công ty cổ phần Tập đoàn Vingroup (mã VIC) 461,54 tỷ đồng, Tập đoàn Masan (mã MSN) 305,92 tỷ đồng, Vinhomes (mã VHM) 189,49 tỷ đồng, Công ty cổ phần Đầu tư địa ốc Nova (mã NVL) 146,2 tỷ đồng… Khoản thuế được hoàn này sẽ giúp cải thiện đáng kể lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Riêng đối với Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (mã HAG), Nghị định 68 giúp báo cáo tài chính của HAG không tiếp tục bị kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ. Năm 2019, HAG đã hạch toán lãi vay bù trừ lãi cho vay lại mà quy định thời điểm đó chưa sửa đổi, khiến kiểm toán buộc phải đưa ra ý kiến ngoại trừ trong báo cáo.

HAG đã tăng trần vào giữa tuần qua khi ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn đăng ký mua vào khối lượng lớn.

Chờ lãi suất thấp thấm vào doanh nghiệp

Cuối tháng 9, Ngân hàng Nhà nước lần thứ ba trong năm đã tiến hành giảm một loạt lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, chống suy giảm kinh tế. Đây là chính sách được mong chờ sẽ tác động tích cực đến toàn bộ cộng đồng doanh nghiệp. Theo đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 - 6 tháng giảm còn 4%/năm.

Tuy vậy, theo khảo sát của Báo Đầu tư Chứng khoán với các doanh nghiệp, chủ yếu lãi suất vay ngắn hạn giảm, còn lãi suất vay dài hạn vẫn không giảm đáng kể.

“Lãi suất dài hạn giảm mới có tác động quan trọng, vì doanh nghiệp cần lãi suất ổn định lâu dài mới tính chuyện đầu tư”, ông Vũ Văn Thanh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HSG) nhận xét.

Tiến sỹ Lê Đạt Chí, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM đánh giá, lãi suất cho vay khó cắt giảm do các ngân hàng nhỏ vẫn có nhu cầu huy động lãi suất cao, khiến các ngân hàng lớn khó giảm lãi suất nhiều.

Để tiếp tục giảm lãi suất, Chính phủ có thể yêu cầu Bộ Tài chính phát hành trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm với lãi suất hiện nay tầm 2,75%/năm và dùng lô trái phiếu này cho vay các doanh nghiệp trong nền kinh tế theo các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với mức lãi suất bằng lãi suất trái phiếu chính phủ thông qua tái cấp vốn ở Ngân hàng Nhà nước.

Các đối tượng được giảm lãi suất theo danh sách chỉ đạo vẫn còn chịu lãi suất cao, Chính phủ có thể chấp nhận cho vay bù lãi suất như trước đây đã từng làm.

Nếu Chính phủ cho vay bù lãi suất hoặc bằng lãi suất Chính phủ đi vay cho những khoản chi phí phát sinh, sẽ thúc đẩy tiêu dùng nội địa và tăng việc làm, từ đó kích thích tăng trưởng và tăng thu được thuế.

Trong khi doanh nghiệp chưa cảm nhận rõ ràng tác động của dòng vốn giá rẻ thì thị trường chứng khoán ngay lập tức được tiếp sức bởi tiền rẻ với nhiều phiên giao dịch thanh khoản cao. Đây vẫn là động lực chính giữ nhịp thị trường cho đến khi vốn thấm vào doanh nghiệp.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả