Soi “núi tiền” của top 10 doanh nghiệp tỷ USD trên sàn chứng khoán
Tại thời điểm cuối tháng 6/2023, trong danh sách các doanh nghiệp niêm yết sở hữu lượng tiền nhiều nhất thì PV Gas, Hòa Phát và ACV đều nắm giữ trên 30.000 tỷ đồng.
Mùa báo cáo tài chính quý II/2023 kết thúc cũng là lúc các doanh nghiệp nắm giữ khối tiền mặt khổng lồ lộ diện.
Ở góc độ doanh nghiệp, "tiền mặt là vua" là cách ví von được giới tài chính dùng để nói về tầm quan trọng của tiền mặt. Trong sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp đều phải nắm giữ một lượng tiền mặt nhất định, dù ít hay nhiều.
Theo dữ liệu Người Đưa Tin thống kê tại thời điểm 30/6/2023, nếu tính riêng các doanh nghiệp phi tài chính trên sàn chứng khoán thì sẽ có 17 doanh nghiệp có lượng tiền mặt, tương đương tiền và tiền gửi trên 10.000 tỷ đồng. Đây đều là những doanh nghiệp quen mặt, không còn xa lạ với nhà đầu tư.
Dẫn đầu bảng, Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas - HoSE: GAS) tiếp tục là doanh nghiệp sở hữu lượng tiền mặt cao nhất. Thời điểm cuối quý II/2023, lượng tiền của PV Gas đạt 40.767 tỷ đồng, tăng gần 6.500 tỷ đồng so với hồi đầu năm – chiếm 46% tài sản của công ty. Đây là quý thứ 3 liên tiếp, PV Gas dẫn đầu với lượng tiền mặt nắm giữ.
Với lượng tiền gửi ngân hàng lớn đã đem về cho PV Gas khoản tiền lãi 553 tỷ đồng trong quý II/2023, đóng góp lớn vào lợi nhuận của doanh nghiệp.
Á quân gọi tên doanh nghiệp của tỷ phú Trần Đình Long. Thời điểm cuối tháng 6/2023, Tập đoàn Hoà Phát (HoSE: HPG) sở hữu lượng tiền mặt 36.101 tỷ đồng, tăng 2% so với đầu năm, song con số này vẫn thấp hơn nhiều so với con số lục đạt được ở cuối quý I/2022 là 46.824 tỷ đồng.
Trước khi bị PV Gas vượt mặt, Hòa Phát đã nắm giữ danh hiệu "vua tiền mặt" nhiều quý liên tiếp. Kể từ khi lợi nhuận lao dốc trong quý II/2022, lượng tiền của Hòa Phát cũng sụt giảm liên tục.
Xếp thứ 3 chính là Tổng Công ty Cảng hàng không (UPCoM: ACV) ghi nhận tổng lượng tiền đạt 31.275 tỷ đồng, chiếm 49% tổng tài sản. Trong nửa đầu năm nay, công ty nhận về hơn 419 tỷ đồng tiền lãi.
Xếp thứ 6, Thế Giới Di Động (HoSE: MWG) có lượng tiền chiếm 41% tổng tài sản tại thời điểm 30/6/2023 với 24.470 tỷ đồng. Nhờ gia tăng khoản tiền gửi, Thế Giới Di Động ghi nhận 585 tỷ đồng tiền lãi, không những đóng góp lớn vào lợi nhuận mà còn giúp công ty thoát lỗ trong quý II/2023 khi lợi nhuận về đáy trong lịch sử hoạt động.
Tiếp đến là doanh nghiệp của tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Dù sở hữu lượng tiền dồi dào nhưng chỉ chiếm tỉ trọng rất nhỏ trong quy mô nguồn vốn - Tập đoàn Vingroup (HoSE: VIC) nắm 23.118 tỷ đồng tiền nhàn rỗi - chiếm 4% tổng tài sản của tập đoàn thời điểm cuối tháng 6/2023.
Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - HoSE: SAB) xếp thứ 8 với lượng tiền, tương đương tiền và tiền gửi đạt 22.390 tỷ đồng, tăng 10% so với quý I/2023. Vinamilk (HoSE: VNM) xếp thứ 9 với 21.465 tỷ đồng. Và xếp thứ 10, Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global - UPCoM: VGI) với tổng tiền 17.815 tỷ đồng.
Tiền nhiều nhưng đi vay cũng nhiều
Mặc dù có lượng tiền mặt "khủng" nhưng không ít doanh nghiệp trong top 10 cũng đang ghi nhận những khoản vay lớn.
Kỷ lục về nợ vay tài chính phải kể đến Vingroup và các công ty con khi ghi nhận 176.049 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý II/2023. Trong nửa đầu năm, công ty phải trả chi phí lãi vay hơn 3.572 tỷ đồng.
Còn tại Hòa Phát dù lượng tiền gửi tăng so với đầu năm song nợ vay của doanh nghiệp này vẫn cao khi vay tới 60.627 tỷ đồng. Trung bình mỗi ngày, Hoà Phát phải trả 11 tỷ đồng lãi vay.
Tại cả FPT và Thế Giới Di Động thì dư nợ đi vay cũng tăng lên đáng kể so với quý trước, lần lượt đi vay 19.545 tỷ đồng và 22.237 tỷ đồng.
Ngược lại, một số doanh nghiệp sở hữu lượng tiền mặt khủng và đi vay ít. Điển hình như Sabeco dư nợ hiện nay của doanh nghiệp này chỉ 867 tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận