Singapore, Hàn Quốc, Indonesia ghi nhận ca nhiễm Covid-19 kỷ lục do biến thể Omicron
Các nền kinh tế lớn tại châu Á, bao gồm Hàn Quốc, Singapore và Indonesia, đang chứng kiến làn sóng ca nhiễm Covid-19 tăng chóng mặt trong bối cảnh biến thể Omicron tiếp tục càn quét khu vực này...
Hàn Quốc ngày 16/2 ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày kỷ lục 90.443 ca, tăng mạnh so với mức hơn 57.000 ca ngày trước đó, đưa tổng số ca nhiễm kể từ khi đại dịch bùng phát tại nước này lên hơn 1,55 triệu.
Dù vậy, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Hàn Quốc (KDCA), tỷ lệ tử vong do Covid-19 tại nước này vẫn ở mức tương đối thấp với 39 ca ghi nhận hôm 15/2 và tổng cộng 7.202 ca kể từ khi đại dịch bùng phát.
Theo SCMP, Hàn Quốc thường được xem là một điển hình chống dịch thành công, chủ yếu nhờ việc đeo khẩu trang rộng rãi, giãn cách xã hội và hoạt động xét nghiệm, truy vết quyết liệt. Tuy nhiên, nhà chức trách nước này đã thay đổi chính sách xét nghiệm và truy vết để phù hợp với làn sóng dịch do biến thể Omicron – được cho là lây lan nhanh hơn nhưng độc lực nhẹ hơn so với các biến thể trước đó. Từ đầu tháng này, Hàn Quốc áp dụng yêu cầu tự theo dõi sức khỏe, chẩn đoán và điều trị Covid-19 tại nhà.
Thủ tướng Hàn Quốc Kim Boo-kyum cho biết Chính phủ đang cân nhắc nới lỏng các quy định nghiêm ngặt bao gồm giờ giới nghiêm sau 21h00 đối với nhà hàng, quán cà phê và quán bar; cấm tập trung trên 6 người (với người đã tiêm vaccine).
“Nhà chức trách sẽ bắt đầu phân phối bộ xét nghiệm nhanh miễn phí tại các trường mầm non, tiểu học, viện dưỡng lão từ tuần tới nhằm tăng cường bảo vệ đối với trẻ em cũng như nhóm người nguy cơ cao chưa tiêm vaccine”, ông Kim nói.
Trong khi đó, Bộ trưởng Giáo dục Hàn Quốc Yoo Eun-hye cho biết các trường học sẽ có đủ bộ xét nghiệm cho học sinh để sử dụng 2 lần một tuần, nhưng nhấn mạnh rằng đây không quy định bắt buộc.
“Chúng tôi yêu cầu học sinh xét nghiệm tại nhà bằng bộ xét nghiệm kháng nguyên nhanh vào tối Chủ nhật và thứ Tư trước khi tới trường”, bà Yoo nói tại một cuộc họp báo đầu tuần này. “Nếu có kết quả xét nghiệm dương tính, xin vui lòng đến các cơ sở y tế địa phương để xét nghiệm PCR".
Trong khi đó, nhóm nhạc nổi tiếng Hàn Quốc BTS đang chuẩn bị có các buổi biểu diễn đầu tiên tại quê nhà kể từ khi đại dịch bùng phát, với 3 chương trình tại Seoul vào tháng tới, công ty quản lý của nhóm cho biết ngày 16/2.
Láng giềng của Hàn Quốc là Nhật Bản vừa có ngày ghi nhận số ca tử vong lớn nhất dù số ca nhiễm mới do biến thể Omicron đã giảm. Ngày 15/2, nước này có số ca tử vong vì Covid-19 kỷ lục 236 người, vượt qua kỷ lục 216 người vào ngày 18/5/2021. Từ đầu tháng 2, Nhật Bản ghi nhận gần 2.000 ca tử vong vì Covid. Trong khi đó, số ca nhiễm mới tại Nhật trong ngày 15/2 là 84.220, tiếp tục giảm từ mức kỷ lục ghi nhận trước đó khi làn sóng Omiron bùng mạnh.
Cũng tại châu Á, Singapore ghi nhận kỷ lục 19.179 ca nhiễm mới trong ngày 15/2. Trong 28 ngày qua, nước này có tổng cộng 191.882 ca nhiễm, tuy nhiên 99,7% trong số đó là các trường hợp không có hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ.
Còn Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, chứng kiến số ca nhiễm nhiều nhất kể từ khi đại dịch bùng phát do biến thể Omicron lây lan nhanh và hiện đã thay thế Delta trở thành biến thể chủ đạo. Ngày 15/2, nước này ghi nhận 57.049 ca nhiễm mới và 134 ca tử vong.
Tuy nhiên, số ca tử vong vì Covid-19 tại Indonesia đã giảm đáng kể so với đỉnh dịch do biến thể Delta - khi có tới hơn 2.000 chết mỗi ngày. Đây là một trong những cơ sở để Chính phủ nước này nới lỏng một số biện pháp hạn chế tại các thành phố, dù vẫn yêu cầu người dân hạn chế tụ tập đông người.
Cũng ở Đông Nam Á, Malaysia ghi nhận 22.133 ca nhiễm mới trong ngày 15/2 – ngày thứ năm liên tiếp nước này có hơn 20.000 ca mới. Tổng Giám đốc Cơ quan Y tế Indonesia Noor Hisham Abdullah cho biết hơn 99% ca nhiễm mới tại nước này không có hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ.
Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob cho biết nước này và Brunei sẽ bãi bỏ quy định cách ly đối với người dân đã tiêm vaccine Covid-19 của hai bên.
“Làn đi lại cho người đã tiêm vaccine (VTL) sẽ có 4 chuyến bay mỗi tuần giữa Kuala Lumpur và Bandar Seri Begawan”, ông Ismail Sabri cho biết trong một tuyên bố đầu tuần này. “VTL cho phép đi lại giữa biên giới đường bộ cũng đang được hai nước cân nhắc”.
Dù vậy, Thủ tướng Malaysia không cho biết khi nào VTL nói trên sẽ bắt đầu được triển khai và cho biết các chi tiết vẫn đang được nghiên cứu.
Malaysia và Brunei cũng đã đồng ý công nhận các ứng dụng truy vết tiếp xúc và thông tin của nhau để tạo điều kiện cho hoạt động đi lại, đồng thời sẽ hợp tác để nghiên cứu và phát triển vaccine, ông Ismail Sabri nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường