Siết tín dụng, trái phiếu bất động sản, doanh nghiệp xoay sở ra sao?
Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước đề nghị theo dõi, kiểm soát chặt chẽ tín dụng, trái phiếu bất động sản để tránh rủi ro. Nhiều doanh nghiệp như Nam Long, An Gia, TTC Land có kế hoạch ứng phó như đa dạng nguồn vốn, đầu tư dự án khả thi, mục đích sử dụng vốn minh bạch…
Siết tín dụng, trái phiếu bất động sản
Bộ Xây dựng dẫn số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy trong quý I, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản (BĐS) đạt 783.942 tỷ đồng. Trong đó, 24% dư nợ với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở; 15% cho vay xây dựng, sửa chữa nhà để bán, cho thuê; 13% dư nợ với cho vay mua quyền sử dụng đất... Bộ đề nghị theo dõi, kiểm soát chặt chẽ để tránh rủi ro kép; ngăn chặn việc sử dụng nguồn vốn cho vay sản xuất, tiêu dùng vào đầu tư, kinh doanh BĐS theo dạng đầu cơ.
Ngân hàng Nhà nước mới đây cũng có văn bản gửi đến các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như kinh doanh BĐS, trái phiếu doanh nghiệp, ngoài ra còn có chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông…
Trả lời báo chí mới đây, ông Đào Minh Tú - phó Thống đốc NHNN cho biết riêng tín dụng vào BĐS không có biến động nhiều kể từ đầu năm nay tới nay, chiếm gần 20% trong tổng dư nợ, thấp hơn giai đoạn trước (28%). Theo ông Tú, tín dụng vào BĐS đã được kiểm soát rất chặt chẽ, tới đây có thể sẽ kiểm soát chặt hơn nữa. Tuy nhiên, vốn vẫn ưu tiên phục vụ nhu cầu chính đáng cho người dân mua nhà, đất để ở thật; hạn chế đáp ứng cho mục đích đầu cơ.
Trong khi đó, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) nhận định nếu ngay lập tức "siết chặt" cả nguồn vốn tín dụng và nguồn vốn trái phiếu doanh nghiệp thì thị trường BĐS và các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, người tiêu dùng và cả các tổ chức tín dụng... đều có thể gặp khó khăn, rủi ro. Tín dụng hiện là nguồn vốn mồi quan trọng và chủ yếu của các doanh nghiệp BĐS trong bối cảnh thị trường vốn hiện nay của Việt Nam đang rất hạn chế, thiếu sự đa dạng. Nếu việc siết được thực hiện ngay sẽ ảnh hưởng lập tức đến các dự án đang triển khai dang dở và từ đó càng khiến nguồn cung trên thị trường trở nên khan hiếm.
Thị trường bất động sản bị siết trái phiếu, tín dụng. Ảnh: Quang Anh
Khó nhưng vẫn có cách
Tại cuộc họp ĐHCĐ thường niên 2022 của Nam Long (HoSE: NLG), ông Nguyễn Minh Quang, Giám đốc khối kinh doanh và tiếp thị cho biết đã có những buổi làm việc trực tiếp với 7 - 8 ngân hàng đã đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời gian qua. Đối với các dự án đầy đủ pháp lý, quy hoạch và giấy phép bán hàng thì các ngân hàng vẫn tiếp tục ủng hộ Nam Long, chính sách cho vay không có gì thay đổi.
Còn ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT nhìn thắt chặt tín dụng BĐS, Nam Long không thể không khó trong bối cảnh chung nhưng vẫn có giải pháp đa dạng nguồn vốn. Công ty hợp tác với các đối tác quốc tế như Nishitetsu, Hankyu Hanshin (Nhật Bản) để cùng phát triển dự án với chính sách hỗ trợ tài chính riêng. Các ngân hàng nước ngoài cùng với đối tác quốc tế cung cấp tín dụng cho Nam Long với lãi suất hợp lý, tốt hơn lãi suất vay trong nước. Ngoài ra, công ty đi theo hướng dài hạn, xây dựng uy tín trên thị trường tài chính, từ đó dễ dàng huy động trái phiếu từ các tổ chức nước ngoài. Đơn cử gần đây, Nam Long đã đạt được thỏa thuận phát hành trái phiếu 1000 tỷ đồng cho IFC.
Năm nay, Nam Long có kế hoạch bán sản phẩm tại 7 dự án gồm Southgate (Long An), Mizuki Park, Akari City (TP HCM), Izumi City (Đồng Nai), Cần Thơ, PG Hải Phòng và Paragon Đại Phước (Đồng Nai). Cập nhật đến ngày 22/4, 5 dự án đã được bán ra với giá trị thực tế hơn 5.895 tỷ đồng, đạt 25% kế hoạch cả năm.
Đối với TTC Land (HoSE: SCR), ông Võ Quốc Khánh, Tổng Giám đốc đánh giá đây là các động thái làm trong sạch thị trường và giúp ngành BĐS phát triển lành mạnh. Theo đó, việc siết trái phiếu, tín dụng chỉ áp dụng với các khoản vay không đúng, sai mục đích. Còn nếu làm đúng, làm thực, vào các dự án khả thi, thì có cơ hội. Ông Khánh tin TTC Land đủ sức thuyết phục đối tác và tổ chức tín dụng. Năm nay, TTC Land dự kiến bàn giao dự án Carillon 7, Panomax (TP HCM) và phân phối một phần tại dự án Selavia Phú Quốc.
Năm nay, An Gia (HoSE: AGG) vẫn có kế hoạch phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu. Ông Nguyễn Bá Sáng, Chủ tịch HĐQT nhận định việc phát hành này không có trở ngại gì nhiều vì công ty ít chào bán trái phiếu. An Gia sẽ phát hành trái phiếu để huy động vốn, M&A dự án, mở rộng quỹ đất. Quý I, công ty đã hoàn thành M&A dự án đối diện Westgate Bình Chánh, diện tích 3,2 ha và sẽ triển khai xây dựng trong thời gian tới nhằm hiện thực hóa mục tiêu doanh thu, lợi nhuận. Ngoài ra, An Gia cũng có sự hỗ trợ từ các đối tác nước ngoài là Creed Group, Actis, Hoosiers... Ở mỗi dự án, đối tác góp 50% còn lại cho An Gia vay 30% vốn với lãi suất ưu đãi.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận