SBT muốn huy động gần 1,800 tỷ từ cổ đông để làm gì?
CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC AgriS, HOSE: SBT) dự kiến chào bán hơn 148 triệu cp ra công chúng với giá 12,000 đồng/cp, ước tính số tiền thu được hơn 1,777 tỷ đồng dùng thanh toán các hợp đồng mua đường, phân bón.
HĐQT SBT mới đây đã thông qua triển khai thực hiện phương án chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng. Đây là kế hoạch được cổ đông SBT thông qua trong đợt xin ý kiến cổ đông bằng văn bản, thời hạn trước ngày 13/10/2023.
Theo đó, cổ đông SBT đã duyệt phương án chào bán hơn 148 triệu cp ra công chúng cho cổ đông hiện hữu theo phương thức thực hiện quyền. Tỷ lệ thực hiện quyền là 5:1, tức 20% (cổ đông sở hữu 1 cp được hưởng 1 quyền mua, mỗi quyền mua được mua thêm 5 cp mới).
Số cổ phiếu này sẽ không bị hạn chế chuyển nhượng. Thời gian dự kiến chào bán trước ngày 31/12/2024 và sau khi được UBCK chấp thuận.
Mức giá chào bán là 12,000 đồng/cp - thấp hơn 17% so với thị giá SBT kết phiên 09/11 (14,450 đồng/cp). Nếu thành công, tổng số tiền dự kiến huy động được hơn 1,777 tỷ đồng và vốn điều lệ của SBT sẽ tăng lên gần 8,900 tỷ đồng.
Tại ĐHĐCĐ thường niên niên độ 2022-2023 tổ chức chiều ngày 26/10, Phó Chủ tịch SBT - Đặng Huỳnh Ức My cho biết khi đưa ra mức giá 12,000 đồng/cp chào bán cho cổ đông, HĐQT đã tham khảo từ các đơn vị tư vấn chiến lược, tài chính và tính toán cẩn thận, kỹ lưỡng. Công ty chấp nhận chia sẻ và ưu đãi với cổ đông mới đưa ra giá 12,000 đồng/cp.
HĐQT SBT cũng đã thông qua phương án sử dụng vốn từ đợt chào bán thêm cổ phiếu, cụ thể toàn bộ số tiền thu được dự kiến hơn 1,777 tỷ đồng sẽ được phân bổ với nguyên tắc ưu tiên theo thứ tự sau:
Đầu tiên, Công ty dự kiến dùng 910 tỷ đồng để thanh toán hợp đồng mua đường các loại với CTCP Hàng Tiêu Dùng Biên Hòa. Tiếp theo dùng 800 tỷ đồng để thanh toán hợp đồng mua đường các loại với Công ty TNHH MTV Đường Biên Hòa - Ninh Hòa. Còn lại hơn 67 tỷ đồng dùng thanh toán hợp đồng mua phân bón các loại với CTCP Phát triển Nông Nghiệp Thành Thành Công. Thời gian giải ngân dự kiến trong quý 1/2024 hoặc quý 2/2024.
Đáng chú ý, cả 3 đơn vị trên đều là công ty con của SBT. Tính tới ngày 30/09/2023, TTC AgriS có 18 công ty con trực tiếp, 12 công ty con gián tiếp và 4 công ty liên kết, hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực trồng mía, sản xuất và kinh doanh đường, ngoài ra sản xuất điện.
Theo kế hoạch sắp tới, cổ đông SBT thông qua chủ trương cổ phần hóa, niêm yết/ tái niêm yết công ty con, công ty liên kết. HĐQT Công ty cho biết việc này nhằm đẩy mạnh định vị thương hiệu TTC Agris trên phạm vi toàn cầu và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút vốn từ nhà đầu tư trong, ngoài nước.
“Phát súng” đầu tiên là phương án sáp nhập Công ty TNHH MTV Mía đường Thành Thành Công - Biên Hòa đã được ĐHĐCĐ thông qua. Công ty bị sáp nhập có vốn điều lệ hơn 1,116 tỷ đồng, do SBT nắm 100% vốn. Địa chỉ trụ sở đơn vị này trùng với địa chỉ của Tập đoàn Thành Thành Công (TTC Group) tại quận Tân Bình, TPHCM.
Mỗi ngày trả gần 5 tỷ đồng tiền lãi vay, SBT giảm 14% lãi ròng
Về kết quả kinh doanh, quý đầu tiên niên độ 2023-2024 (từ 01/07-30/09/2023), SBT chỉ đạt gần 195 tỷ đồng lãi ròng, giảm 14% so với cùng kỳ và thực hiện được 30% kế hoạch năm. Dù vậy, đây vẫn là mức lãi cao nhất của doanh nghiệp trong vòng 4 quý gần nhất, kể từ quý 2 niên độ 2022-2023.
Đằng sau sự sụt giảm lợi nhuận là ảnh hưởng từ chi phí lãi vay chiếm hơn 444 tỷ đồng, gần gấp đôi cùng kỳ, ước tính trung bình mỗi ngày SBT phải trả gần 5 tỷ đồng tiền lãi. Bên cạnh đó, biên lãi gộp co lại từ mức 13% cùng kỳ còn 11%.
Kết thúc quý 1, SBT đã tiêu thụ hơn 313 ngàn tấn đường, tăng 14% so với cùng kỳ và ghi nhận doanh thu thuần hơn 6,366 tỷ đồng, tăng 20% và đạt 31% kế hoạch năm. Trong đó, doanh thu bán đường đóng góp nhiều nhất với gần 5,700 tỷ đồng (chiếm 93% tỷ trọng) và lãi gộp hơn 663 tỷ đồng, tăng tương ứng 23% và 3%.
Tổng tài sản của Công ty tại ngày 30/09/2023 đạt gần 30,800 tỷ đồng, tăng hơn 800 tỷ đồng so với cuối tháng 6. Mức tăng đến từ các khoản phải thu ngắn hạn hơn 11,000 tỷ đồng (chiếm 36% tỷ trọng), tăng hơn 1,300 tỷ đồng. Ngược lại, hàng tồn kho gần 4,200 tỷ đồng, giảm hơn 300 tỷ đồng. Công ty đang có hơn 2,900 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn và có kỳ hạn, giảm gần 400 tỷ đồng.
Nợ phải trả của SBT gần 20,000 tỷ đồng, tăng gần 600 tỷ đồng so với đầu niên độ, chủ yếu do vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn (chủ yếu là vay ngân hàng) với hơn 11,200 tỷ đồng. Trong đó, chủ nợ lớn nhất là BIDV - CN Gia Định khoảng 1,100 tỷ đồng, Vietinbank - CN 1 hơn 600 tỷ đồng.. Ngoài ra, vay và nợ thuê tài chính dài hạn hơn 600 tỷ đồng, tăng gần 50 tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận