Tìm mã CK, công ty, tin tức


Đọc nhiều
Bình luận nhiều
Sau loạt thương vụ M&A, nhiều công ty chứng khoán chuyển trụ sở về gần chủ sở hữu, đánh dấu bước dịch chuyển rõ nét trên thị trường.
Từ cuối năm 2024 đến đầu năm 2025, nhiều công ty chứng khoán đồng loạt đổi tên và chuyển trụ sở chính từ Hà Nội vào TP.HCM, đánh dấu làn sóng dịch chuyển rõ nét trong ngành.
Gần đây, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VISecurities) thông báo tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2025 vào tháng 3, trong đó có kế hoạch đổi tên, di dời trụ sở và định hướng kinh doanh cho năm tới.
Cụ thể, VISecurities dự kiến đổi thương hiệu thành Chứng khoán OCBS (OCBS) và chuyển trụ sở chính từ tầng 3, số 59 Quang Trung, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, vào tầng 26, tòa nhà The HallMark, số 15 Trần Bạch Đằng, phường Thủ Thiêm, TP. Thủ Đức, TP.HCM.
Đáng chú ý, công ty cũng thay đổi địa điểm chi nhánh, chuyển từ tầng 2, số 194 Nguyễn Công Trứ, quận 1, TP.HCM, ra tầng 8, số 265 Cầu Giấy, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Trước đó, Công ty Chứng khoán Việt Tín cũng có động thái tương tự khi đổi tên thành Chứng khoán VTG (VTGS) và di dời trụ sở từ tầng 1-2, tòa nhà 40 Phan Bội Châu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, vào tầng 1 và lửng tầng 1, Bến Thành Tower, số 172-174 Ký Con, quận 1, TP.HCM.
Đồng thời, VTGS thành lập chi nhánh tại Hà Nội ngay tại vị trí trụ sở cũ, đồng thời đóng cửa văn phòng đại diện tại số 21 Nguyễn Trung Ngạn, quận 1, TP.HCM.
Xu hướng này tiếp tục với Công ty Chứng khoán APG khi vào tháng 12/2024, doanh nghiệp thông qua quyết định chuyển trụ sở từ tầng 5, Grand Building, số 30-32 Hòa Mã, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, vào tòa nhà văn phòng OSC Việt Nam, số 161 Võ Văn Tần, quận 3, TP.HCM.
Bên cạnh đó, APG cũng thông báo đóng cửa chi nhánh TP.HCM và phòng giao dịch tại số 132 Mai Hắc Đế, Hà Nội. Ban lãnh đạo APG cho biết, đây là bước đi nằm trong kế hoạch tái cấu trúc nhằm tập trung hoạt động tại một cơ sở duy nhất ở TP.HCM.
Theo giới phân tích, việc các công ty chứng khoán chuyển trụ sở vào TP.HCM không chỉ giúp tối ưu hóa vị trí địa lý, tiếp cận khách hàng tiềm năng mà còn tận dụng hệ sinh thái tài chính sôi động của thành phố. TP.HCM đang được định hướng trở thành trung tâm tài chính quốc tế, với hệ thống ngân hàng, thị trường vốn và các tổ chức tài chính phát triển mạnh, thu hút dòng vốn đầu tư lớn. Nhiều công ty chứng khoán hàng đầu như SSI, HSC, Vietcap hay Yuanta Việt Nam cũng đặt trụ sở chính tại đây.
Tuy nhiên, làn sóng dịch chuyển này không đơn thuần xuất phát từ lợi thế thị trường, mà còn chịu tác động mạnh từ các thương vụ mua bán – sáp nhập (M&A) và sự thay đổi cơ cấu sở hữu. Khi xuất hiện nhóm cổ đông mới, chiến lược kinh doanh cũng được điều chỉnh, trong đó có việc dịch chuyển trụ sở để phù hợp với định hướng dài hạn.
Không chỉ các công ty chứng khoán, nhiều ngân hàng cũng từng thực hiện động thái tương tự. Chẳng hạn, năm 2019, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) chuyển trụ sở từ số 170 Hai Bà Trưng, quận 1, TP.HCM, ra tầng 1-3 tòa nhà Geleximco, số 36 Hoàng Cầu, quận Đống Đa, Hà Nội. Đây cũng là trụ sở của Geleximco, cổ đông lớn thứ hai của ABBank, sau Malayan Banking Berhad.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng đã thông qua kế hoạch chuyển trụ sở chính từ tầng 8, Vincom Center, số 72 Lê Thánh Tôn, quận 1, TP.HCM, ra số 27-29 Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Sự thay đổi này diễn ra trong bối cảnh Eximbank có sự xáo trộn về cơ cấu cổ đông, với sự xuất hiện của Tập đoàn Gelex và Vietcombank, trong khi Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) rút lui. Hai cổ đông lớn nhất hiện tại của Eximbank đều đặt trụ sở tại Hà Nội.
Theo ban lãnh đạo Eximbank, sau 35 năm hoạt động tại TP.HCM nhưng không mở rộng được tập khách hàng trong suốt 10 năm gần đây, ngân hàng đã đánh giá thị trường miền Nam bước vào giai đoạn bão hòa và quyết định mở rộng sự hiện diện ra miền Bắc.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường