Sau khi bán ròng hơn 1 tỷ USD, khối ngoại sẽ mua lại chứng khoán Việt Nam vào đầu năm 2024?
Tính từ đầu năm tới đây, khối ngoại vẫn bán ròng hơn 25.600 tỷ đồng toàn bộ trên thị trường chứng khoán gồm cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, ETF...
Thị trường chính thức ghi nhận phiên mua ròng đầu tiên của khối ngoại sau nhiều tháng trời bán ra ròng rã. Phiên giao dịch gần nhất, nhóm này mua ròng 114 tỷ đồng. Tuy nhiên tính từ đầu năm tới đây, khối ngoại vẫn bán ròng hơn 25.600 tỷ đồng toàn bộ trên thị trường chứng khoán gồm cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, ETF...
Xoay quanh câu chuyện bán ròng của khối ngoại, phóng viên đã có trao đổi nhanh với các chuyên gia về triển vọng nhóm này trong năm 2024.
Ông Trần Đức Anh, Giám đốc Vĩ mô và Chiến lược thị trường của Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV): Đối với xu hướng bán ròng khối ngoại 2023, có 3 nguyên nhân chính: Thứ nhất áp lực tỷ giá trong nước gia tăng trong sự trái chiều điều hành chính sách tiền tệ. Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành giảm hỗ trợ hồi phục và tăng trưởng kinh tế, Fed liên tục tăng lãi suất, gây áp lực tỷ giá khiến khối ngoại lo ngại vào Việt Nam.
Thứ hai, bản thân kinh tế Việt Nam tăng trưởng thấp trong năm 2023 nếu không tính hai năm ảnh hưởng covid thì mức tăng trưởng của năm 2023 là mức thấp nhất nhiều năm, dẫn đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết sụt giảm mạnh.
Thứ ba, trong khoảng tầm 3-4 tháng cuối năm những kênh đầu tư khác cạnh tranh với chứng khoán Việt Nam như Mỹ, giá vàng, bitcoin, tiền số đều có diễn biến tích cực nên nhà đầu tư có nhiều lựa chọn hơn là đầu tư vào chứng khoán Việt Nam tiêu cực.
Đối với năm 2024, cần phân tích từng yếu tố, tỷ giá, chúng ta kỳ vọng Fed sớm hạ lãi suất sớm nhất 2024 nên áp lực tỷ giá hạ nhiệt, không đáng ngại trong năm sau. Tăng trưởng kinh tế kỳ vọng tăng trưởng trở lại ở mức 6% doanh nghiệp niêm yết sớm hồi phục kết quả kinh doanh. Đối với yếu tố thứ ba gồm Dow Jones, vàng hay bitcoin đều đã trải qua nhịp tăng mạnh, tính hấp dẫn giảm dư địa tăng mạnh không nhiều.
Từ những yếu tố đó kỳ vọng khối ngoại quay trở lại mua ròng trong năm 2024 và sớm nhất thời điểm cuối quý 1 khi Fed hạ lãi suất.
Chuyên gia chứng khoán Nguyễn Hồng Điệp, CEO tại Công Ty Cổ Phần ViCK: Lần đầu tiên trong nhiều năm gần đây, khối ngoại đã bán ròng hơn 1 tỷ đô. Mặc dù vậy trong những khoảng thời gian cuối cùng của năm 2023, khối nội đã cân được gần như toàn bộ lực bán của khối ngoại. Đây cũng là phép thử cho sự mạnh mẽ của dòng tiền trong nước. Việc khối ngoại bán ròng có nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có phần quan trọng của việc một số quỹ đầu tư cơ cấu danh mục.
Có nghĩa là dòng tiền khối ngoại này không rút ra khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam mà rất có khả năng sẽ mua lại trong nửa đầu năm 2024. Việc này cũng sẽ tạo niềm tin để dòng tiền khối nội tiếp tục dẫn dắt cho cơn sóng được dự báo rất lớn vào năm 2024 -2025.
Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm, Khối khách hàng cá nhân, Chứng khoán Yuanta: Ở góc độ đầu tư của các quỹ, khi nhìn vào các thị trường tăng trưởng kém như vậy, họ sẽ e dè đầu tư dù kinh tế đang hồi phục. Trong khi đó, tốc độ lạm phát tại Mỹ và châu Âu đang giảm rất mạnh và kỳ vọng Fed sẽ sớm nới lỏng chính sách tiền tệ khi lạm phát về mức mục tiêu là 2%. Trong thời gian qua, các thị trường như Mỹ và châu Âu có hiệu suất vượt trội hơn hẳn so với các thị trường châu Á. Đó là lý do họ phải dịch chuyển sang các thị trường này để đầu tư, thay vì cứ đầu tư vào những thị trường châu Á không hiệu quả, sẽ ảnh hưởng đến hiệu suất đầu tư của họ.
Lý do thứ hai, liên quan đến câu chuyện đồng USD hạ nhiệt. Nhà đầu tư nước ngoài phải tăng đầu tư vào các tài sản khác thay vì nắm giữ USD và đang bán tháo USD để đầu tư vào các tài sản có rủi ro. Sau thời kỳ suy thoái vừa rồi, những quốc gia có sức khỏe tốt như ở châu Âu và Mỹ, sẽ hồi phục rất mạnh. Đó cũng là lý do nhà đầu tư rút vốn khỏi thị trường châu Á và dịch chuyển sang các thị trường khác.
Ngoài ra, việc khối ngoại bán ròng mạnh còn phụ thuộc vào yếu tố nội tại của từng quốc gia. Thời gian qua, Trung Quốc, Hồng Kông và Việt Nam đang phải đối diện với khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản, cụ thể là trái phiếu của các doanh nghiệp này. Bán ròng là hoạt động cơ cấu danh mục của khối ngoại nên kỳ vọng đầu năm 2024 các nhà đầu tư nước ngoài sẽ sớm mua ròng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận