Sau Campuchia, Thế Giới Di Động sẽ mở cửa hàng ở Indonesia
Indonesia là thị trường tiếp theo mà đại gia bán lẻ này nhắm tới trong khu vực Đông Nam Á, sau gần 5 năm mở rộng hoạt động ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Đây là thị trường tiếp theo mà đại gia bán lẻ này nhắm tới trong khu vực Đông Nam Á. Trước đó, năm 2017, Thế Giới Di Động cũng từng xâm nhập vào thị trường Campuchia với cửa hàng điện thoại BigPhone đầu tiên tại thủ đô Phnom Pênh.
Sử dụng bộ nhận diện thương hiệu tương tự chuỗi bán lẻ tại Việt Nam, Thế Giới Di Động từng kỳ vọng mỗi cửa hàng thuộc chuỗi này có doanh số 2 tỷ đồng một tháng và là bàn đạp để công ty xâm nhập thị trường bán lẻ Đông Nam Á.
Ba năm sau khi đặt chân ra nước ngoài, chuỗi BigPhone được đổi tên thành Bluetronics để kinh doanh điện thoại lẫn điện máy. Tính đến cuối 2021, Thế Giới Di Động có khoảng 50 cửa hàng ở nước ngoài và thu được gần 500 tỷ đồng, tương đương 0,4% tổng doanh thu.
Indonesia xuất hiện trong danh sách những thị trường tiềm năng của Thế Giới Di Động khoảng hai năm trở lại đây khi ông Đoàn Văn Hiểu Em - Thành viên Hội đồng quản trị MWG chia sẻ sẽ xem xét một số thị trường tiềm năng như Philippines, Lào, Indonesia...
Trước đó, công ty này dự tính sau Campuchia sẽ mở rộng hoạt động tại Lào và Myanmar do gần Việt Nam về mặt địa lý và thị trường bán lẻ điện thoại, điện máy chưa phát triển. Tuy nhiên, kế hoạch này bị chững lại bởi dịch bệnh.
Tại một buổi họp nhà đầu tư vào tháng 2 vừa rồi, ông Đoàn Văn Hiểu Em cho biết: "Chúng tôi đang nỗ lực nhiều nhất để năm nay có cửa hàng đầu tiên tại Indonesia".
Mới đậy, MWG vừa thông qua việc phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho cán bộ chủ chốt của Công ty và các công ty con (ESOP) với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.
Nhà bán lẻ này sẽ phát hành tổng cộng hơn 19,2 triệu cổ phiếu, tương đương 2,7% tổng số cổ phần đang lưu hành. Trong đó, gần 1,4 triệu cổ phiếu phát hành cho Ban điều hành và cán bộ quản lý chủ chốt của Công ty và các công ty con dựa vào kết quả kinh doanh năm 2020 đợt 2 và hơn 17,8 triệu cổ phiếu phát hành cho Ban điều hành và cán bộ quản lý chủ chốt của Công ty và các công ty con dựa vào kết quả kinh doanh năm 2021. Với giá chào bán bằng mệnh giá, tổng giá trị phát hành ESOP là hơn 192 tỷ đồng.
Theo quy chế của công ty, cố cổ phiếu ESOP này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 4 năm kể từ ngày hoàn tất đợt phát hành. Cứ sau mỗi năm, 25% trong tổng số cổ phần ưu đãi mà các nhân sự của công ty mua với giá 10.000 đồng có thể được tự do chuyển nhượng. Thời gian thực hiện ngay sau khi được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận, dự kiến trong tháng 3 và tháng 4/2022.
Theo thông báo của MWG, các nhân sự được mua cổ phiếu ưu đãi với giá 10.000 đồng/cổ phiếu gồm cán bộ quản lý chủ chốt, nhân viên mang quốc tịch Việt Nam, có đóng góp cho kết quả kinh doanh năm 2021 của công ty nên sẽ không làm ảnh hưởng đến tỉ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài.
Về kết quả kinh doanh, tính chung cả năm 2021, doanh thu thuần MWG đạt 122.958 tỷ đồng, tương đương hơn 5,3 tỷ USD, tăng 13% so với năm trước. Doanh thu online đạt 14.370 tỷ đồng, tăng 53%. Điên máy Xanh đóng góp nhiều nhất vào cơ cấu doanh thu MWG với 51%, kế đến là chuỗi Thế Giới Di Động với 25,7% và sau đó là Bách hóa Xanh với 22,9%). Lãi sau thuế của MWG gần 4.899 tỷ đồng, tăng 25% so với năm trước.
Bước sang năm 2022, MWG lập kỷ lục mới trong tháng 1/2022 với hơn 16.000 tỷ đồng tổng doanh thu. Trong đó, có 2.300 tỷ đồng doanh thu online do mùa bán hàng cao điểm phục vụ Tết Nguyên Đán 2022 diễn ra trọn trong tháng đầu năm.
Mới đây, MWG đặt mục tiêu năm 2022 doanh thu thuần 140.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 6.350 tỷ đồng. Kế hoạch kinh doanh được MWG đưa ra dựa trên giả định dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp nhưng không dẫn đến sự ngưng trệ do phong tỏa hoặc tác động trầm trọng hơn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh so với 2 năm vừa qua. Nếu đạt được, đây sẽ là con số cao nhất mà doanh nghiệp ghi nhận trong lịch sử hoạt động.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận