Sản xuất châu Á bùng nổ nhờ nhu cầu hàng hóa trên toàn cầu
Công xưởng sản xuất thế giới ở Đông Á đang bùng nổ khi đà hồi phục kinh tế thuc đẩy nhu cầu hàng hóa toàn cầu.
Kim ngạch xuất khẩu tháng 3/2021 của Hàn Quốc tăng mạnh nhất trong 2 năm, trong khi các nhà sản xuất lớn của Nhật Bản tỏ rõ sự lạc quan lần đầu tiên kể từ mùa thu năm 2019, các số liệu ngày 01/04 cho thấy. Sản xuất tại châu Á tăng mạnh sau dịp Tết Nguyên đán, theo các chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI). Điều này phát tín hiệu rõ ràng: Sản xuất hàng hóa vẫn đang hồi phục trên diện rộng.
Dữ liệu còn nhấn mạnh nhu cầu đối với hàng xuất khẩu từ châu Á đang tăng mạnh nhờ các gói kích thích kinh tế ở các quốc gia như Mỹ. Trong khi đó, các nỗ lực tiêm chung vắc-xin Covid-19 ở các quốc gia phát triển đang củng cố khả năng kinh tế toàn cầu hồi phục theo hình chữ V trong năm nay.
“Khi quá trình tiêm chủng được đẩy nhanh ở các nước phát triển, đây đã và đang là cú huých cho châu Á”, Nick Marro, Chuyên viên phân tích thương mại hàng đầu tại Economist Intelligence Unit, cho biết. Trong đó, Đài Loan và Hàn Quốc hưởng lợi nhiều nhất từ nhu cầu chip siêu nhỏ.
“Thế nhưng, điều đó không có nghĩa nước lên thì tất cả thuyền đều lên. Các nhà sản xuất xe hơi đang hứng chịu nỗi đau từ tình trạng thiếu hụt chip và chúng ta đang thấy tình trạng này đang tác động lan sang thiết bị điện tử”, vị chuyên gia này cho biết.
Tháng 3/2021, kim ngạch xuất khẩu Hàn Quốc tăng 16.6% so với cùng kỳ, mức tăng nhanh nhất kể từ năm 2018, dữ liệu cho thấy. Các gói hàng xuất tới Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) tăng mạnh, trong đó giá trị xuất khẩu của một số sản phẩm cán mức kỷ lục, trong khi lượng hàng xuất cho Trung Quốc cũng tăng vọt.
Một báo cáo khác từ IHS Markit cho thấy chỉ số PMI về sản xuất Hàn Quốc ở mức 55.3, không thay đổi so với tháng 2/2021 và là mức cao nhất kể từ năm 2010. Chỉ số PMI trên 50 ám chỉ sự cải thiện so với tháng trước đó, trong khi dưới 50 lại cho thấy sự suy yếu.
Tại Nhật Bản, tâm lý của các ông lớn sản xuất xe hơi, thiết bị điện tử và sản phẩm khác tăng lên mức 5 trong tháng 3/2021, vượt mức 0 lần đầu tiên kể từ tháng 9/2019, cuộc khảo sát Tankan của NHTW Nhật Bản cho thấy. Kết quả tích cực này thể hiện tâm lý lạc quan đang lấn át sự bi quan và dữ liệu còn khả quan hơn dự báo của các chuyên gia kinh tế.
“Điều này có nghĩa Chính phủ nơi đây không cần một gói kích thích diện rộng như ở Mỹ, nhưng chỉ cần hỗ trợ một vài lĩnh vực”, Hideo Kumano, Chuyên gia kinh tế tại Viện Nghiên cứu Dai-Ichi Life, nhận định.
Đơn hàng xuất khẩu tăng mạnh
Chỉ số PMI sản xuất tại Trung Quốc của Caixin – vốn theo dõi các nhà sản xuất nhỏ hơn – giảm xuống mức 50.6, từ mức 50.9 của tháng 2/2021. Trong khi đó, chỉ số về đơn hàng xuất khẩu mới tăng từ 47.6 lên 51.4.
Dữ liệu này được đưa ra sau khi chỉ số PMI chính thức của Trung Quốc lại tăng so với tháng trước. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ và xây dựng cải thiện sau dịp Tết Nguyên đán nhờ nhu cầu cả trong lẫn ngoài nước.
“Cả hai chỉ số PMI đều cho thấy sự hồi phục của đơn hàng xuất khẩu và áp lực lạm phát ngày càng lớn trong tháng 3/2021”, các chuyên viên phân tích tại Goldman Sachs cho biết trong một báo cáo.
Ở những quốc gia châu Á khác, chỉ số PMI sản xuất tháng 3 của Đài Loan (do IHS Markit công bố) tăng lên 60.8, cao nhất trong hơn 10 năm qua. Bên cạnh đó, chỉ số PMI từ Việt Nam và Indonesia vẫn trong phạm vi mở rộng. Malaysia và Thái Lan dù vẫn dưới 50, nhưng đang tiến gần hơn với ngưỡng phân định giữa tăng trưởng và thu hẹp.
“Nhu cầu mạnh trên toàn cầu về thiết bị điện tử - vốn được cho là yếu tố chính thúc đẩy sản lượng công nghiệp - có lẽ sẽ yếu đi trong thời gian tới khi vắc-xin giúp các nước trở lại trạng thái bình thường. Thế nhưng, cú huých này có khả năng vẫn tiếp tục trong vài tháng tới, ít nhất là vậy”, Alex Holmes, Chuyên gia kinh tế châu Á tại Capital Economics, cho hay. “Vì thế, ngành công nghiệp châu Á nhiều khả năng vẫn vững mạnh trong ngắn hạn và đóng vai trò quan trọng để đà hồi phục tiếp diễn”.
Thương mại hồi sinh
Trước đó trong tuần này, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nâng dự báo về tăng trưởng thương mại năm 2021 lên 8%, mạnh nhất kể từ năm 2010. Đà hồi phục đánh dấu sự cải thiện đáng kể so với năm 2020 – thời điểm dịch Covid-19 bóp nghẹt thương mại toàn cầu (giảm 5.3%), WTO cho biết.
Thương mại hàng hóa trên toàn cầu hồi phục tương đối nhanh giữa đại dịch, khi người tiêu dùng ở các quốc gia phát triển tiếp tục chi cho các sản phẩm sản xuất, dù cắt chi tiêu cho dịch vụ (vì hạn chế tương tác và di chuyển). Thương mại thế giới tháng 1/2021 chạm mức cao nhất kể từ năm 2018, theo công cụ giám sát thương mại thế giới CPB.
Bloomberg Economics dự báo kinh tế toàn cầu tăng trưởng 6.9% trong năm nay, đủ nhanh để khôi phục lại phần lớn sản lượng bị mất đi trong đại dịch, dẫn đầu là đà hồi phục của Mỹ và Trung Quốc.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận