Sàn robusta… 'trúng dịch' Covid-19
Phiên 28-2 vừa là ngày giao dịch cuối tuần và cũng là phiên cuối tháng của giá cà phê trên sàn robusta London - nơi các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam thường dùng để tham chiếu. Đây là một phiên giảm giá và nhiều người còn hàng chưa bán kịp.
Chỉ sàn robusta… "trúng dịch”
Đóng cửa phiên 28-2, giá robusta chốt tại 1.283 đô la Mỹ/tấn. Sau một tháng nằm trọn trong mùa dịch, sàn này mất 54 đô la tương đương với -4,04%. Nhưng giá arabica đi hướng ngược lại. Cuối tháng, giá New York chốt ở 111.35 cts/lb và cả tháng 2-2020 có thêm 4.05 cts/lb tương đương với +89 đô la/tấn hay +3,77%.
Cũng giao dịch cà phê nhưng giá robusta rớt. Sao lại như thế? Chủ một doanh nghiệp xuất khẩu cà phê tại TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai nói đùa: “Chỉ có sàn robusta trúng dịch”.
Thực tế, một số nước thường nhập khẩu hàng robusta nhiều từ Việt Nam như Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc và kể cả Trung Quốc… đều đang oằn mình chống dịch Covid-19. Trừ một số khách hàng lớn có hệ thống chế biến rải đều trên thế giới vẫn mua đều và lượng mua theo kế hoạch có sẵn, còn lại là các nhà rang xay cỡ nhỏ và vừa đều giảm mua.
Mặt khác, tin đồn cho rằng phải đến hết tháng 4 này, tức vào hè, thế giới mới có thuốc chữa và chủng ngừa dịch do virus corona gây ra. “Do lo ngại dịch lây lan, lượng người tiêu thụ ở các quán giảm. Các chủ tiệm chỉ cần sử dụng nguyên liệu tồn kho là có thể tạm thời đủ trong giai đoạn vắng khách", quản lý một tập đoàn cà phê Thụy Sỹ có văn phòng đại diện tại TPHCM giải thích.
Hàng năm, nhu cầu mua hàng để sản xuất cho mùa hè thường giảm. Nay gặp dịch bệnh, hoạt động dịch vụ ăn uống tại nhiều thành phố cũng hạn chế nhiều. Sức mua cà phê thực trên toàn cầu giảm là chuyện dễ hiểu.
Đàng khác, trên thị trường tài chính thế giới, nhiều nhà đầu tư đã mua hàng, nay thiên về bán. Tuần qua, cổ phiếu và nhiều hàng hóa thương phẩm như dầu thô đều bị đem ra bán tháo. Sàn vàng từng được chọn làm nơi trú ẩn vốn, cuối tuần qua giá cũng sập chỉ còn 1.574 đô la/oz sau khi đạt đỉnh 1.680 đô la/oz trong tháng.
Do đó, giá cà phê robusta London giảm là điều “không mấy ngạc nhiên”, một nhà phân tích thị trường đưa ra nhận định chung như thế.
Vì sao giá arabica tăng?
Thật ra, sau khi chạm đỉnh 144.45 cts/lb vào giữa tháng 12-2019, giá sàn này có lúc chỉ còn 104.95 cts/lb vào ngày 24-2. Chỉ trong mấy ngày gần đây, giá cà phê arabica mới bật dậy, lấy lại phần nào đó mức giá đã đánh mất từ đầu năm mới.
Giá cổ phiếu toàn cầu rớt. Dịch Covid-19 chưa có thuốc trị mà còn lây lan đến nhiều nước và vùng lãnh thổ tính đến hôm nay 29-2. Mới đây, xuất hiện một số tin đồn có vẻ có lợi cho giá cà phê nói chung, nhưng hiện chỉ sàn arabica được hưởng. Đó là đã có gần 65% trong giới kinh doanh tài chính cho rằng dịch sẽ gây suy thoái kinh tế và họ tin Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ hạ lãi suất cơ bản đồng đô la đâu đó vào tháng 6 tới hoặc có thể sớm hơn.
Mức lãi suất đô la hiện nay là 1,5-1,75% và mức kỳ vọng là 1-1,25%. Fed cũng phải bơm tiền để giúp nền kinh tế Mỹ khỏi một đợt suy thoái tiềm năng. Giảm lãi suất và thị trường dồi dào tiền mặt có thể tạo điều kiện cho giới đầu tư đặt cược nguồn vốn, do đó có thể giúp giá hàng hóa tăng.
Do có sở giao dịch tại Mỹ, sàn arabica New York được hưởng lợi trực tiếp. Các nhà đầu tư đang “cấy” các yếu tố có lợi ấy vào giá cà phê arabica trong mấy ngày qua mà không phải tại sàn London ở tận Anh quốc.
Nguồn cung robusta quá sẵn sàng
Không được ưu tiên về dòng vốn, giá London giảm còn do mùa thu hoạch của hai nước sản xuất lớn đứng thứ hai và ba sau Việt Nam, đó là Brazil và Indonesia, đang cận kề. Dự kiến một lượng hàng lớn từ 2 nước này sẽ thu hoạch vào tháng 4 này trở đi. Đã có nhiều dự báo sản lượng robusta của Indonesia sắp tới chừng 9,5 triệu bao (1 bao 60 kg) và của Brazil trên 18 triệu bao. Tuy nhiên, thị trường đang “làm việc” với con số trên 20 triệu bao của Brazil.
Trong cơn khủng hoảng thị trường xuất khẩu hàng hóa nói chung vì dịch Covid-19, hai nước này đã hạ lãi suất đồng nội tệ của họ. Mặt khác, tuần qua, đồng nội tệ (Brl) của Brazil đã giảm xuống mức thấp kỷ lục lịch sử trong cặp tỷ giá Brl/đô la Mỹ, 1 đô la Mỹ ăn 4,50 Brl.
Đồng nội tệ một nước xuất khẩu giảm thường kéo theo làn sóng bán xuất khẩu tăng mạnh. Cho nên, dù chỉ là câu nói đùa “chỉ có sàn robusta trúng dịch”, xem ra không phải không có lý.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường