Sân bay Phan Thiết nâng tổng mức đầu tư 3.800 tỷ, hoàn thành bàn giao toàn bộ mặt bằng
Dự án sân bay Phan Thiết vừa được điều chỉnh quy hoạch từ cấp 4C lên cấp 4E, phù hợp với tổng mức đầu tư 3.800 tỷ đồng. Mặt khác, tính đến thời điểm hiện tại, dự án đã hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng, sẵn sàng để thi công.
Mục tiêu kết nối Bình Thuận – Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh
Ngày 20/10, sân bay Phan Thiết được điều chỉnh từ cấp 4C lên cấp 4E với tổng mức đầu tư hơn 3.800 tỉ đồng, là sân bay dùng chung dân dụng và quân sự với sân bay quân sự cấp I. Mục tiêu nâng cấp sân bay Phan Thiết nhằm khai thác các chặng bay từ Phan Thiết (Bình Thuận) đến Nội Bài (Hà Nội), Cát Bi (Hải Phòng), Vân Đồn (Quảng Ninh) và ngược lại.
Không chỉ tăng tổng mức đầu tư, tính đến thời điểm hiện tại, toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng của dự án đã được hoàn thành. Cụ thể, Bình Thuận đã hoàn thành việc bồi thường, giải phóng mặt bằng 545,56ha đất để xây dựng sân bay Phan Thiết, gồm mặt bằng sân bay rộng 543ha và đài dẫn đường K2 rộng 2,56ha.
Đại diện Đoàn Công tác Quân chủng Phòng không – Không quân cho biết sẽ triển khai thi công đồng loạt các hạng mục, đảm bảo hoàn thành toàn bộ trong năm 2022. Dự kiến, khi hoàn thành, sân bay Phan Thiết sẽ đón từ 6 – 8 triệu lượt du khách mỗi năm.
Theo đại diện UBND Bình Thuận: “Trong tất cả các giai đoạn của dự án, giải phóng mặt bằng được đánh giá là công tác phức tạp, tốn kém và mất thời gian nhất. Tính đến thời điểm hiện tại, giai đoạn này mất đến 8 năm. Sau khi hoàn thành giai đoạn phức tạp này, dự kiến chỉ mất 1 – 2 năm tới, sân bay Phan Thiết sẽ hoàn thành và đi vào sử dụng”.
Thúc đẩy thị trường bất động sản, vùng trũng La Gi hưởng lợi
Sân bay Phan Thiết tăng mức đầu tư, đẩy nhanh tiến độ được xem như một đòn bẩy khổng lồ cho thị trường bất động sản Bình Thuận. Trong đó, Mũi Né và La Gi được hưởng lợi nhiều nhất. Nếu khu vực Mũi Né – Phan Thiết tới thời điểm này khá ổn định do đã trải qua nhiều đợt tăng giá đất trong quá khứ thì La Gi là khu vực còn non trẻ, có nhiều tiềm năng bứt phá nhất trong tương lai. Đây được xem như vùng trũng của bất động sản Bình Thuận, thậm chí là vùng trũng của bất động sản biển so với nhiều tỉnh thành khác.
Theo TS. Trần Nguyễn Minh Hải – Chuyên gia địa ốc Đại học Ngân Hàng TP. HCM cho biết: “La Gi sở hữu vùng biển tuyệt đẹp. Tuy nhiên, năm 2019, địa phương chỉ đón hơn 1 triệu du khách, trong đó lượng du khách lân cận Bình Thuận chiếm tỷ lệ tuyệt đối. Vùng đất này đang bị các du khách phía Bắc và quốc tế bỏ quên do hạn chế về cơ sở hạ tầng, mất nhiều thời gian để tiếp cận”.
Nhưng khi sân bay Phan Thiết hoàn thành, du khách từ các tỉnh phía Bắc chỉ mất 2 tiếng bay đến sân bay Phan Thiết, sau đó thêm khoảng 1 giờ để tới La Gi theo cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết hay theo tuyến đường biển Mũi Né – La Gi đang được đầu tư.
Ngoài sân bay Phan Thiết, sân bay Long Thành khi đi vào hoạt động cũng sẽ mang hàng triệu du khách quốc tế và phía Bắc về La Gi theo cao tốc Long Thành – Dầu Giây. Thời gian di chuyển tối đa 1,5 giờ nhờ lợi thế La Gi nằm tại trung điểm tuyến cao tốc với 2 đầu mút là sân bay Long Thành và Phan Thiết.
Lực đẩy về hạ tầng đã tạo ra cơn sóng, thu hút hàng loạt tập đoàn bất động sản đổ bộ về La Gi. Nhiều thông tin cho biết, sẽ có khoảng 6 “đại gia” địa ốc nhảy vào thị trường này với nhiều dự án lớn, tổng mức đầu tư hàng tỉ USD.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận