Rầm rộ tăng vốn, SHB sẽ là ngân hàng tiếp theo hoàn thiện 3 trụ cột Basel II?
Liên tiếp tăng vốn điều lệ, Ngân hàng TMCP SHB đang thực hiện bước đi chiến lược trong tạo nền tảng tài chính an toàn, khỏe mạnh bền vững, tăng sức cạnh tranh.
Tăng mạnh vốn điều lệ, SHB sắp hoàn thiện 3 trụ cột Basel II
Mới đây, ngân hàng TMCP SHB vừa thông báo phát hành thành công hơn 500 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên 17.558 tỷ đồng. Như vậy, cùng với việc hoàn thành trụ cột thứ nhất của Basel II trước đó, việc tăng vốn điều lệ hơn 5.000 tỷ đồng là cơ sở để SHB hoàn tất đầy đủ toàn bộ các trụ cột của Basel II, dự kiến trong năm nay.
Như vậy, ngoài 4 ngân hàng hoàn thành 3 trụ cột Basel II trên thị trường (VIB, TPBank, VPBank, MSB), SHB có thể là ngân hàng tiếp theo đạt được kết quả này trong năm 2020.
Quan sát trên thị trường cho thấy, những ngân hàng đạt 3 trụ cột Basel II đều là những ngân hàng có quy mô tương đối gọn gàng. Việc một ngân hàng có quy mô khá cồng kềnh và lại từng tham gia tái cơ cấu hệ thống (SHB sáp nhập Habubank năm 2012) sắp hoàn thành ba trụ cột Basel II là khá bất ngờ.
Ngoài việc tăng vốn điều lệ, SHB cũng lên kế hoạch thoái vốn tại công ty tài chính tiêu dùng SHBFC cho đối tác chiến lược lớn nước ngoài. Việc thoái vốn cũng sẽ đem lại nguồn thặng dư vốn đáng kể giúp “tấm nệm” an toàn vốn của SHB càng được nâng cao. Liên tiếp các động thái tăng vốn cho thấy, SHB đang thực hiện bước đi chiến lược trong việc tạo nền tảng tài chính lành mạnh.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc gia cố “nệm” an toàn vốn trong bối cảnh dịch bệnh là rất quan trọng, giúp các ngân hàng tăng khả năng chịu đựng, khả năng thanh khoản, khả năng hoạt động liên tục… trong bối cảnh dịch bệnh.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia ngân hàng cho rằng, việc áp dụng Thông tư 41 theo chuẩn Basel II chưa bao giờ dễ dàng, trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay lại càng đòi hỏi ngân hàng phải nỗ lực lớn. Tuy nhiên, việc đạt chuẩn Basel II sẽ mang lại nhiều lợi ích cho ngân hàng, không chỉ giúp ngân hàng tăng khả năng chống chịu với dịch bệnh, mà còn giúp hoạt động kinh doanh an toàn, hiệu quả và cạnh tranh hơn trong tương lai.
Thực tế, những ngân hàng đạt chuẩn Basel II thời gian qua đều có sự phát triển rất mạnh mẽ, được NHNN cấp hạn mức tín dụng cao hơn, xếp hạng tín nhiệm thế giới cũng tốt hơn, nhờ vậy có cơ hội tiếp cận nguồn vốn dồi dào và chi phí rẻ hơn…
Ngân hàng coi trọng tầm nhìn dài hạn
Thực tế, việc áp dụng Basel II là rất khó khăn, ngay cả với ngân hàng lớn. Covid 19 xảy ra khiến khó khăn này càng lớn hơn, song cũng khiến các ngân hàng nhận ra, thực hiện chuẩn Basel II không chỉ do áp lực từ cơ quan quản lý mà còn là đòi hỏi nội tại của chính ngân hàng nếu muốn phát triển an toàn, bền vững.
Thực tế, cho đến nay, chưa ngân hàng nào công bố “hoãn” lộ trình áp dụng Basel II. Nhiều ngân hàng cho hay, việc thực hiện 3 trụ cột Basel II không phải là chạy theo phong trào mà chính là tầm nhìn dài hạn của các ngân hàng.
Báo cáo mới đây của Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s về ngân hàng Việt Nam cho rằng, lợi nhuận của các ngân hàng thời gian tới sẽ có sự phân hóa giữa nhóm áp dụng Basel II và nhóm không đạt tiêu chuẩn Basel II. Theo đó, nhóm ngân hàng đạt Basel II, có nền tảng tài chính tốt sẽ được NHNN cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cao, từ đó lợi nhuận sẽ tốt hơn nhóm còn lại.
Đại diện SHB khẳng định: “Với việc tuân thủ đầy đủ 3 trụ cột của Basel II, SHB sẽ tiếp tục phát triển và sử dụng phương pháp nâng cao trong việc tính vốn, đảm bảo tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế, nâng cao tính minh bạch của ngân hàng, dần hướng tới áp dụng Basel III trong tầm nhìn dài hạn về quản trị rủi ro của ngân hàng, là một nền tảng quan trọng để hoạt động kinh doanh của SHB an toàn hơn và hiệu quả hơn… Đây cũng chính là cơ sở giúp SHB khẳng định và nâng cao uy tín với cộng đồng đầu tư trong nước và nước ngoài cũng như các tổ chức đánh giá tín nhiệm”.
Lãnh đạo nhiều ngân hàng cũng chia sẻ, việc đạt 3 trụ cột Basel II giúp ngân hàng thuận lợi hơn trong việc triển khai các mô hình kinh doanh mới, đem lại nhiều tiện ích cho khách hàng, nâng cao vị thế, gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường, tạo niềm tin cho khách hàng và nhà đầu tư, xây dựng danh tiếng và thương hiệu của mỗi ngân hàng…
Theo nhận định của các chuyên gia, việc ngân hàng coi trọng triển khai các trụ cột Basel II là tín hiệu tích cực. Tầm nhìn dài hạn của lãnh đạo các ngân hàng về đáp ứng các chuẩn mực quốc tế trong hoạt động - trước mắt là Basel và tương lai là Basel 3- là cơ cở để Việt Nam có một hệ thống ngân hàng an toàn, khỏe mạnh, bền vững. Đây là điều kiện nền kinh tế vĩ mô ổn định lâu dài. Bên cạnh đó, đáp ứng chuẩn quốc tế cũng là nền tảng để các ngân hàng trụ vững trong thị trường đầy cạnh tranh hiện nay. Chính vì vậy, ngân hàng nào nhanh chân trong thực hiện 3 trụ cột Basel II, ngân hàng đó sẽ lấy được niềm tin của thị trường, của cơ quan quản lý và có nhiều cơ hội thành công hơn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận