menu
Quyết tâm cao của Chính phủ cho mục tiêu lớn
Lý Ngọc Mai
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Quyết tâm cao của Chính phủ cho mục tiêu lớn

Quốc hội đề ra chỉ tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6% cho năm 2021, nhưng với quyết tâm cao, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GDP 6,5%.

Quốc hội đề ra chỉ tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6% cho năm 2021, nhưng với quyết tâm cao, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GDP 6,5%.

Trong Nghị quyết 01 được ban hành trong ngày đầu tiên của năm 2021, Chính phủ nhấn mạnh, cần nỗ lực phấn đấu hoàn thành vượt mức các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu năm 2021, tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch 05 năm 2021-2025.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, những chỉ tiêu Quốc hội giao được xây dựng trên cơ sở đã tính toán, cân đối các nguồn lực gắn với các dự báo cho năm 2021, nhất là tình hình COVID-19 trong nước và thế giới. “Mặc dù để đạt được mục tiêu này là một thách thức lớn, nhưng với quyết tâm chính trị cao, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu trong điều hành GDP 2021 thêm ít nhất 0,5 điểm phần trăm, lên mức 6,5% và đặt quyết tâm cao hơn cho các chỉ tiêu khác”, Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương cuối năm 2020.

Thông điệp này đã nhận được sự quan tâm rộng rãi và nhiều nghiên cứu gần đây đều đề cập đến khả năng Chính phủ đạt được mục tiêu phấn đấu nói trên.

KỊCH BẢN TĂNG TRƯỞNG GDP NĂM 2021 THEO GIÁ SO SÁNH 2010

(Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ)

Đơn vị: %

Quyết tâm cao của Chính phủ cho mục tiêu lớn

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) dự báo 2 kịch bản cho tăng trưởng kinh tế năm 2021. Theo đó, tăng trưởng kinh tế năm 2021 có thể đạt mức 5,98% theo kịch bản 1 và 6,46% trong kịch bản 2. Xuất khẩu cả năm dự báo tăng 4,23% trong kịch bản 1 và tăng 5,06% trong kịch bản 2. Thặng dư thương mại dự báo tương ứng ở các mức 5,49 tỷ USD và 7,24 tỷ USD. Lạm phát bình quân năm 2021 lần lượt là 3,51% và 3,78%.

Theo CIEM, trong năm 2021, cần tiếp tục tập trung vào cải thiện nền tảng kinh tế vi mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế theo hướng thân thiện hơn với sáng tạo và môi trường, gắn với xử lý hiệu quả những rủi ro – đặc biệt gắn với phòng, chống COVID-19 - trong bối cảnh “bình thường mới”. Các nỗ lực này không tách rời, mà là một phần tiên quyết ngay trong kế hoạch phục hồi kinh tế của Việt Nam.

Cũng theo cơ quan nghiên cứu này, diễn biến kinh tế Việt Nam trong năm 2021 có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố như kinh tế thế giới còn bất định, rủi ro; dịch COVID-19 và các biến thể diễn biến phức tạp, khó lường, luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát làn sóng tiếp theo. Việc nhiều nền kinh tế thực hiện các gói hỗ trợ quy mô lớn, trong khi thiếu điều phối ở cấp độ toàn cầu, có thể gây ra những rủi ro không nhỏ đối với thị trường tài chính thế giới và tình trạng nợ toàn cầu.

Cùng lúc, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và chuyển đổi số tiếp tục chuyển biến nhanh, ảnh hưởng đến sự phát triển của cả doanh nghiệp và thị trường trong nước Việt Nam. Ở trong nước, khả năng duy trì các cải cách thực chất đối với môi trường đầu tư – kinh doanh sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, quyết định mở rộng đầu tư của nhiều doanh nghiệp nước ngoài.

Một mặt, nhu cầu tiêu dùng trong nước có thể gia tăng nhanh hơn và doanh nghiệp có thể tập trung hơn đến khai thác thị trường trong nước; mặt khác, dù kỳ vọng nhiều vào tác động tích cực của EVFTA, Việt Nam có thể phải đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại, điều tra chống lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ…

Theo bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM, đại dịch COVID-19 bùng phát vào năm 2020 đúng thời điểm chúng ta đang hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, nên kịp cho chúng ta điều chỉnh những đánh giá, yêu cầu và giải pháp cho giai đoạn chiến lược tới.

Cùng với đó, diễn biến phức tạp và kéo dài của đại dịch COVID-19 buộc chúng ta phải nhìn nhận các yêu cầu cải cách đủ sâu rộng trong thời gian tới, thay vì tư duy “chờ qua dịch rồi mọi thứ sẽ bình thường trở lại”.

Mặt khác, nhiều yêu cầu cải cách mà chúng ta nhìn nhận hậu COVID-19 thực ra không mới; đại dịch COVID-19 ít nhiều còn giúp đẩy nhanh các cải cách này. “Nổi bật và rõ nét nhất là chuyển đổi số, khi những chuyển biến trong năm 2020 được cho là nhiều hơn cả các năm trước cộng lại. Hay như với ý tưởng phát triển mô hình kinh tế ban đêm, Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cuối tháng 7/2020, khi dịch vừa mới bùng phát trở lại ở Đà Nẵng”, bà Minh nói.

Cơ hội tăng trưởng nhanh trở lại

Trong khi đó, theo Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia (NCIF) trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2021, kinh tế Việt Nam có cơ hội tăng trưởng nhanh trở lại.

Các yếu tố giúp cho điều này là nền tảng đã có kết hợp với việc tiếp tục cải cách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn; tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu; tiếp tục thực thi các FTA thế hệ mới và sự thúc đẩy tái cơ cấu về tổ chức và công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi mô hình hướng tới tăng trưởng nhanh, bền vững trong hoạt động của doanh nghiệp.

Sự phục hồi tăng trưởng của các thị trường đối tác lớn cũng có thể hỗ trợ gia tăng xuất khẩu của Việt Nam năm 2021. Mặt khác, Việt Nam đang cho thấy “sức hấp dẫn” đáng kể đối với các nhà đầu tư quốc tế dựa trên khả năng chống chịu của nền kinh tế trong đại dịch, triển vọng phục hồi sau đại dịch và các cơ hội từ các FTA. Việt Nam cũng có khả năng được hưởng lợi từ sự dịch chuyển các chuỗi cung ứng sang những quốc gia có chi phí thấp hơn.

Trong nội tại nền kinh tế, tiêu dùng nội địa và đầu tư công vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng trong phục hồi tăng trưởng kinh tế năm 2021. Tiêu dùng nội địa, đóng góp khoảng 68 đến 70% trong GDP, có khả năng phục hồi nhờ yếu tố tâm lý thị trường và thu nhập được cải thiện. Đầu tư công nhiều khả năng tiếp tục được thúc đẩy bởi các dự án lớn bắt đầu triển khai từ năm 2020, cùng với nỗ lực của Chính phủ, bộ, ngành và địa phương hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả đầu tư, tạo sự lan tỏa đối với các thành phần, lĩnh vực khác trong xã hội. Bên cạnh đó, khu vực tư nhân và FDI có cơ hội phục hồi sản xuất kinh doanh nhờ sự hồi phục cả phía cung, phía cầu…

Nhìn dài hạn hơn, lĩnh vực kinh doanh dựa trên nền tảng số có điều kiện để phát triển nhanh. Các nhóm hàng hóa, dịch vụ được giao dịch qua mạng và các nền tảng số có sự tăng trưởng mạnh trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Riêng dịch vụ tài chính số, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng, Việt Nam hiện có mức tăng trưởng ấn tượng nhất trong khu vực.

Tuy nhiên, ngoài các rủi ro toàn cầu, cú hích từ dịch chuyển chuỗi giá trị và dòng FDI vào Việt Nam có thể không như kỳ vọng. Trong nội tại nền kinh tế, quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế 2021-2025 đối mặt với một số thách thức như “sức khỏe” của doanh nghiệp không dễ dàng hồi phục ngay sau thời gian dài khó khăn. Yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng trở nên cấp bách hơn, kích thích tăng trưởng kinh tế dựa trên gia tăng vốn đầu tư và lao động trình độ thấp không thể kéo dài quá lâu.

Trên cơ sở đánh giá các yếu tố ảnh hưởng, NCIF dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 nhiều khả năng sẽ đạt mức cao trở lại. Theo kịch bản cơ sở, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt khoảng 6,17%, CPI trung bình khoảng 3,8%. Kịch bản này diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới hồi phục, khi đại dịch COVID-19 dần được khống chế. Trong nước, sản xuất dần phục hồi, đầu tư khu vực nhà nước tăng trưởng ở mức 7%. Đóng góp của khu vực FDI dự kiến tiếp tục được duy trì. Chính sách tiền tệ tiếp tục theo hướng linh hoạt, phù hợp, giúp ổn định kinh tế vĩ mô.

Kịch bản khả quan hơn, tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 có thể đạt 6,72%, CPI trung bình khoảng 4,2%. Kịch bản diễn ra trong điều kiện kinh tế thế giới phục hồi nhanh hơn dự kiến. Các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trở lại quỹ đạo bình thường ngay trong năm 2021. Thêm vào đó, tận dụng được những lợi thế từ các hiệp định thương mại, luồng vốn đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước khởi sắc trở lại. Tăng trưởng đầu tư khu vực nhà nước đạt 8%.

Cả giai đoạn 2021-2025, theo kịch bản cơ sở của NCIF, tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 6,3%/năm. Kịch bản khả quan, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình 2021-2025 có thể đạt gần 6,8%/năm.

Cơ hội thu hẹp khoảng cách với các nước

Nhận định Việt Nam đang có cơ hội hiếm có để thu hẹp khoảng cách với các nước trong khu vực, Viện Kinh tế Việt Nam dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam có thể đạt 6,9% theo kịch bản cao nhất.

Theo ông Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, COVID-19 đặt nền kinh tế nước ta dưới nhiều thách thức, nhưng đồng thời cũng tạo cơ hội to lớn trong thúc đẩy nền kinh tế chuyển đổi số. Năm qua, doanh nghiệp phát triển công nghệ học từ xa tăng trưởng mạnh chưa từng có. Các ngành công nghệ số quan trọng khác cũng tăng trưởng từ 18% (truyền thông trực tuyến) đến 46% (thương mại điện tử). COVID-19 cũng đã thúc đẩy nhận thức chuyển đổi số ngành ngân hàng sớm thêm từ 3 đến 5 năm; đồng thời tạo bước nhẩy vọt trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt…

Nhìn sang năm 2021, Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, mặc dù dịch bệnh COVID-19 trên thế giới tiếp tục diễn biến khó lường, nhưng những dấu hiệu tích cực đang dần sáng rõ. Nền kinh tế thế giới sẽ ấm dần lên, theo đó hoạt động đầu tư, thương mại của nền kinh tế Việt Nam cũng tích cực hơn, cơ hội lớn hơn.

Theo mô hình dự báo của Viện Kinh tế Việt Nam, tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam dự báo đạt 5,49% (kịch bản cơ sở), 6,9% (kịch bản cao) và 3,48% (kịch bản thấp). Khả năng đạt được mỗi kịch bản trong thực tế phụ thuộc vào tình hình kinh tế thế giới và sự tăng cường năng lực hấp thụ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu của Viện này lưu ý rằng, dự báo của tổ chức quốc tế và chỉ tiêu tăng trưởng mà Chính phủ Việt Nam đã đề ra sẽ đạt được trong kịch bản cao chỉ khi mà kinh tế thế giới tăng trưởng mạnh, giá dầu ổn định hỗ trợ tăng trưởng và nền kinh tế nội địa cải thiện được khả năng hấp thụ vốn FDI.

Về chính sách, nhóm nghiên cứu khuyến nghị, trong bối cảnh rủi ro, khó đoán định của giai đoạn tới, phải tránh chủ quan cho rằng Việt Nam đang ở nhóm tăng trưởng cao nhất thì có nghĩa là nhiều vấn đề về cơ cấu và chất lượng tăng trưởng đã được giải quyết, trái lại các điểm nghẽn vẫn cần được tập trung tháo gỡ một cách quyết liệt.

Báo cáo cũng lưu ý, cần thay đổi tư duy, biến công nghệ thông tin và chuyển đổi số là cú hích quan trọng và là trụ cột nền tảng để nâng đỡ quá trình phục hồi, tăng cường năng lực chống chịu và cải thiện chất lượng tăng trưởng theo hướng hiệu quả, xanh và bền vững.

“Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng để có thể bứt phá và tăng tốc nhờ khoa học công nghệ và tiệm cận dần với giai đoạn của đổi mới sáng tạo, một số lĩnh vực có thể bước cùng với các nước đã đi trước (công nghệ 5G, chuyển đổi số, công nghệ nano…), đây là cơ hội hiếm có để thu hẹp khoảng cách với các nước trong khu vực”, Viện Kinh tế Việt Nam nhận định và lưu ý, đổi mới tư duy và đổi mới thể chế chính sách theo hướng tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích mạnh mẽ và huy động sự tham gia của khu vực ngoài nhà nước là yếu tố quan trọng bậc nhất để huy động nguồn lực cho khoa học, công nghệ để phát triển.

Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, mức dự báo CIEM đưa ra là khá thận trọng nếu so với con số được các tổ chức quốc tế công bố gần đây. Trong báo cáo "Điểm lại - cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam" công bố tháng 12/2020, Ngân hàng Thế giới (WB) dự kiến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể đạt khoảng 6,8% trong năm 2021 và sẽ ổn định quanh mức 6,5% các năm tiếp theo. Khối Nghiên cứu kinh tế của HSBC trong báo cáo của mình bày tỏ tin tưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 7,6% trong năm 2021 nhờ sự phục hồi của ngành du lịch.

Theo TS Cấn Văn Lực, năm 2021 khả năng phục hồi của kinh tế Việt Nam khá mạnh dù còn tùy thuộc một số điều kiện, đòi hỏi có tâm thế sớm nắm bắt vận hội mới, giai đoạn mới. Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, con người và công nghệ luôn là đột phá chiến lược. Cũng theo vị này, GDP năm 2021 được dự báo có thể tăng trưởng 6,5-7%, tương đương với mức dự báo của các tổ chức quốc tế, CPI bình quân 2021 khoảng 3,5 đến 3,7%.

Trong khi đó, trong báo cáo mới nhất công bố ngày 18/1, WB đã tiếp tục đưa ra những thống kê hết sức khả quan, được xem là tiền đề cho đà tăng trưởng của kinh tế Việt Nam năm 2021.

Theo WB, sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi mạnh mẽ trong tháng 12, trở lại mức tăng trưởng trước đại dịch. Vào tháng 12/2020, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trưởng trở lại sau đợt sụt giảm ngắn trong tháng 11. Chỉ số này đã tăng 11,1% (so với cùng kỳ năm trước), là mức tăng trưởng cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát vào tháng 2/2020.

Ngoài ra, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam tăng từ 49,9 trong tháng 11 lên 51,7 trong tháng 12, báo hiệu sự mở rộng của ngành công nghiệp chế biến. Cùng với đó, doanh số bán lẻ (SA) tăng trưởng ở mức 9,4% (so với cùng kỳ năm trước) vào tháng 12/2020, đây là mức tăng trưởng cao nhất kể từ tháng 2/2020…

Theo Hà Chính/BaoChinhphu.vn
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả