Quy mô các gói hỗ trợ COVID-19 khoảng 10,45 tỉ USD
Nếu tính cả khoản hỗ trợ qua các kênh quỹ bảo hiểm thất nghiệp, miễn, giảm cước viễn thông, điện, nước, học phí, quy mô các gói hỗ trợ năm 2021 khoảng 10,45 tỉ USD, tương đương 2,84% GDP.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết tại hội nghị tham vấn về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế gắn với nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế giai đoạn 2022-2023, do bộ này tổ chức sáng 1-10.
Theo bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, so với nhiều nước trong khu vực như Thái Lan có quy mô gói hỗ trợ dịch bệnh tương đương 11,4% GDP, Malaysia khoảng 5,3% GDP, thì mức hỗ trợ của Việt Nam vẫn ở mức thấp.
Kinh nghiệm quốc tế, khuyến nghị của các chuyên gia, tổ chức quốc tế đều cho rằng Việt Nam cần phải xây dựng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, để không lỡ nhịp khi bước vào trạng thái bình thường mới.
Bộ Kế hoạch và đầu tư đánh giá nền kinh tế Việt Nam đang chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, tốc độ tăng trưởng chậm lại, quý 3 GDP -6,17%, tăng trưởng GDP 9 tháng chỉ đạt 1,42%.
Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa, các chuỗi cung ứng, tiêu dùng bị gián đoạn, đứt gãy; chi phí sản xuất tăng cao; năng lực nội tại, sức chống chịu của nền kinh tế ngày càng giảm sút; nguồn lực của cộng đồng doanh nghiệp ngày càng bị bào mòn; đời sống của người dân, người lao động gặp nhiều khó khăn.
Để hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế, thời gian qua Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, bao gồm cả chính sách tài khóa và tiền tệ như giãn, giảm thuế, phí, lệ phí, khoanh nợ, giãn nợ, gia hạn và giảm lãi suất các khoản vay, chi ngân sách nhà nước với quy mô khoảng 6,7 tỉ USD.
Nếu tính cả các khoản hỗ trợ qua các kênh quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, các khoản miễn, giảm cước viễn thông, điện, nước, học phí, quy mô các gói hỗ trợ năm 2021 là khoảng 10,45 tỉ USD, tương đương 2,84% GDP, bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết thêm.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và chính sách hỗ trợ thời gian qua vẫn chủ yếu nhằm giải quyết khó khăn ngắn hạn về tài chính của doanh nghiệp, người dân, chủ yếu tác động về phía cung của nền kinh tế, trong khi lại thiếu các giải pháp mang tính tổng thể, dài hạn, đồng bộ với nguồn lực đủ lớn để thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế gắn với cải cách cơ cấu, cải thiện năng lực cạnh tranh, sức chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc trong tương lai.
Theo ông Dũng, Việt Nam đã bắt đầu thay đổi cách tiếp cận với dịch bệnh theo hướng "thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19" để thực hiện vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội.
Độ bao phủ vắc xin ngày càng khả quan cũng tạo điều kiện tốt để mở cửa, khôi phục lại các hoạt động kinh tế.
Do đó, Bộ Kế hoạch và đầu tư cho rằng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế là rất cấp thiết để có được những chính sách đúng đắn, tập trung mọi nguồn lực nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả nhất để kiểm soát dịch bệnh, hỗ trợ người dân, người lao động, nền kinh tế vượt qua khó khăn, thử thách, nắm bắt các thời cơ, xu hướng mới để nhanh chóng phục hồi và phát triển trong trạng thái bình thường mới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận