Quy hoạch thành phố ven sông Hồng: Dang dở giấc mơ 2 thập kỷ
Hơn 20 năm qua, Hà Nội vẫn đang thai nghén dự án phát triển đô thị ven sông xứng tầm khu vực, tạo đột phá để đổi thay diện mạo đô thị và làm động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Viết tiếp "giấc mơ" còn dang dở!
Câu chuyện về quy hoạch đô thị sông Hồng một lần nữa nóng trở lại khi UBND TP. Hà Nội khẳng định đang nghiên cứu, xin ý kiến của các cơ quan bộ, ngành, dự kiến cuối năm 2021, đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng sẽ được phê duyệt.
Thực tế, đây vốn là câu chuyện không mới, năm 1994 dự án đô thị ven sông Hồng đã lần đầu tiên được đề cập. Năm 2000, Bộ Chính trị đã có nghị quyết về nghiên cứu quy hoạch khai thác hai bên sông.
Những năm tiếp theo, quy hoạch ven sông đã liên tục được nhắc đến trong các quyết định, chỉ đạo của thủ tướng, các bước chuẩn bị, xây dựng quy hoạch của Hà Nội.
Năm 2008, sau khi Hà Nội được mở rộng, quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011 cũng đã xác định khu vực hai bên sông Hồng là trục không gian cảnh quan trung tâm của Thủ đô, nơi bố trí các công viên, công trình văn hóa, giải trí lớn để tổ chức những sự kiện có ý nghĩa lớn của Hà Nội.
Theo đó, đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng bao phủ diện tích khoảng 11.000ha với quy mô dân số từ 280.000 đến 320.000 người, kéo dài khoảng 40km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở. Quy hoạch này thuộc địa bàn của 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện gồm: Đan Phượng, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín, Mê Linh, Đông Anh, Long Biên và Gia Lâm.
Nói về tầm quan trọng của quy hoạch ven sông Hồng, KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, không gian dọc hai bên bờ sông Hồng rất đẹp, thuận lợi để phát triển kinh tế, nhất là phát triển khu đô thị, dân cư.
Hai bên bờ sông Hồng chạy qua địa bàn Hà Nội có địa hình bằng phẳng, những dải đất rộng nối tiếp nhau. Điều này rất thuận lợi để quy hoạch xây dựng một thành phố đa năng. Khi đó, khu vực phía gần sông Hồng sẽ xây dựng những con đường, những quảng trường và nhà cửa, phố xá sẽ hướng ra sông. Khác với hiện nay, đa số nhà cửa, phố xá đều quay lưng ra sông, tạo cảnh tượng nhếch nhác.
Trước đây, đồ án quy hoạch của người Hàn Quốc cho Hà Nội được đánh giá rất cao. Tuy nhiên, từ năm 2008, khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội thì quy hoạch trên không còn phù hợp. Nhưng điều đáng mừng là khi Hà Nội mở rộng, đồng nghĩa với việc diện tích ven sông Hồng được mở rộng gấp thêm nhiều lần, tạo thêm không gian, rất tốt để Hà Nội thực hiện quy hoạch đô thị được tốt hơn, đẹp hơn, ý tưởng phong phú hơn. Với diện tích đó, Hà Nội có đầy đủ điều kiện để xây dựng một thành phố đa chức năng trong nhiều thập niên tới, ông Chính nhận định.
Tại diễn đàn bất động sản trực tuyến “Hấp lực mới từ chuỗi đô thị ven sông Hồng", ông Chính cho rằng, việc sớm thông qua đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng là rất thiết, đem lại nhiều lợi ích khi đưa sông Hồng trở thành trục không gian đô thị xanh của Hà Nội mở rộng.
Thành phố Hà Nội rất cần phê duyệt quy hoạch càng sớm càng tốt để đón nhận đầu tư. Chắc chắn sau khi có quy hoạch tốt, đồng bộ, diện mạo đô thị hai bên bờ sông Hồng sẽ thu hút rất mạnh các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Đồng quan điểm, KTS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cũng cho rằng, đồ án quy hoạch phân khu sông Hồng kỳ vọng sẽ xây dựng được một Thủ đô an toàn với lũ lụt, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Sông Hồng sẽ trở thành trục không gian cây xanh, mặt nước, văn hóa, lịch sử là trục trung tâm của Thủ đô với các khu dân cư ổn định có cuộc sống với chất lượng cao đồng bộ kết cấu hạ tầng với nhà ở, công trình công cộng bền vững.
Bên cạnh đó, đồ án quy hoạch lần này cũng hướng đến những mục tiêu lớn khác như phát triển các công trình công cộng hiện đại, tầm vóc quốc tế và phát huy giá trị các công trình di sản hai bên sông, phát triển hệ thống giao thông đường bộ ven sông kết nối với các tuyến đường vành đai 2, 3 của đô thị trung tâm; đường dẫn giao thông thủy, bến cảng nhằm giảm áp lực giao thông cho nội đô, tạo động lực phát triển khu vực.
Đô thị ven sông Hồng được kỳ vọng sẽ tạo nên các đột phá về phát triển kinh tế, xã hội, hạ tầng cho thành phố, thậm chí cả khu vực. Diện mạo của những khu vực đô thị ven Sông Hồng sẽ có nhiều thay đổi, thời gian tới.
Cần sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành
Có thể thấy, việc sớm thông qua đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng là rất thiết, đem lại nhiều lợi ích khi đưa sông Hồng trở thành trục không gian đô thị xanh của Hà Nội mở rộng. Tuy nhiên, cho đến nay, giấc mơ thành phố bên sông của Hà Nội vẫn chưa thể thực hiện vì vẫn còn tồn tại quá nhiều vướng mắc.
Được biết, hiện đồ án quy hoạch phân khu sông Hồng (năm 2017) chưa được phê duyệt bởi theo quy định của pháp luật về quy hoạch cần có quy hoạch vùng và quy hoạch phòng chống lũ cho sông Hồng, quy hoạch tuyến đê có sông trên địa bàn Hà Nội. Hiện, quy hoạch này vẫn "mắc" tại Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Theo ông Đỗ Việt Chiến, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam: "Nói thành phố ven sông là một "giấc mơ" của người dân Thủ đô quả là không sai khi đã nhiều lần Hà Nội bàn tới quy hoạch sông Hồng. Hầu như lần nào thành phố lập hay điều chỉnh quy hoạch chung cũng đều bàn tới trục hành lang sông này, song làm sao để hiện thực thì vẫn luôn là câu hỏi chưa có lời giải đáp”.
Trước đây, đã có rất nhiều đề xuất quy hoạch nhưng đều không được phê duyệt chủ yếu do chưa giải được bài toán về hành lang thoát lũ, vấn đề về dòng chảy cũng như dự báo về kịch bản biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, ông Chiến cho biết, nghiên cứu quy hoạch khi đó cũng “ngại” về số dân cư ngoài bãi là rất lớn, khoảng hơn 20 vạn dân. Đây là con số lớn, do đó quy hoạch sẽ tác động tới vấn đề an sinh. Do đó, thành phố đã rất cẩn trọng, lấy ý kiến người dân 2 lần, tiếp thu ý kiến và chỉnh sửa. Đến nay, cơ bản người dân đều đồng tình với quy hoạch.
Đồng quan điểm, ông Nghiêm cũng chỉ ra rằng, một số thách thức lớn có thể kể đến khi phát triển thành phố ven sông như việc tiềm ẩn nguy cơ lũ lụt, mực nước cạn kiệt ảnh hưởng đến nguồn nước tưới phục vụ nông nghiệp cho cả vùng. Môi trường trên dòng sông, bãi sông ngày càng suy giảm, hiện tượng khai thác cát, đổ phế thải gây ô nhiễm môi trường, giao thông thủy chưa phát huy khả năng.
Bên cạnh đó, các khu dân cư hiện có chưa đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Hiện thành phố chưa kiểm soát được biến động dân số và chưa xác định rõ các khu dân cư ổn định, khu cần di dời để đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng sống.
Theo ông Nghiêm, để quy hoạch hai bên sông Hồng thành hiện thực, cần có sự vào cuộc quyết liệt từ các cơ quan bộ ngành nhằm tháo gỡ những khó khăn cho phát triển.
Ông Chính cũng cho rằng, để thực hiện quy hoạch hai bên sông Hồng cần có cơ chế đặc thù, đặc biệt để thực hiện.
Đồng tình với quan điểm phát triển đô thị ven sông cần có giải pháp ứng phó lũ của dòng sông, theo vị chuyên gia này, ông Hồng được bắt nguồn từ Trung Quốc và được tạo thành từ hợp lưu của nhiều con sông trước khi chảy qua Hà Nội, do đó khi triển khai cần lưu ý các giải pháp chống lũ ảnh hưởng đến khu dân cư sau này.
Quy hoạch lần này đưa sông Hồng thành trục cảnh quan quan trọng nhất của Thủ đô. Giải phóng mặt bằng, thực hiện làm 2 tuyến đường mỗi tuyến 6 làn xe dọc hai bờ sông Hồng. Hai tuyến đường ven sông này nên kiêm luôn chức năng đê chính, tạo không gian thoát lũ, khoảng cách giữa 2 đê cần phải tính toán để đảm bảo lũ cao nhất không vượt qua.
Trước đó, tháng 2/2016, Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch phòng chống lũ và bảo vệ đê điều của hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện quy hoạch lần này. Đặc biệt sẽ không có các công trình nhà cao tầng, mà đây là trục cảnh quan, cây xanh, mặt nước, phù hợp với yêu cầu phát triển của Thủ đô.
Tuy nhiên, theo ý kiến mới nhất của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, bộ này đã bác phương án đề xuất xây dựng 2 tuyến đường ven sông được kết hợp chức năng là đê ngăn lũ với cao trình mặt đường +12,0 (trên mức lũ báo động 3).
Mặt khác, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng đề nghị Hà Nội chỉ đạo triển khai sớm lập phương án phòng chống lũ các tuyến sông có đê, nghiên cứu bổ sung quy hoạch phân khu về đầu tư nâng cấp củng cố hệ thống đê điều thuộc phạm vi quy hoạch, nghiên cứu quy hoạch hệ thống kè, chỉnh trị dòng chảy kết hợp chỉnh trang bờ bãi sông; xây dựng, lắp đặt trang thiết bị, phần mềm quản lý giám sát hệ thống đê điều.
Đồng thời, bộ này đề nghị không quy hoạch đất xây dựng tại các khu vực bãi sông không thuộc hoặc có vị trí không phù hợp với danh mục bãi sông được phép xây dựng.
Trước những ý kiến này, hiện UBND TP. Hà Nội đang chỉ đạo Sở Quy hoạch kiến trúc chủ trì, phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn nghiên cứu, tiếp thu ý kiến, hoàn chỉnh hồ sơ đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận