Quy hoạch 3 huyện Hà Nội lên thành phố: Kỳ vọng thành phố xanh, thông minh và hiện đại
Ngoài việc tạo ra thương hiệu và sức hút kinh tế, khi 3 huyện Hà Nội lên thành phố đang được nhiều chuyên gia kỳ vọng sẽ hướng tới một thành phố xanh, thông minh và hiện đại.
Mô hình "thành phố trực thuộc trung ương" là sự kiện được quan tâm khi Thủ Đức trở thành thành phố trực thuộc TP.HCM. Mô hình này tiếp tục được nhân rộng, khi Hải Phòng đã đề xuất xây dựng huyện Thủy Nguyên thành thành phố trực thuộc thành phố Hải Phòng. Và mới đây, Hà Nội cũng mong muốn có thành phố trong thành phố.
Đề xuất chủ trương và xây dựng quy hoạch 3 huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh lên thành phố đang nhận được nhiều ý kiến. Trong đó, nhiều chuyên gia kinh tế kỳ vọng Hà Nội sẽ xây dựng một quy hoạch tổng thể để phát triển 3 huyện trên thành các thành phố: Xanh, thông minh và hiện đại.
KỲ VỌNG MỘT THÀNH PHỐ XANH, THÔNG MINH VÀ HIỆN ĐẠI
Trao đổi với PV Dân Việt, chuyên gia kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá, việc quy hoạch vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn thành đô thị, thành phố phù hợp với định hướng mở rộng đô thị tại phía Bắc và Đông Bắc Sông Hồng, nhằm phát triển cân đối với khu vực trung tâm Thủ đô.
"Việc đưa 3 huyện lên thành phố vệ tinh phù hợp với điều kiện và tình hình của Hà Nội, bởi địa hình tương đối bằng phẳng, đất nền đảm bảo, phù hợp cho việc xây dựng các khu đô thị. Bên cạnh đó, 3 đơn vị hành chính gần với trung tâm Hà Nội nên rất dễ dàng trong việc kết nối, giao thương…", ông Thịnh nói.
Cũng theo ông Thịnh, điều kiện kết nối cơ sở hạ tầng với khu vực trung tâm đơn giản hơn so với các vùng khác. Đồng thời, với nguồn lực đầu tư của nhà nước, của doanh nghiệp, của người dân mạnh mẽ, khả năng mở rộng, hình thành đô thị rất nhanh.
"Nếu quy hoạch đảm bảo các yêu cầu thì các huyện này nhanh chóng trở thành khu đô thị mới hiện đại. Từ đó hình mẫu tiếp tục mở rộng đô thị hóa ở một số vùng ở phía Tây Hà Nội hay Tây Nam Hà Nội", ông Thịnh nhấn mạnh.
Cầu Nhật Tân bắc qua sông Hồng, kết nối trung tâm với các huyện phía Bắc Thủ đô. Ảnh: Trần Kháng
Phân tích sâu hơn, ông Thịnh cũng cho rằng, khi phát triển khu vực 3 huyện này lên thành phố, rõ ràng nó góp phần mở rộng địa giới đô thị của TP Hà Nội. Qua đó, đáp ứng nhu cầu về đất ở, nhà ở theo quy hoạch hiện đại của một thủ đô hiện đại trong tương lai.
Khi 3 huyện này lên thành phố, sẽ tạo ra những mặt lợi về việc hưởng ngân sách, thuế, thương hiệu, điểm thu hút tiềm năng cho các đơn vị này. Còn nếu chỉ lên quận thì đương nhiên sẽ không có một thương hiệu, một sự thu hút.
Ngoài ra, với sự phát triển đô thị, hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông cũng được phát triển một cách mẽ, tạo ra được sự lan toả, kết nối với các khu vực xung quanh như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang… Tạo nên trục kết nối kinh tế, phù hợp với mong muốn xây dựng thủ đô hiện đại văn minh trong tương lai.
"Chúng ta mong muốn những quy hoạch này sẽ "ra tấm, ra món", có được một quy hoạch ổn định lâu dài. Có những khu trung tâm mới, đáp ứng được yêu cầu hiện đại của thời đại mới", ông Thịnh nói.
Tương tự như định hướng TP.Thủ Đức sẽ là trung tâm kinh tế tri thức, tài chính của TP.HCM và cả nước, thì chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cũng kỳ vọng, 3 huyện của Hà Nội đang được đề xuất quy hoạch lên thành phố hướng tới những đô thị xanh, thông minh, hiện đại. Bởi, đối với điều kiện xanh thì đảm bảo có cái diện tích lớn kể cả cây xanh, thuận lợi môi trường để thực hiện mang tính thông minh, có diện tích xây dựng phù hợp đáp ứng cuộc sống hiện đại.
TẠO RA LỰC HÚT ĐÔ THỊ HIỆN ĐẠI
Cũng bày tỏ sự đồng tình với đề xuất quy hoạch 3 huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn lên thành phố, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch CLB bất động sản Hà Nội chia sẻ, bản chất phía Đông và phía Bắc Hà Nội đang có kết cấu hạ tầng khung tương đối tốt, thuận lợi phát triển đô thị. Quy hoạch phải đi trước, sau đó mới kêu gọi được đầu tư, đây là chiến lược đúng đắn.
"Rõ ràng khi có cơ sở hạ tầng tương đối tốt nhưng lại được nâng lên thành phố thì vùng đó sẽ vươn lên cấp độ mới, đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị hiện đại", ông Điệp nói.
Phân tích sâu hơn về vị trí của 3 huyện được đề xuất quy hoạch lên quận, chuyên gia kinh tế Nguyễn Thế Điệp nhìn nhận, vùng 3 huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh đều có đặc thù, nổi trội. Cụ thể, vùng này đang có kết cấu hạ tầng khung tốt, nhiều khu đô thị mới, trung tâm vui chơi tầm cỡ đang được đầu tư – đây là thế mạnh. Đặc biệt vùng này, có diện tích rộng, khí hậu tốt và ưu thế có Sân bay Nội Bài…
"Tôi cho rằng, trong những năm tới và những năm tiếp, tốc độ đô thị hóa vẫn ở mức cao. Trước đây, tỷ lệ nông thôn – đô thị tương ứng 30 – 70%, thì nay đang có xu hướng ngược lại, đô thị chiếm 70%. Đặc biệt, sau khi mở rộng diện tích mới đủ sức tạo điều kiện thực hiện đủ cấu trúc của một thành phố mang tính đặc biệt", ông Điệp nói
Ngoài ra, theo ông Điệp, việc 3 huyện phía Bắc lên thành phố cũng chính là cơ hội để Hà Nội nâng cao vị thế, thu hút nhà đầu tư, chuyên gia tới lưu trú. Bởi xung quanh Thủ đô, nhiều tỉnh như: Bắc Giang, bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nam đang đẩy mạnh công nghiệp hoá. Điều này sẽ tạo ra nhu cầu lưu trú rất lớn của một lực lượng nước ngoài tới nghiên cứu và cư trú.
"Đây cũng là yếu tố rất tốt nếu các thành phố được hình thành, thu hút nguồn lực, người ở và làm việc. Xu thế đô thị phía Bắc cũng đang hình thành thành phố thông minh, đô thị thông minh xanh, đô thị tiện ích hiện đại càng trở nên hấp dẫn hơn", ông Điệp nói.
Bên cạnh những kỳ vọng rất lớn của chuyên gia, đề xuất chủ trương và xây dựng quy hoạch vùng huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh lên thành phố cũng đang tạo ra tin tưởng và mong đợi của chính người dân vùng này. Chia sẻ với PV Dân Việt, anh Nguyễn Mạnh Hùng, xã Tiền Phong, huyện Mê Linh vui mừng: "Rõ ràng, khi vùng này được lên thành phố, hạ tầng kinh tế - xã hội cũng phải đáp ứng. Bên cạnh việc sẽ có hạ tầng giao thông, trường học, y tế… hiện đại hơn, giá trị đất đai, nhà cửa cũng tăng theo. Điều đó sẽ khiến đời sống người dân cũng được nâng cao".
Không chỉ người dân, nhiều doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn các huyện này cũng kỳ vọng, việc thành lập thành phố trực thuộc thành phố Trung ương sẽ tạo ra cơ hội kinh tế mới, hay những cơ chế đặc thù, giảm tải thủ tục hành chính… đặc biệt là có chính sách ưu đãi, khuyến khích nhà đầu tư tham gia vào việc xây dựng, hoạt động kinh doanh trên địa bàn thành phố.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.Hà Nội lần thứ XVII xác định: Đến năm 2025, xây dựng, phát triển Hà Nội giàu đẹp, văn minh, hiện đại, tiêu biểu cho cả nước, xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị hành chính quốc gia; trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế; động lực phát triển kinh tế xã hội của vùng và cả nước. Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị thông minh, thành phố đổi mới sáng tạo.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận