24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Vương Tiến Thành
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Quỹ bình ổn xăng dầu có đang gây bất ổn?

PGS.TS Phạm Thế Anh cho rằng, Quỹ bình ổn xăng dầu chưa thực hiện tốt chức năng bình ổn giá, nhất là khi sử dụng quỹ có xu hướng cao hơn trong 3 năm gần đây

Chưa thực hiện tốt chức năng bình ổn giá

Thảo luận tại Hội thảo Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu sáng 14/2 do VCCI tổ chức, PGS.TS Phạm Thế Anh - Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, việc điều hành Quỹ bình ổn xăng dầu thời gian qua đã không đạt được mục tiêu như tên gọi của nó.

Tức là sự biến động giá của xăng dầu sau khi sử dụng quỹ không có sự khác biệt lớn khi so sánh với trường hợp không sử dụng quỹ.

Lý giải cho sự khác biệt giữa kỳ vọng của nhà làm chính sách và thực tiễn này, ông Thế Anh cho rằng nguyên nhân là nhà điều hành không thể tiên đoán được giá xăng dầu trong tương lai. Nếu muốn giảm được biên độ biến động giá, nhà điều hành cần dự đoán được giá xăng dầu thế giới.

Theo ông Phạm Thế Anh, Quỹ bình ổn xăng dầu là một “sáng tạo” của Việt Nam. Quỹ này hoạt động theo nguyên tắc trích lập trước, chi sau qua giá nên không giúp hạ thấp chi phí xăng dầu.

Cùng với đó, Quỹ bình ổn xăng dầu có xu hướng trích lập khi giá thế giới kỳ trước giảm và ngược lại. Ngoài ra, việc trích lập khi giá thế giới tăng cũng khá phổ biến. Vì vậy, nguyên tắc này không đảm bảo "bình ổn" và Quỹ bình ổn xăng dầu chưa thực hiện tốt chức năng bình ổn giá.

Quỹ bình ổn xăng dầu có đang gây bất ổn?
PGS.TS Phạm Thế Anh - Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân.

Theo tính toán của ông Phạm Thế Anh, có thời điểm, cơ quan điều hành ngược khi trích lập vào quỹ khi giá xăng dầu thế giới tăng. Tiêu biểu như năm 2022, giá xăng gần 30.000 đồng/lít nhưng người dân vẫn phải đóng vào quỹ khiến giá xăng tiếp tục tăng. Hiện nay, giá xăng hơn 22.000 đồng/lít nhưng vẫn xả quỹ để bù vào giá xăng dầu.

Vị chuyên gia cũng chỉ ra một bất cập nữa của Quỹ bình ổn giá xăng dầu là có tái phân phối thu nhập theo hướng làm gia tăng bất bình đẳng. Cụ thể, xăng E5 RON92 có số lần được chi quỹ nhiều hơn hẳn số lần phải trích lập. Các loại dầu phải trích lập nhiều hơn chi. Điều này khiến người sử dụng dầu đang phải “trợ giá’’ cho những người dùng xăng.

“Việc trích quỹ của dầu ít lần hơn so với xăng nhằm khuyến khích sử dụng xăng E5 chưa hợp lý. Nếu muốn khuyến khích người dân sử dụng xăng E5, cơ quan chức năng cần hạ thuế, tăng thuế bảo vệ môi trường chứ không phải dùng quỹ để điều tiết giá. Tôi khuyến nghị, Nhà nước cần tái cấu trúc lại thị trường”, ông Thế Anh khuyến nghị.

Quỹ bình ổn xăng dầu cũng chưa có quy tắc điều tiết minh bạch. Việc xác định loại xăng, dầu nào phải trích lập hoặc được chi khá “tùy hứng”. Quy mô trích lập, chi cũng không tuân theo quy tắc nào. Quỹ bình ổn chưa thực hiện tốt chức năng bình ổn giá, thể hiện qua mức độ biến động (đo bằng độ lệch chuẩn) của giá xăng dầu (từng ngày) sau khi sử dụng quỹ có xu hướng cao hơn trong 3 năm gần đây (2020-2022).

Ông Thế Anh khuyến nghị, quỹ chỉ nên hoạt động trong những tình huống đặc biệt khi Nhà nước muốn trợ giá cho doanh nghiệp và người tiêu dùng, sử dụng nguồn thu vượt dự toán từ các khoản thu liên quan đến xăng dầu. Rút ngắn thời gian điều hành giá và tái cấu trúc thị trường xăng dầu theo hướng cạnh tranh hơn.

3 phương án về Quỹ bình ổn giá xăng dầu

Hiện dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu đưa ra 3 phương án về Quỹ bình ổn xăng dầu.

Phương án 1 là giữ nguyên quy định về quản lý hiện hành. Ưu điểm của phương án này là Nhà nước duy trì được một công cụ điều hành giá khá linh hoạt, không phát sinh chi ngân sách và bộ máy vận hành, bảo đảm can thiệp bình ổn giá xăng dầu một cách hiệu quả, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên, nhược điểm là do quỹ bình ổn giá được hình thành dựa trên mức ứng trước trong giá xăng dầu khi giá thấp để bù vào giá khi giá xăng dầu tăng cao nên khi giá thế giới giảm, giá xăng dầu trong nước cũng được điều chỉnh giảm nhưng mức giảm không tương ứng (một phần giảm đã được trích vào quỹ bình ổn giá) dẫn đến những thắc mắc từ phía người tiêu dùng.

Trường hợp số dư quỹ bình ổn âm, doanh nghiệp phải vay vốn để bù đắp, ngân hàng thương mại không có cơ chế tín dụng riêng hỗ trợ doanh nghiệp, gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Quỹ bình ổn xăng dầu có đang gây bất ổn?
Hiện dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu đưa ra 3 phương án về Quỹ bình ổn xăng dầu (Ảnh: Hữu Thắng).
Phương án 2 là sửa đổi quỹ bình ổn theo hướng quy định nguyên tắc sử dụng công cụ quỹ bình ổn giá. Theo đó, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chỉ can thiệp điều hành giá thông qua việc điều chỉnh mức trích lập, chi quỹ bình ổn giá khi giá xăng dầu công bố kỳ này so với kỳ công bố giá liền trước có biến động tăng từ 10% trở lên hoặc giảm từ 7% trở lên.

Phương án này để vừa bảo đảm Nhà nước có thể điều hành khi cần thiết nhưng giảm dần sự can thiệp của Nhà nước vào giá xăng dầu.

Nhược điểm là các doanh nghiệp tiếp tục phải thực hiện việc trích lập và chi sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu theo chỉ đạo điều hành của Nhà nước; giá xăng dầu tiếp tục có sự can thiệp của Nhà nước nên sẽ có những ý kiến thắc mắc, thậm chí không đồng thuận nhất định khi Nhà nước thực hiện việc điều hành giá chưa phù hợp với lợi ích của một số doanh nghiệp hoặc người tiêu dùng.

Phương án 3 là bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu. Nhà nước chỉ quy định công thức tính giá chung, công bố một số khoản trong cơ cấu giá định hướng (gồm giá thế giới, các loại thuế, phí thu vào ngân sách Nhà nước); doanh nghiệp tự xác định chi phí thực tế của doanh nghiệp cùng với các yếu tố do Nhà nước công bố để tính giá bán xăng dầu của đơn vị mình ra thị trường.

Doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về tính chính xác của các mức chi phí phát sinh trước pháp luật (Nhà nước thực hiện hậu kiểm để giám sát việc xác định các mức chi phí nêu trên).

Ưu điểm của phương án này là tạo sự linh hoạt hoàn toàn cho doanh nghiệp, giá bán xăng dầu phù hợp với các chi phí phát sinh của từng doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp bảo đảm duy trì hoạt động kinh doanh và cung cấp xăng dầu ổn định hơn cho thị trường; tăng mức độ cạnh tranh cho các doanh nghiệp.

Nhược điểm là Nhà nước không có công cụ để can thiệp và điều tiết để điều hành kinh tế vĩ mô chung (do xăng dầu là đầu vào quan trọng của đời sống kinh tế xã hội), đặc biệt khi giá xăng dầu tăng cao hoặc vào những giai đoạn nhạy cảm như lễ, Tết, thị trường có nhiều biến động và làm giá của các mặt hàng khác nhau tăng theo (do tại Việt Nam có hiện tượng “lạm phát kỳ vọng”, “lạm phát tâm lý”) và khi giá xăng dầu giảm thì giá các mặt hàng khác lại không giảm theo tương ứng.

Tại một số địa bàn có mức độ cạnh tranh thấp, không khuyến khích các doanh nghiệp tiết giảm chi phí để giảm giá bán cho người tiêu dùng hoặc doanh các doanh nghiệp có thể câu kết với nhau để cùng tăng giá bán, ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả