Quảng Ninh từ ‘nâu’ sang ‘xanh’: Nhiều đổi thay trên vùng đất mỏ
Bí thư tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh tại địa phương luôn luôn có một khẩu hiệu là lắng nghe, thấu hiểu và sẵn sàng điều chỉnh bởi vì mục tiêu cuối cùng là vì người dân.
Sau những ngày "oằn mình" chống COVID-19, không khí tại Quảng Ninh giờ đã nhộn nhịp trở lại với hàng chục đoàn khách tới tham quan, nghỉ dưỡng.
Vào ngày cuối tuần nhưng lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh vẫn bận rộn với hội nghị trực tuyến triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tới 13 huyện, thị xã, thành phố và 177 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh.
Sau khi hội nghị kết thúc, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nguyễn Tường Văn đã chia sẻ về sự phát triển kinh tế của tỉnh và cách phòng chống dịch hiệu quả của tỉnh nhà.
"Sẽ đạt mục tiêu thu ngân sách 53.000 tỷ đồng"
Nhiều năm qua, Quảng Ninh luôn thuộc tốp đầu về phát triển kinh tế-xã hội, nhờ khai thác hiệu quả những tiềm năng, lợi thế nổi trội bằng 3 đột phá chiến lược về hạ tầng giao thông, nguồn nhân lực và cải cách hành chính.
Tốc độ tăng trưởng GDP của tỉnh Quảng Ninh luôn đạt trên 10%/năm. Chủ tịch Nguyễn Tường Văn cho biết ngay năm 2020 đầy khó khăn, GDP của tỉnh vẫn tăng 10,05% thuộc nhóm cao nhất cả nước, thu nhập bình quân đầu người đã vượt 6.700USD - gấp đôi mức trung bình cả nước.
Trong đó, quy mô nền kinh tế tăng nhanh, đạt khoảng 220.000 tỷ đồng, tăng gấp 1,86 lần so với năm 2015. Tỉnh triển khai các giải pháp phục hồi, cơ cấu lại ngành du lịch, tập trung vào thị trường khách nội địa, đẩy mạnh phát triển liên kết vùng trong phát triển du lịch. Tổng số khách du lịch năm 2020 đạt hơn 8,8 triệu lượt, giữ được an toàn tại các điểm đến.
Bên cạnh đó, ngành than vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, chiếm tỷ trọng 17,7% trong GRDP, đóng góp 39% tổng thu ngân sách nội địa của tỉnh. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được quan tâm, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để đưa các dự án sản xuất vào hoạt động, tạo ra sản phẩm mới, tăng cao năng lực. Việc thực hiện cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả đầu tư công được đẩy mạnh.
Năm 2020, Quảng Ninh đã khởi công mới chín dự án, công trình động lực mới, tổng vốn đầu tư 32.338 tỷ đồng, theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, có ý nghĩa chiến lược phát triển trong dài hạn, đi trước một bước.
Chia sẻ về kết quả quý 1/2021, ông Văn đánh giá, quý này có 90 ngày nhưng để nói tập trung cho phát triển kinh tế không nhiều vì tình hình dịch bệnh căng thẳng và có kỳ nghỉ tết rất dài, rồi chuẩn bị cho hội đồng bầu cử các cấp... Tuy nhiên quý 1 tốc độ tăng trưởng kinh tế Quảng Ninh vẫn đạt 9,02%.
Ông Văn khẳng định: "Cả năm 2021 chúng tôi đặt ra chủ đề giữ vững địa bàn an toàn và duy trì đà tăng trưởng kinh tế trong trại thái bình thường mới, phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ hiện đại gắn với việc đẩy mạnh liên kết các vùng. Chúng tôi đặt ra tăng trưởng ở 2 chữ số trên 10%. Thu ngân sách năm ngoái được 49.500 tỷ đồng thì năm nay đặt mục tiêu 53.000 tỷ đồng. Hiện có đầy đủ cơ sở để tin tưởng vào mục tiêu này."
Để có được thành công trong quý 1, theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, ngay khi dịch bùng phát tại Chí Linh (Hải Dương), Chính phủ chỉ đạo Chí Linh bị phong tỏa. Nhưng riêng Quảng Ninh thì ít được nói tới, vì khi đó có thể chưa hình dung hai tỉnh rất gần nhau và có hơn 1.000 công nhân của Đông Triều sang làm việc ở khu công nghiệp Chí Linh.
Ngay khi biết tin, tỉnh Quảng Ninh hoàn toàn chủ động đưa ra những biện pháp khắc nghiệt đối với Đông Triều để có thể bảo vệ được cả tỉnh. Tuy nhiên, không may sau đó sân bay Vân Đồn lại bùng phát.
Ông Văn kể lại: “Lúc đó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký tuyên bố sẽ giữ được địa bàn và kiểm soát được dịch vào ngày 28 Tết, tức là 10 ngày sau khi dịch bùng phát. Và điều đó đã trở thành hiện thực khi mà toàn tỉnh thực hiện đúng kịch bản "3 trước, 4 tại chỗ", chủ động trong công tác phòng chống dịch. Chúng tôi đã đi vào thẳng tâm dịch Đông Triều để xem việc phòng chống dịch và cũng để cho bà con yên tâm. Cho nên đến ngày 28 Tết tỉnh tuyên bố bà con có thể đảm bảo ăn Tết trong trạng thái bình thường mới, trừ Đông Triều."
Được biết, Quảng Ninh đã áp dụng các biện pháp “3 trước” bao gồm: Nhận diện, chủ động phòng, chống trước; phát hiện, hành động, xử lý trước; chuẩn bị phương án, vật tư trước; và “4 tại chỗ” gồm lực lượng tại chỗ; chỉ huy tại chỗ; phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ.
"Đây là kết quả rất rõ ràng cho việc chống dịch gắn với việc phát triển kinh tế. Đúng theo chỉ đạo của Đảng và Nhà nước là luôn luôn thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân vừa đảm bảo phát triển kinh tế," ông Văn nhấn mạnh.
Có một Quảng Ninh khác...
Nhớ lại quãng thời gian trước, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký chia sẻ, Quảng Ninh bắt đầu bứt phá và tăng tốc từ giai đoạn 2011-2015 với cách làm sáng tạo, quyết liệt.
Quảng Ninh hôm nay đã được kết nối nhanh và thông suốt với các địa phương trong cả nước và thế giới, bằng các tuyến đường cao tốc, cảng biển và sân bay quốc tế là một câu chuyện chắc chắn sẽ còn tiếp tục được nhắc tới về sau. Bởi, tất cả đều là những siêu dự án, nhưng Quảng Ninh chỉ phải bỏ ra số vốn nhỏ; phần còn lại đều là sự đóng góp, đầu tư của các doanh nghiệp tư nhân.
Cùng với việc đột phá về hạ tầng giao thông động lực, từ năm 2011, Quảng Ninh đã mời các nhà làm quy hoạch hàng đầu thế giới về giúp tỉnh này xây dựng 7 quy hoạch chiến lược. Trong đó có quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội; quy hoạch vùng tỉnh; quy hoạch phát triển du lịch; quy hoạch phát triển nguồn nhân lực...
Đây được coi là chỉ dẫn quan trọng trong thu hút các nguồn lực đầu tư, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh,” làm thay đổi nhanh diện mạo, tạo ra một Quảng Ninh khác biệt phát triển vượt trội về đẳng cấp và bứt phá.
Cũng theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, gần 10 năm trước Công ty tư vấn hàng đầu thế giới McKinsey (Mỹ) tư vấn cho tỉnh thành công và giai đoạn này Quảng Ninh vừa mời McKinsey trở lại, tư vấn cho tỉnh giai đoạn 2030, tầm nhìn năm 2050. Như vậy, Quảng Ninh có ít nhất 40 năm được tập đoàn hàng đầu làm quy hoạch, vì vậy đường, cầu làm đâu được đấy, rộng, đẹp, sạch khang trang.
Trước đây, than được coi đặc sản của Quảng Ninh vì cứ đến nơi này kiểu gì cũng được “hít” khí này. Giờ đây, ở Quảng Ninh không có chuyện vận chuyển than bằng ôtô hay tàu phà như trước. Ngoài ra, tỉnh đã đưa ra lộ trình giảm dần việc khai thác mỏ than lộ thiên, tăng khai thác hầm lò. Những nơi còn khai thác lộ thiên phải áp dụng công nghệ phun sương dập bụi, trồng cây che chắn để giảm bụi. Đặc biệt phải làm tốt công tác hoàn nguyên bãi thải mỏ cộng với việc phục hồi môi trường.
Một điểm được ông Ký tâm đắc chia sẻ là cải cách hành chính ở Quảng Ninh đã có thương hiệu, PCI (Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) năm 2019 đứng thứ nhất, PAPI (chỉ số hệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh) đứng thức 3 sẽ phấn đấu cho tốp cao hơn, ICT (công nghệ thông tin-truyền thông) đứng thứ 3.
Cũng theo ông Ký, việc triển khai sáng kiến PCI một cách bản bản, khoa học đã giúp lãnh đạo các tỉnh xác định những điểm nghẽn trong điều hành kinh tế cũng như lựa chọn những giải pháp phù hợp để tiến hành cải cách điều hành kinh tế một cách hiệu quả. Quảng Ninh luôn xác định việc nâng cao chỉ số PCI là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục vì vậy PCI đã được lãnh đạo tỉnh đưa vào Nghị quyết Đại hội XV. Trên cơ sở đó, tỉnh đã không ngừng nỗ lực, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh, đầu tư trên địa bàn tỉnh, duy trì, cải thiện sức cạnh tranh.
“Nhưng câu chuyện không phải đứng thứ mấy mà là tạo nên nền tảng vững chắc để có thể chuyển đổi số nhanh hơn cả về kinh tế, xã hội cả về thành phố thông minh, đấy là mấu chốt của vấn đề. Đây là câu chuyện không hề dễ dàng, Quảng Ninh đang phải làm rất là quyết liệt. Tuy nhiên, Quảng Ninh luôn luôn có một khẩu hiệu là lắng nghe, thấu hiểu và sẵn sàng điều chỉnh bởi vì mục tiêu cuối cùng là vì người dân,” người đứng đầu tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận