Quận Hoàn Kiếm có quá nhiều yếu tố đặc thù, không nên sáp nhập
Là trung tâm mang đậm giá trị về lịch sử, văn hóa của Thăng Long - Hà Nội, quận Hoàn Kiếm đang đối diện với nguy cơ sáp nhập và mất tên gọi trên bản đồ hành chính.
Những ngày qua, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm đến thông tin Hà Nội có một đơn vị hành chính cấp huyện (quận Hoàn Kiếm) và 176 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2023-2025. Điều này là dễ hiểu, bởi Hà Nội là Thủ đô của cả nước, còn quận Hoàn Kiếm được ví như là trái tim của Hà Nội.
Để có thêm góc nhìn đa chiều, Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến – một nhà “Hà Nội học” với nhiều năm dày công nghiên cứu về các vấn đề của Hà Nội.
Danh xưng "Hoàn Kiếm" có từ bao giờ?
Quận Hoàn Kiếm là trung tâm của thành phố Hà Nội và mọi vấn đề đã đi vào ổn định trong hơn 60 năm qua, tôi vẫn nghĩ rằng sẽ không có lý do gì để thay đổi. Tuy nhiên nếu đối chiếu với quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tổ chức đơn vị hành chính cấp quận thì lại nảy sinh vấn đề.
Hơn 400 năm sau, một nhà Nho đã tái tạo câu chuyện, trong đó có chi tiết Lê Thái Tổ trả gươm ở phía bắc hồ Lục Thủy (tức hồ Tả Vọng nên gọi là hồ Trả Gươm). 2 từ “Hoàn Kiếm” chỉ trở thành danh xưng chính thức trong cuốn Đại Nam Nhất Thống Chí, bộ sử của triều Nguyễn. Điều này có nghĩa, bắt đầu từ giữa thế kỷ XIX mới xuất hiện cái tên chính thức “hồ Hoàn Kiếm” và từ đây trong việc thiết lập các đơn vị hành chính của nhà nước cũng bắt đầu gắn với các tên gọi “Hoàn Kiếm”.
Liên quan đến việc 2 từ “Hoàn Kiếm” gắn với đơn vị hành chính thì bắt đầu từ năm 1958 khi Hà Nội thành 12 khu phố trong đó có khu phố Hoàn Kiếm. Năm 1961, Quốc hội ra Nghị quyết mở rộng địa giới hành chính Hà Nội thì Hoàn Kiếm là một trong 4 khu phố của nội thành. Đến năm 1981, thực hiện Hiến pháp mới, khu phố Hoàn Kiếm được đổi thành quận Hoàn Kiếm, gồm 18 phường và giữ ổn định từ đó cho đến nay.
Với một danh xưng của một đơn vị hành chính, trước hết đó là tên chính thức được ghi nhận trong tất cả các văn bản của Nhà nước và sau đó cũng là tên mà người dân sử dụng hằng ngày. Trải qua quá trình giữ ổn định, tên gọi quận Hoàn Kiếm đã trở nên rất thân thuộc với người dân Hà Nội, thậm chí như một nét đặc trưng khi người ta nhắc về Hà Nội, nhớ về Hà Nội.
Trở về với câu chuyện hiện tại của quận Hoàn Kiếm, sự thay đổi đang được đặt ra bởi việc xét theo 2 tiêu chí về dân số và diện tích. Tôi nghĩ rằng đó là những tiêu chí “cứng”. Nhưng với một đơn vị hành chính, không chỉ được tạo dựng nên bởi những tiêu chí “cứng” đó mà còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như lịch sử, văn hóa, phong tục, vị trí địa lý.
Người ta vẫn có thể buộc phải chấp nhận việc đổi tên bằng một mệnh lệnh hành chính nhưng về mặt tâm thức, tâm linh thì chưa hẳn đã chấp nhận.
Do vậy, tôi cho rằng việc sáp nhập, nhất là đơn vị hành chính như quận Hoàn Kiếm ngoài việc dựa trên diện tích và dân số, song cũng phải tính đến các yếu tố lịch sử, văn hóa, phong thủy, tâm linh. Mà nếu xét dưới góc độ lịch sử, văn hóa, phong thủy, tâm linh thì chắc chắn Hoàn Kiếm là trường hợp đặc biệt, có quá nhiều yếu tố đặc thù, không nên sáp nhập.
Quận Hoàn Kiếm cũng gắn liền với lịch sử hàng nghìn năm xây dựng và gìn giữ Thăng Long - Hà Nội và từ sau năm 1945 đến nay, biết bao dấu mốc lịch sử cũng xảy ra ngay tại đất của quận Hoàn Kiếm.
Ngày nay, nói đến phố cổ người ta liên tưởng đến quận Hoàn Kiếm, nói kiểu văn chương “36 phố phường” người ta cũng nghĩ ngay đến quận Hoàn Kiếm. Có một điều rất ít người biết là tiếng Hà Nội “chuẩn” cũng có xuất xứ từ quận Hoàn Kiếm xưa. Hoàn Kiếm có quá nhiều thứ đặc thù để trở thành biểu trưng của Hà Nội.
Chúng ta cũng cần hiểu với nhau rằng, Hà Nội không phải đơn thuần là một thành phố và cũng không thể so sánh Hà Nội với các thành phố khác. Hà Nội là thủ đô của nước ta, thậm chí Quốc hội còn phải ban hành một đạo luật riêng để điều chỉnh cho Hà Nội (Luật Thủ đô). Với một đô thị đặc thù như Hà Nội, việc có cơ chế đặc thù trong đó có tổ chức đơn vị hành chính là điều dễ hiểu, thậm chí là rất cần thiết.
Trường hợp cần sáp nhập quận Hoàn Kiếm vào một quận khác và phải đổi tên với đơn vị hành chính mới tương ứng, cần tổ chức trưng cầu dân ý, lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân trên địa bàn thủ đô.
Chúng ta cũng từng thực hiện việc này trong nhiều trường hợp, gần đây nhất là đối với phương án thiết kế cầu Trần Hưng Đạo bắc qua sông Hồng và đem lại kết quả rất tích cực. Đối với việc đổi tên một quận trung tâm của thủ đô, việc lấy ý kiến của người dân, phát huy tinh thần làm chủ của người dân càng cần thiết hơn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận