Quan chức Trung Quốc cảnh báo về bong bóng tài sản, chỉ số Hang Seng giảm hơn 2%
Một cơn ớn lạnh đang tràn qua các thị trường tài chính Trung Quốc, sau khi NHTW nước này rút tiền khỏi hệ thống tài chính và một quan chức lên tiếng cảnh báo về bong bóng tài sản.
Trong ngày thứ Ba (26/01), Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) rút khoảng 12 tỷ USD thông qua nghiệp vụ thị trường mở. Quyết định này thật bất thường trong những tuần trước dịp Tết Nguyên Đán – dự kiến diễn ra vào giữa tháng 2/2021 – vì người dân thường cần thêm tiền mặt để mua quà, đi du lịch và lì xì tết.
Ngoài ra, quyết định của PBoC cũng đi ngược với các thông tin trên các tờ báo Trung Quốc rằng thanh khoản sẽ không bị thắt chặt trước dịp Tết.
Dù lượng tiền bị rút ra khỏi hệ thống trong ngày 26/01 không quá lớn, nhưng điều này báo hiệu Trung Quốc ngày càng lo ngại lượng thanh khoản dồi dào và lãi suất thấp đang châm ngòi cho hiện tượng hưng phấn trên thị trường.
Ông Ma Jun, Cố vấn cho PBoC, cho biết rủi ro xuất hiện bong bóng tài sản – như trên thị trường chứng khoán hoặc bất động sản – sẽ vẫn còn đó nếu Trung Quốc không chuyển trọng tâm sang tăng trưởng việc làm và kiểm soát lạm phát.
Trước thông tin trên, nhà đầu tư đổ xô bán tháo trên thị trường chứng khoán Hồng Kông. Trong thời gian gần đây, dòng tiền từ Trung Quốc đại lục đã “đốt nóng” chứng khoán Hồng Kông và tạo ra đà tăng ấn tượng. Nhà đầu tư từ Trung Quốc đại lục đã mua ròng 250 tỷ HKD (32 tỷ USD) cổ phiếu Hồng Kông trong năm nay (tính tới ngày 25/01), tương đương gần 40% tổng lượng mua ròng của năm 2020 và lại tiếp tục mua trong ngyà 26/01. Chỉ số Hang Seng giảm tới 2.7% so với mức cao nhất kể từ tháng 6/2018, dẫn đầu là đà lao dốc 6.7% của Tencent Holdings.
Tại thị trường Trung Quốc đại lục, chỉ số lãi suất cho vay liên ngân hàng tăng 32 điểm cơ bản lên 2.74% trong ngày 26/01, cao nhất trong 1 năm. Các hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ Trung Quốc kỳ hạn 10 năm sắp ghi nhận đà giảm mạnh nhất kể từ tháng 9/2020. Trong khi đó, chỉ số CSI 300 – bao gồm cổ phiếu niêm yết trên sàn Thượng Hải và Thâm Quyến – giảm tới 2.1%.
“PBoC muốn kéo nhà đầu tư ra khỏi cơn hưng phấn xuất phát từ lượng thanh khoản dồi dào trong tháng 12/2020”, Xing Zhaopeng, Chuyên gia kinh tế tại Australia & New Zealand Banking Group, nhận định. “PBoC khó có khả năng nới lỏng tiền tệ ít nhất là trong tuần này”.
Hôm 25/01, Thống đốc PBoC Yi Gang cho biết NHTW sẽ tìm cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời hạn chế rủi ro tác động tới hệ thống tài chính, tức giữ nguyên lập trường chính sách. Ông Yi cho biết tỷ lệ nợ/sản lượng kinh tế đang ở mức 280% tại cuối năm 2020.
Đà giảm của cổ phiếu Tencent diễn ra sau đà tăng 11% trong ngày 25/01, phiên tăng mạnh nhất kể từ năm 2011 và chạm tới ngưỡng vốn hóa 1,000 tỷ USD.
Bloomberg cho biết hiện chưa tìm ra nguyên nhân rõ ràng cho mức tăng hôm qua. Tuy nhiên, giới đầu tư khẳng định kế hoạch niêm yết đầy tham vọng của startup video Kuaishou Technology mà Tencent nắm cổ phần, cũng như đánh giá lạc quan của Citigroup đã giúp cổ phiếu Tencent tăng vọt.
Tencent là công ty vốn hóa lớn mới nhất hưởng lợi từ sự quan tâm của nhà đầu tư với lĩnh vực công nghệ. Trước phiên hôm nay, vốn hóa Tencent đã tăng 251 tỷ USD trong tháng 1. Ngày càng nhiều người cảnh báo chính sách nới lỏng tiền tệ đang thổi phồng bong bóng chứng khoán trên toàn cầu, đặc biệt là tại Mỹ. Chứng khoán Mỹ hiện chủ yếu được dẫn dắt bởi đà tăng của Nasdaq Composite – chỉ số nghiêng về công nghệ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường