Quá tải điện mặt trời tại Bình Thuận: “Không có hạ tầng truyền tải thì sản xuất làm gì?”
TS. Đào Trọng Tứ nhấn mạnh, cần chú trọng đến việc phát triển hạ tầng đi liền với phát triển năng lượng tái tạo vì nếu không có đường truyền thì sản xuất là vô nghĩa.
Sáng 17/9, tại Hà Nội, Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) tổ chức Tuần lễ Năng lượng tái tạo Việt Nam 2019.
Sự kiện sẽ diễn ra từ ngày 17 đến 20/9 tại Hà Nội và An Giang, hướng tới mục tiêu tạo diễn đàn trao đổi thông tin, đối thoại đa bên để đưa ra các đề xuất giải pháp đóng góp vào quá trình chuyển dịch năng lượng công bằng và mang lại lợi ích lớn nhất cho sự phát triển bền vững của Việt Nam.
Theo bà Ngụy Thị Khanh – Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) – Cơ quan điều phối VSEA, là quốc gia có tiềm năng năng lượng tái tạo đa dạng và dồi dào, Việt Nam sẽ có nhiều lợi ích khi chuyển dịch sớm sang phát triển năng lượng sạch.
Bà Khanh nhìn nhận, ưu tiên sử dụng năng lượng hiệu quả và đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo sẽ giúp đảm bảo an ninh năng lượng, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch, giảm ô nhiễm, bảo vệ khí hậu, sức khỏe cộng đồng, tăng cường tiếp cận năng lượng cho người nghèo, tạo cơ hội thu hút đầu tư và tạo việc làm cho các địa phương phát triển kinh tế, thúc đẩy sự tham gia và sáng tạo của người dân, doanh nghiệp tư nhân vào thị trường năng lượng sạch.
Đặc biệt, quyết định điều chỉnh tỷ trọng năng lượng tái tạo từ 6% lên 10,7% đã mở đường cho 315.000 việc làm tạo ra mỗi năm. Số lượng việc làm mới tạo ra từ năng lượng tái tao cao gấp đôi so với nhiên liệu hóa thạch.
Điều này đồng nghĩa với việc, trường đại học, trường dạy nghề cần phải thích ứng với xu hướng phát triển này để có thể tạo ra nguồn nhân lực phù hợp đáp ứng được nhu cầu trong nước, bà Khanh nhấn mạnh.
Đầu tư "ồ ạt" đến đến quá tải đường truyền
Còn theo TS. Đào Trọng Tứ, nhà sáng lập Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam, cần quy hoạch chi tiết hệ thống năng lượng tái tạo quốc gia, bởi hiện đã có tình trạng quá tải đường truyền do đầu tư ồ ạt điện mặt trời, gây thiệt hại cho cả nhà đầu tư và Tập đoàn điện lực Việt Nam.
Theo TS. Tứ, việc quá tải lưới điện truyền tải khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận đã được dự báo từ trước, nhưng với mức giá ưu đãi, các nhà máy điện mặt trời vẫn được đầu tư "ồ ạt" trong thời gian ngắn.
Hệ thống điện đang thiếu hụt nguồn cung, nhưng nhà máy lại không thể phát hết công suất. Điều này không chỉ gây thiệt hại cho chủ đầu tư mà còn cho cả Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Do đó, cần chú trọng đến việc phát triển hạ tầng đi liền với phát triển năng lượng tái tạo. Bởi lẽ, nếu để xảy ra tình trạng quá tải đường truyền tải điện như ở Ninh Thuận và Bình Thuận thì việc phát triển năng lượng tái tạo cũng không còn ý nghĩa. "Nếu không có hạ tầng truyền tải điện thì sản xuất làm gì?", ông Tứ đặt vấn đề.
Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương - Đỗ Đức Quân cũng nhìn nhận rằng, với Việt Nam, đến 2025, tổng công suất hệ thống điện khoảng gần 100.000MW, thì năng lượng tái tạo cần khoảng 15.000MW là vừa.
Ngoài ra, việc phát triển hệ thống lưu trữ điện gió, điện mặt trời hiện còn đắt, tồn tại nhiều vấn đề. Do đó, hy vọng các nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn trên thế giới tập trung đầu tư, nghiên cứu sáng tạo ra hệ thống lưu trữ mới, đảm bảo môi trường.
"Khi hệ thống lưu trữ điện phát triển, thương mại hóa, giá hành hợp lý… thì năng lượng tái tạo có tương lai tươi sáng hơn", ông Quân nhìn nhận.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận