QNP giải đáp "thắc mắc" việc cổ phiếu tăng trần liên tục, thông qua kế hoạch kinh doanh 2024 gây chú ý
Dù mới chào sàn HOSE từ ngày 18/01/2024, nhưng tân binh QNP lại sở hữu mức tăng giá "đáng mơ ước”. Còn nhớ trước thời điểm chào sàn, QNP tung ra BCTC quý 4/2023 cho thấy sự bứt phá lợi nhuận. Cho năm 2024, HĐQT QNP vừa thông qua các chỉ tiêu kinh doanh dự kiến với lợi nhuận đi lùi.
Giải trình việc tăng trần 5 phiên liên tiếp
Mới đây, CTCP Cảng Quy Nhơn (HOSE: QNP) có văn bản giải trình về chuỗi tăng trần liên tiếp 5 phiên của cổ phiếu QNP từ ngày 18-24/01/2024.
Theo QNP, việc cổ phiếu tăng trần liên tiếp trong khoảng thời gian trên là do diễn biến khách quan cung cầu của thị trường chứng khoán. Công ty cũng cho biết, các quyết định giao dịch của nhà đầu tư đối với cổ phiếu QNP nằm ngoài tầm kiểm soát của Công ty và cam kết không có bất kỳ sự tác động nào ảnh hưởng đến giá giao dịch cổ phiếu QNP trên thị trường chứng khoán.
Xét theo diễn biến thực tế trên thị trường, cổ phiếu QNP vẫn tiếp tục tăng trần cho đếnngày 26/01, cán mốc 34,200 đồng/cp, tương đương tăng gần 80% so với thời điểm chào sàn.
Cổ phiếu QNP liên tục tăng trần
Nguồn: vietstockFinance
Mặc dù “sốt giá” nhưng không dễ để các nhà đầu tư mua được QNP, do cổ phiếu liên tục trong tình trạng dư trần. Đồng thời, thanh khoản cũng không cao, với trung bình hơn 17 ngàn cp/ngày so với số lượng hơn 40.4 triệu cp đang lưu hành. Đáng nói, ngoại trừ phiên 23/01 đột biến khối lượng với hơn 100 ngàn cp, các phiên còn lại giao dịch chỉ vài trăm đến vài ngàn cổ phiếu.
Lưu ý rằng, cơ cấu cổ đông của QNP khá cô đặc với hơn 75% sở hữu thuộc về Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam - CTCP (Vinalines, UPCoM: MVN), cùng với lượng sở hữu của các cổ đông khác dẫn đến cổ phiếu trôi nổi trên thị trường không còn quá nhiều.
Lãi ròng tăng mạnh trước thềm niêm yết HOSE
Đà tăng trần của cổ phiếu QNP diễn ra sau khi Công ty công bố BCTC quý 4/2023 cho thấy nhiều sự tích cực. Cụ thể, doanh thu thuần quý cuối năm đạt 243 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, QNP có lãi trở lại 23 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 31 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm 2023, mặc dù doanh thu thuần giảm 12% về gần 939 tỷ đồng, nhưng nhờ biên lãi gộp cải thiện cùng với tỷ trọng SG&A trên doanh thu thuần giảm đáng kể do không còn ghi nhận khoản chi phí dự phòng phải trả ngắn hạn như năm trước, qua đó giúp QNP lãi ròng hơn 112 tỷ đồng, tăng mạnh 154%.
Về khoản chi phí dự phòng phải trả ngắn hạn nêu trên, đây thực chất là khoản chi phí dự phòng liên quan đến vụ án tranh chấp hợp đồng cung ứng dịch vụ giữa QNP và Công ty TNHH Vận tải biển Cửu Long diễn ra từ năm 2019.
Sau nhiều tranh chấp và kiện tụng, đến tháng 4/2023, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Định cưỡng chế khấu trừ trong tài khoản của QNP số tiền 53.48 tỷ đồng để thi hành án.
Tuy nhiên, sự việc có thể đi theo chiều hướng khác, khi trong diễn biến mới nhất vào ngày 23/01/2024, QNP thông báo đã nhận được quyết định giám đốc thẩm của Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) về việc tranh chấp hợp đồng nêu trên. Theo đó, Hội đồng Thẩm phán TANDTC quyết định chấp nhận quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC). Đồng thời, hủy 2 bản án sơ thẩm, phúc thẩm và giao hồ sơ cho TAND tỉnh Bình Định xét xử lại.
Kế hoạch lợi nhuận dự kiến đi lùi trong năm 2024
Trong diễn biến tích cực ở cả hoạt động kinh doanh lẫn tình hình cổ phiếu, ngày 23/01 vừa qua, HĐQT QNP đã thông qua các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh dự kiến năm 2024 với tổng sản lượng 11.5 triệu tấn, trong đó sản lượng container 180 ngàn Teus; doanh thu đạt 1,247 tỷ đồng, tăng 32% so với thực hiện năm 2023, nhưng lợi nhuận trước thuế lại giảm 19% về còn 115 tỷ đồng.
HĐQT cũng thông qua kế hoạch đầu tư năm 2024 với nhiều dự án chuyển tiếp từ năm 2023 giá trị gần 174 tỷ đồng cũng như các dự án triển khai năm 2024 giá trị 71 tỷ đồng, tổng cộng gần 245 tỷ đồng.
Kế hoạch sản xuất kinh doanh dự kiến năm 2024 của QNP
Nguồn: QNP
Huy Khải
FILI
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận