Postef báo kết quả kinh doanh kém sáng, lợi nhuận giảm sâu
Postef cho biết lãi sau thuế của công ty giảm mạnh là do doanh thu sụt giảm, mặt hàng sản xuất ra khó cạnh tranh với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
CTCP Thiết bị Bưu điện (Postef – HNX: POT) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023. Theo đó, kết quả kinh doanh quý III của Postef kém sáng khi doanh thu và lợi nhuận đều đi lùi so với cùng kỳ năm 2022.
Cụ thể, Postef ghi nhận doanh thu thuần đạt 114,8 tỷ đồng, giảm 63,3% so với quý III/2022, lợi nhuận gộp của công ty từ đó cũng giảm 60,8% xuống còn 14,2 tỷ đồng.
Trong kỳ, chi phí lãi vay của Postef tăng 25,8% từ 9,3 tỷ đồng trong quý III/2022 lên 11,7 tỷ đồng, trong khi chi phí bán hàng giảm 48,9% về 2,4 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm từ 18,4tỷ đồng về còn 10,6 tỷ đồng.
Tổng lợi nhuận trước thuế của Postef ghi nhận đạt 38,5 triệu đồng. Khấu trừ thuế phí, Postef báo lãi quý III/2023 vỏn vẹn 27,4 triệu đồng, giảm 97,5% so với con số 1,07 tỷ đồng của quý III năm ngoái.
Trong văn bản giải trình chênh lệch lợi nhuận, Postef cho biết nguyên nhân lãi sau thuế của công ty giảm mạnh so với quý III năm 2022 là do doanh thu sụt giảm, mặt hàng sản xuất ra khó cạnh tranh với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc dù đã tiết kiệm chi phí tối đa, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp đều giảm.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, Postef ghi nhận doanh thu thuần đạt 594,7 tỷ đồng, giảm 28,3 % so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế giảm mạnh 82,3%, từ 5,6 tỷ đồng xuống còn 994 triệu đồng.
Trong năm 2023, Postef đặt kế hoạch tổng doanh thu là 1.599 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 16,5 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm, Postef mới chỉ hoàn thành được 37,2% chỉ tiêu về doanh thu và còn cách xa kế hoạch lợi nhuận năm.
Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của Postef tại ngày 30/9/2023 đạt 2.221 tỷ đồng, giảm 10% so với đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn và dài hạn lần lượt là 996 tỷ đồng và 1.224 tỷ đồng.
Tài sản ngắn hạn bao gồm 67,3 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền; 447,4 tỷ đồng hàng tồn kho và gần 455 tỷ đồng các khoản phải thu ngắn hạn. Tài sản ngắn hạn khác là 26,7 tỷ đồng.
Về cơ cấu nguồn vốn, tổng nợ phải trả của công ty tại thời điểm cuối tháng 9 giảm 11% so với hồiđầu năm, xuống mức 1.910 tỷ đồng, trong đó vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn là 614,3 tỷ đồng; 66,2 tỷ đồng vay và nợ thuê tài chính dài hạn; 859 tỷ đồng phải trả dài hạn khác...
Nhà máy Thiết bị Bưu điện được thành lập từ năm 1954, được chuyển thành Công ty cổ phần Thiết bị Bưu điện theo quyết định số 46 ngày 15/11/2004 của Bộ Bưu chính viễn thông. Đến ngày 1/7/2005, chính thức chuyển đổi hoạt động sang mô hình Công ty cổ phần.
Hoạt động chính của công ty là kinh doanh, sản xuất, xuất nhập khẩu và cung cấp các thiết bị chuyên ngành bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin.
Trên thị trường, trong phiên giao dịch chiều 23/10, cổ phiếu POT đang dao động quanh mức giá 16.700 đồng/cổ phiếu với khối lượng giao dịch thấp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận