PMG: Cổ đông lớn thứ hai muốn sang tay hơn 2.3 triệu cp cho Tổng Giám đốc?
Bà Nguyễn Thị Bích Thùy - Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư và Sản xuất Petro Miền Trung (HOSE: PMG) đăng ký mua hơn 2.3 triệu cp PMG. Chiều ngược lại, Lemon Gas Co., Ltd (Nhật Bản) - cổ đông lớn thứ hai tại PMG - đăng ký bán ra cổ phiếu đúng bằng khối lượng bà Thùy muốn mua.
Cụ thể, bà Thùy đăng ký mua hơn 2.3 triệu cp PMG, tương đương tỷ lệ 5%, với mục đích đầu tư tài chính. Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 21/08-19/09/2023. Nếu hoàn tất giao dịch, bà Thùy sẽ tăng sở hữu tại PMG từ 6.95 triệu cp (tỷ lệ 15%) lên gần 9.3 triệu cp (tỷ lệ 20%).
Về mối liên hệ, ông Nguyễn Tiến Lãng (chồng bà Thùy) hiện là Chủ tịch HĐQT và đang nắm giữ hơn 16.2 triệu cp PMG (tỷ lệ 35%). Nếu thành công, hai vợ chồng ông Lãng và bà Thùy sẽ nâng tỷ lệ sở hữu tại PMG lên 55%.
Chiều ngược lại, Lemon Gas Co., Ltd (Nhật Bản) - tổ chức có liên quan tới Thành viên HĐQT PMG (ông Toshio Tatsuno) đăng ký bán ra hơn 2.3 triệu cp PMG (đúng bằng khối lượng bà Thùy muốn mua). Giao dịch dự kiến thực hiện theo phương thức thỏa thuận từ 18/08-16/09/2023.
Dự kiến sau giao dịch, tổ chức ngoại sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại PMG từ 25% (hơn 11.58 triệu cp) xuống 15% (gần 9.3 triệu cp).
Trước đó, Lemon Gas báo cáo trở thành cổ đông lớn của Petro Miền Trung sau khi mua vào gần 11.5 triệu cp PMG, tương ứng tỷ lệ 24.8%, trong ngày 02/04/2021. Trước giao dịch, tổ chức đến từ Nhật Bản không sở hữu cổ phiếu PMG nào.
Đầu tháng 4/2021, cổ phiếu PMG có 3 phiên tăng trần liên tiếp từ 02-06/04. Trong đó, phiên 02/04 có gần 11.5 triệu cp được giao dịch thỏa thuận (đúng bằng khối lượng mà Lemon Gas báo cáo mua được) với tổng giá trị giao dịch gần 396,5 tỷ đồng. Khả năng cao, Lemon Gas đã mua vào số lượng cổ phiếu PMG trên với giá thỏa thuận bình quân 34,500 đồng/cp.
Lỗ lũy kế hơn 109 tỷ đồng, cổ phiếu vẫn thuộc diện bị kiểm soát
Đầu tư và Sản xuất Petro Miền Trung (PMG) được thành lập năm 2017 với vốn điều lệ 10 tỷ đồng; hoạt động trong lĩnh vực sản xuất vỏ bình gas, tồn trữ, chiết nạp khí hóa lỏng và làm đầu mối cung ứng gas cho thị trường khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Doanh nghiệp nhập khẩu khí hoá lỏng (LPG) thông qua việc chiết nạp, sau đó cung cấp cho các hộ gia đình, khu thương mại.
Các sản phẩm chính hiện nay của PMG là V-gas, PM gas, Picnic-VIP, doanh thu chủ yếu đến từ khu vực miền Trung.
Mặc dù có tiềm năng phát triển, nhưng hiệu quả kinh doanh 5 năm gần đây của PMG có đà suy giảm. Cụ thể, lợi nhuận ròng giảm trung bình gần 60%/năm giai đoạn 2018-2020, trước khi Công ty báo lỗ kỷ lục gần 62 tỷ đồng trong năm 2021. PMG có lãi trở lại hơn 8 tỷ đồng trong năm 2022.
Đến quý 2/2023, PMG ghi nhận doanh thu thuần giảm 14% so với cùng kỳ xuống còn 434 tỷ đồng. Cộng thêm gánh nặng chi phí khiến Công ty lỗ ròng hơn 19 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi trên 900 triệu đồng.
Theo giải trình của PMG, kết quả kinh doanh quý 2 bị ảnh hưởng nặng nề do một chuyến hàng LPG nhập khẩu có tỷ lệ chất lượng hàng hóa vượt mức tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa lưu thông tại thị trường Việt Nam, buộc Công ty phải làm thủ tục tái xuất, gây thiệt hại từ chi phí logistics, giảm giá hàng tái xuất.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của PMG gần 954 tỷ đồng (giảm 10%) và lỗ ròng hơn 12 tỷ đồng (cùng kỳ lãi hơn 9 tỷ đồng). Tính tới cuối quý 2/2023, lỗ lũy kế của Công ty được nâng lên hơn 109 tỷ đồng.
Năm 2023, PMG lên kế hoạch doanh thu thuần hợp nhất 2,200 tỷ đồng và lãi sau thuế 12 tỷ đồng.
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu PMG được Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) chuyển từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát từ ngày 18/04/2022. Phiên sáng 11/08, cổ phiếu này đứng ở mốc tham chiếu 9,900 đồng/cp, giảm 12% so với đầu năm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường