Phương Tây quyết 'săn' các tỷ phú của Nga
Chính phủ phương Tây liên tục truy lùng tài sản hàng tỷ USD của những doanh nhân giàu có nhất nước Nga, từ du thuyền, biệt thự, máy bay cho đến tài khoản ngân hàng.
Vị tỷ phú 'đáng thương'
Mới đây, chính phủ Anh đã công bố tỷ phú Roman Aamovich là một trong 7 doanh nhân người Nga sẽ bị phong tỏa tài sản vô thời hạn, một biện pháp trả đũa cho cuộc tấn công của Nga tại Ukraine.
Vương quốc Anh cho rằng tỷ phú Aamovich "đang hoặc đã tham gia vào việc gây bất ổn cho Ukraine thông qua Evraz PLC, một công ty sản xuất và khai thác thép mà ông kiểm soát". Chính phủ Anh đã công bố các mối liên hệ giữa Evraz "và việc cung cấp thép cho quân đội Nga".
Được biết, ông Aamovich là cổ đông lớn nhất của Evraz (28,6% cổ phần), tập đoàn chuyên cung cấp thép cho quân đội Nga để chế tạo tăng thiết giáp và các phương tiện chiến tranh khác.
Hiện các tài sản của ông Aamovich tại Anh đều bị 'đóng băng' và CLB Chelsea đang nằm trong số này. Mặc dù vậy, bộ Tài chính Anh đã cho Chelsea giấy phép đặc biệt để CLB tiếp tục hoạt động nên các trận đấu bóng đá của họ không bị ảnh hưởng gì. Tuy nhiên Aamovich không thể bán CLB. Kể cả ông Aamovich có bán Chelsea cũng sẽ không được nhận dù chỉ một xu.
Đáng chú ý, vào ngày 12/3, tờ Wall Street Journal đưa tin nhiều khoản đầu tư của tỷ phú người Nga Roman Aamovich vào các quỹ của Mỹ đều đã bị yêu cầu phong tỏa.
Từ cuối tháng 2, ông Aamovich đã cố gắng chuyển nhượng tài sản tại các quỹ được quản lý bởi Empyrean Capital Partners ở Los Angeles, Millstreet Capital Management ở Boston hay Concord Management có trụ sở tại New York.
Quản trị viên quỹ SS&C Globe Op cho biết rằng các tài khoản được cho là của tỷ phú Aamovich cũng đã bị chặn giao dịch và 'đóng băng' tài sản.
Cuộc đàn áp các tỷ phú Nga
Trước những động thái cứng rắn của phương Tây, các tỷ phú Nga đã rục rịch bán bớt tài sản nhằm giảm thiểu tối đa rủi ro. Dù vậy, nhiều du thuyền, biệt thự, máy bay cho đến tài khoản ngân hàng của các tỷ phú này đều đã bị 'săn'.
Theo đó, nhà chức trách Pháp đã tiến hành thu giữ hàng loạt du thuyền thuộc về các tỷ phú Nga nằm trong danh sách trừng phạt của phương Tây, trong đó có du thuyền mang tên Amore Vero. Du thuyền này được cho thuộc về Igor Sechin, Giám đốc điều hành tập đoàn dầu khí Rosneft. Vụ bắt giữ diễn ra ngay trong đêm, giới chức Pháp cho biết con tàu khi đó đang chuẩn bị rời khỏi cảng.
Mikhail Fridman, nhà tài phiệt sáng lập quỹ đầu tư LetterOne Holdings SA ở Luxembourg, đã bị trục xuất khỏi công ty này. LetterOne cho biết đã đóng băng cổ phần, lợi tức của Fridman, đồng thời cấm nhà tài phiệt này giao dịch, liên hệ với các thành viên của quỹ.
Alexey Mordashov, cổ đông lớn nhất của tập đoàn du lịch Đức TUI AG, cũng là một trong những người giàu nhất nước Nga, đã bị loại khỏi ban giám sát của tập đoàn do nằm trong danh sách trừng phạt.
Ngoài ra, ông Vladimir Soloviev - một người dẫn chương trình trên kênh truyền hình nhà nước Nga, cũng bị đưa vào danh sách trừng phạt của EU. Người này có hai biệt thự xa xỉ bên bờ hồ Como ở Italy.
Trong tuần qua, ông Dmitry Mazepin đã bán cổ phần kiểm soát trong Uralchem - một trong những hãng sản xuất phân bón lớn nhất Nga, đồng thời từ chức CEO công ty này. Tỷ phú Vadim Moshkovich cũng giảm sở hữu tại Ros Agro xuống dưới 50%.
Những động thái trên được giới truyền thông công bố trong vài ngày qua. Trước đó, EU đã áp lệnh trừng phạt với 4 tài phiệt và 10 người giàu khác tại Nga do xung đột tại Ukraine. Một số thành viên gia đình những người này, cùng hơn 140 nghị sĩ quốc hội Nga cũng nằm trong danh sách trừng phạt.
Thông thường, quyền sở hữu thực sự những tài sản này sẽ bị che đậy đằng sau tầng tầng lớp lớp các công ty bình phong đăng ký ở các thiên đường thuế. Chủ sở hữu những công ty bình phong có thể là thành viên gia đình, bạn bè chứ không phải các tài phiệt Nga.
Chính vì vậy, bằng cách mở rộng lệnh trừng phạt sang các thành viên gia đình và thân tín của giới tài phiệt, phương Tây hy vọng sẽ giải quyết được một phần vấn đề trên. Các nỗ lực thu giữ tài sản của giới siêu giàu Nga cũng có thể vấp phải các thủ tục pháp lý phức tạp.
Thời gian qua, các biện pháp trừng phạt nhắm vào giới siêu giàu Nga được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, tùy vào từng quốc gia, thậm chí khác nhau giữa các cơ quan thực hiện của cùng một quốc gia.
Tuy nhiên, việc thu giữ tài sản có thể đối mặt các thủ tục pháp lý kéo dài nhiều năm. Giới chức Anh cho biết họ cần thời gian chuẩn bị cho quyết định thu giữ tài sản các cá nhân bị trừng phạt nhằm tránh bị tòa án bác bỏ.
Về phần mình, chính phủ Mỹ cũng có thể tịch thu tài sản bằng lệnh tạm thời của tòa án, nhưng sau đó phải chứng minh chủ sở hữu có hành vi phạm tội. Các vụ án như vậy có thể kéo dài nhiều năm.
Bước đi quyết liệt của giới chức phương Tây nhắm vào tài sản của tài phiệt Nga khiến giới siêu giàu nước này, ngay cả những người không nằm trong danh sách trừng phạt, bị sốc.
Một số chuyên gia kinh tế Nga cho rằng, việc săn lùng tài sản của giới nhà giàu Nga sẽ khiến cuộc sống của những người này trở nên đặc biệt khó khăn. Một số tài phiệt Nga đã tìm cách chứng minh bản thân không có liên hệ tới cuộc chiến ở Ukraine, thậm chí chỉ trích quyết định phát động chiến dịch quân sự.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận