Phục hồi công nghiệp hỗ trợ: Cần đi trước một bước
Theo các chuyên gia, để phục hồi sản xuất thì ông nghiệp hỗ trợ phải đi trước một bước. Tuy nhiên điều này phụ thuộc rất lớn vào chính sách, sự hỗ trợ của Nhà nước.
Những năm gần đây ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) trong nước có những bước tiến đáng kể, nhiều DN Việt đã trở thành nhà cung ứng sản phẩm đầu vào cho các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam và xuất khẩu. Tuy nhiên, trải qua 4 đợt bùng phát dịch Covid-19 từ đầu năm đến nay và việc thực hiện giãn cách xã hội đã ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và xuất khẩu hàng hóa của các DN CNHT. Theo các chuyên gia, quý cuối năm 2021 cũng như thời gian tới, các DN có mối lo không nhỏ cả về cung và cầu về lưu thông, hàng hóa, nguyên liệu... Do đó, để lấy lại đà tăng trưởng, bên cạnh nỗ lực của DN thì điều kiện cần nhất thời điểm này là những tháo gỡ về cơ chế, chính sách để các DN CNHT phục hồi.
Theo đánh giá của Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), thời gian qua, do dịch bệnh, đa số các DN đang phải hoạt động dưới công suất, thậm chí có DN tạm dừng hoạt động, thiếu nhân lực, di chuyển khó khăn giữa các khu vực, nhiều khoản chi phí mới phát sinh liên quan đến công tác phòng, chống dịch... Đặc biệt, khi chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu bị gián đoạn, đình trệ cục bộ, nhiều DN sản xuất, xuất khẩu phải trì hoãn hoặc hủy đơn hàng. Ngành CNHT lại đang phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung cấp nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu. Khi dịch bệnh Covid-19 bùng nổ tại các quốc gia cung ứng linh phụ kiện sản xuất chủ yếu cho Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... các ngành công nghiệp trong nước đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc bảo đảm các yếu tố đầu vào sản xuất.
Tính đến thời điểm hiện tại, nhiều tỉnh thành cơ bản đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh và đang từng bước thiết lập trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh. Các địa phương cũng đã xây dựng phương án phục hồi sản xuất nhằm tạo động lực cho các DN hoàn thành kế hoạch sản xuất dịp cuối năm. Trong bối cảnh đó, các DN CNHT cũng đã đẩy nhanh các phương án sản xuất kinh doanh phù hợp với tình hình mới.
Bà Nguyễn Thu Hồng, Giám đốc CTCP sản xuất và phát triển công nghiệp Việt Nhật Indema cho biết, từ đầu năm đến nay hoạt động của DN gặp rất nhiều khó khăn, thị trường liên tục bị gián đoạn bởi dịch bệnh. Là DN CNHT chuyên sản xuất các sản phẩm cơ khí nên công ty đối mặt với hàng loạt các thách thức thời gian qua. Giá nguyên liệu đầu vào như thép tăng chóng mặt; các đơn hàng bị hủy, đầu ra thị trường bị thu hẹp… khiến công ty không hoạt động đủ công suất. Để vượt qua giai đoạn khó khăn vừa qua, DN phải thu hẹp sản xuất, tiết giảm chi phí, tận dụng tối đa các đơn hàng, nâng cao năng suất, tái cơ cấu, tìm kiếm thị trường phù hợp…
Hiện tại công ty đang sản xuất mặt hàng tại chỗ cho một DN Nhật đặt nhà máy tại Việt Nam. Song song với việc tìm kiếm khách hàng mới thì đơn vị cũng mở rộng thị trường nội địa và liên kết với những công ty thương mại để đưa các sản phẩm xuất ra nước ngoài. “Trong khó khăn, chúng tôi tranh thủ biến cái “nguy” trở thành cơ hội cho chính DN. Nhưng để khôi phục và phát triển rất cần có những hỗ trợ kịp thời, nhất là việc tiêm đủ vắc xin phòng chống Covid để DN an tâm sản xuất. Bên cạnh đó là các hỗ trợ về thuế, phí, miễn giảm lãi suất và có những nguồn vốn ưu đãi…”, bà Hồng cho biết.
Là một DN hoạt động trong lĩnh vực gia công cơ khí, chuyên cung cấp phụ tùng, thiết bị xe máy, xe đạp điện, Công ty TNHH Tân Trung Việt cũng đang có những kế hoạch đẩy mạnh sản xuất những tháng cuối năm để hoàn thành kế hoạch đặt ra. Ông Mai Đức Trung, Giám đốc công ty cho biết, đợt bùng phát dịch Covid-19 vừa qua, doanh thu công ty sụt giảm khoảng 70% (chỉ đạt doanh thu 3 tỷ đồng/tháng). Hiện Hà Nội đã kiểm soát tốt dịch bệnh, giúp DN có cơ hội và điều kiện phục hồi, ổn định sản xuất. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng để chuẩn bị cho những đơn hàng cuối năm, DN đã sẵn sàng vận hành 100% công suất, kêu gọi đủ số lượng công nhân đi làm trở lại.
Theo các chuyên gia, để phục hồi sản xuất thì CNHT phải đi trước một bước. Tuy nhiên điều này phụ thuộc rất lớn vào chính sách, sự hỗ trợ của Nhà nước. Thời gian qua, Chính phủ đã có những chính sách ưu tiên hỗ trợ cho DN trên lĩnh vực CNHT như vốn vay ưu đãi, đào tạo nguồn nhân lực, kết nối giao thương để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên ngành CNHT Việt Nam còn rất nhiều hạn chế như năng lực tổ chức quản lý sản xuất, tỷ lệ nội địa hóa trong các ngành công nghiệp đạt thấp, giá trị gia tăng tạo ra trong nước chưa cao... đặc biệt phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu. Bởi vậy khả năng phục hồi của các DN trong ngành này sau một thời gian dài bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 còn gặp rất nhiều khó khăn.
Theo ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội DN CNHT thành phố Hà Nội (HANSIBA), đến thời điểm này nhiều DN công nghiệp trên địa bàn thành phố đã trở lại nhịp độ sản xuất như trước thời điểm giãn cách xã hội. Bên cạnh đó, DN Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực CNHT đa số là nhỏ và vừa nên năng lực hạn chế. Những chính sách của Chính phủ cần cụ thể, rõ ràng, đơn giản về thủ tục để DN dễ dàng tiếp cận, song DN cũng phải có kế hoạch phù hợp để vượt qua khó khăn và vươn lên khẳng định mình. Hiệp hội sẽ tiếp tục kiến nghị, để Chính phủ hỗ trợ điều chỉnh chính sách ưu đãi (hướng tới ban hành Luật CNHT) cho các DN CNHT Việt Nam, trong đó tập trung vào hỗ trợ trong các lĩnh vực hạ tầng đất đai - nhà xưởng (về thuế và các chính sách khác), kết nối tiếp nhận công nghệ mới và chuỗi sản xuất toàn cầu. Gắn kết yêu cầu và hỗ trợ để các DN FDI đặt hàng các DN Việt Nam sản xuất, giảm thiểu tối đa nhập khẩu linh kiện, đồng thời hỗ trợ tìm nguồn vốn ưu đãi, kết hợp đào tạo lao động chuyên sâu cho ngành CNHT, để các DN CNHT của Thủ đô và trên cả nước có thêm sức mạnh, phát triển hơn nữa trong thời gian tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận