Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công
Ngày 15/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc chủ trì cuộc họp Tổ công tác số 4 và Tổ công tác số 7 kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024. Dự cuộc họp có đại diện 26 bộ ngành, địa phương liên quan.
Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc chủ trì cuộc họp Tổ công tác số 4 và Tổ công tác số 7 kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.
Theo báo cáo của Bộ KHĐT, tổ số 4 có 10 bộ, cơ quan trung ương và 11 địa phương. Tỷ lệ giải ngân 10 tháng năm 2024 đạt 58,9% cao hơn mức bình quân của cả nước. Trong đó có 4 cơ quan trung ương, 8 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao hơn tỷ lệ giải ngân bình quân chung cả nước; 5 bộ và 3 địa phương giải ngân dưới mức trung bình cả nước.
Báo cáo của Bộ KHĐT nêu rõ các khó khăn vướng mắc liên quan đến quy định của pháp luật (hướng dẫn luật đấu thầu; quy định về phòng cháy, chữa cháy; thủ tục chuyển đổi đất trồng lúa, đánh giá tác động môi trường; thủ tục nối đường giao thông; vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến chi phí giải phóng mặt bằng); nhóm khó khăn, vướng mắc trong công tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng (thủ tục đất đai, chuyển đổi đất rừng, thủ tục giao đất; thủ tục sắp xếp lại cơ sở nhà đất); các khó khăn, vướng mắc do tình hình thời tiết phức tạp, mưa bão, sạt lở,… đồng thời, chỉ rõ nguyên nhân, đề xuất các giải pháp cụ thể để khắc phục các khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công trong thời gian tới.
Đối với Tổ công tác số 7 (có 5 địa phương), đến hết ngày 31/10/2024 đã giải ngân đạt 48,36%, thấp hơn mức bình quân cả nước. Trong đó 3 tỉnh Đắk Lắk; Đắk Nông, Gia Lai giải ngân cao hơn mức trung bình cả nước. 2 tỉnh Kon Tum (42,93%), Lâm Đồng (38,37 %) giải ngân thấp hơn bình quân cả nước.
Các địa phương trong Tổ công tác số 7 gặp các khó khăn vướng mắc liên quan đến thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác còn phức tạp, tốn nhiều thời gian, chưa tạo sự chủ động cho địa phương; việc cấp phép khai thác khoáng sản kéo dài, không đáp ứng được tiến độ thi công của các dự án; văn bản hướng dẫn các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia còn thiếu đồng bộ;…
Theo báo cáo của Bộ Tài chính: "Trong quá trình tổng hợp tình hình giải ngân vốn đầu tư công hằng tháng, Bộ Tài chính nhận thấy các khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 nêu trên không phải là khó khăn, vướng mắc riêng của Tổ công tác số 7 mà còn là các khó khăn, vướng mắc chung của nhiều địa phương trong cả nước".
Bộ Tài chính đề nghị các địa phương quán triệt, bám sát các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các công điện, chỉ thị đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm, phấn đấu giải ngân đầu tư công trên 95%.
Đồng thời, chủ động phối hợp với các cơ quan đơn vị liên quan để xử lý các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền được giao. Chỉ đạo chủ đầu tư và các đơn vị liên quan đôn đốc các nhà thầu khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, đẩy mạnh công tác thanh, quyết toán vốn trong những tháng cuối năm.
Bộ Tài chính cũng đề nghị các Bộ: TNMT, NNPTNT, LĐTBXH, KHĐT, Ủy ban Dân tộc khẩn trương nghiên cứu, hướng dẫn, giải đáp các nội dung, vướng mắc liên quan trực tiếp đến lĩnh vực quản lý nhà nước theo chức năng nhiệm vụ được giao. Trường hợp vượt thẩm quyền, khẩn trương đề xuất phương hướng, giải pháp báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Sau khi nghe báo cáo và ý kiến của các địa phương, đại diện Bộ Tài chính, KHĐT, TNMT đã trao đổi cụ thể để giải quyết các khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc: Việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công nhằm mục đích sử dụng nguồn lực hiệu quả nhất, để đáp ứng nhu cầu phát triển nền kinh tế đất nước phồn vinh, thịnh vượng. Ảnh VGP/Trần Mạnh
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nêu rõ: Việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công nhằm mục đích sử dụng nguồn lực hiệu quả nhất, để đáp ứng nhu cầu phát triển nền kinh tế đất nước phồn vinh, thịnh vượng.
Để tháo gỡ vướng mắc về pháp lý, hiện Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét ban hành 1 luật sửa 4 luật liên quan đến đầu tư công với những quy định mới, tiến bộ, nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong việc triển khai các dự án đầu tư công theo tinh thần "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".
Theo đó, vốn đầu tư sau khi được các bộ, ngành, địa phương trình lên sẽ giao danh mục về cho địa phương quyết định làm; địa phương được điều chỉnh từ dự án này sang dự án khác, không phải trình lên trên, miễn là không vượt tổng mức vốn giao cho địa phương. Vốn chương trình mục tiêu cũng đổi mới theo hướng đó. Như vậy sẽ không mất nhiều thời gian, dự án sớm hoàn thành và phát huy hiệu quả.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc lưu ý, với việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nếu để dự án dở dang sẽ kéo theo nhiều hệ lụy. Đơn cử, nếu nhà thầu không đủ năng lực, không trả được khối lượng sẽ ảnh hưởng tới tiến độ, chất lượng công trình. Với các dự án liên quan đến công nghệ, nếu kéo dài thời gian, công nghệ sẽ lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu.
Đặc biệt, với các dự án đầu tư hạ tầng như phát triển đường cao tốc, nếu chạy theo số lượng mà không quản lý chặt chẽ về chất lượng để xảy ra sụt, lút, nứt vỡ, hư hỏng,... thì hậu quả rất lớn. Do đó, khi đầu tư, các địa phương phải có tầm nhìn dài hạn, "làm nhanh, làm mạnh, làm chắc chắn, đảm bảo chất lượng công trình, tránh lãng phí".
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc yêu cầu các tỉnh miền núi tính toán, cân đối lại khả năng thu ngân sách, nhất là việc thu ngân sách từ nguồn đất đai, trên cơ sở đó có các giải pháp bảo đảm vốn đầu tư cho các công trình, báo cáo cấp có thẩm quyền kịp thời xử lý các vướng mắc, tránh tình trạng thi công dở dang do thiếu vốn,...
Phó Thủ tướng cũng lưu ý, chỉ còn 45 ngày nữa hết năm 2024, để giải ngân đạt 95% vốn như đã cam kết phải nỗ lực rất lớn, làm ngày, làm đêm, thủ tục phải kịp thời, bảo đảm chặt chẽ, không để xảy ra thất thoát.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc yêu cầu các bộ ngành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao phải kịp thời xử lý các kiến nghị, tháo gỡ vướng mắc cho địa phương. Tập trung hoàn thành khối lượng các dự án trước 31/12/2024 để quyết toán.
Phó Thủ tướng giao Bộ KHĐT xem xét đề nghị của các tỉnh về điều chỉnh tổng mức đầu tư, thủ tục đầu tư, chuyển nguồn; tham mưu bố trí vốn bổ sung cho các dự án để hoàn thành công tiến độ, sớm đưa công trình vào khai thác, sử dụng, phát huy hiệu quả.
Bộ Tài chính hướng dẫn địa phương tháo gỡ vướng mắc trong triển khai các dự án ODA, bố trí vốn, điều chỉnh vốn đầu tư khi có ý kiến của Bộ KTĐT.
Bộ TNMT xử lý các vấn đề liên quan đến bảo đảm nguồn vật liệu xây dựng, bảng giá đất, giải phóng mặt bằng. Bộ Xây dựng hướng dẫn các tỉnh tính giá vật liệu, bổ sung quy định mới về định mức...
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đề nghị các bộ ngành, địa phương tiếp tục đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, nâng cao tinh thần trách nhiệm, vượt qua mọi khó khăn để triển khai giải ngân vốn đầu tư công đạt kết quả cao nhất.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường