“Phép thử” của doanh nghiệp Việt
Xây dựng kế hoạch, chủ động thích ứng là cách mà doanh nghiệp Việt Nam đã và đang triển khai để vượt qua khó khăn của đại dịch.
Chủ động thích nghi
Là doanh nghiệp với kinh nghiệm hơn 20 năm làm xuất khẩu nông sản sang thị trường 25 quốc gia, dịch Covid-19 xảy ra khiến Công ty CP Ameii Việt Nam cũng đối diện với nhiều lo lắng trong tổ chức sản xuất, lưu thông và cả chiến lược dài hạn của doanh nghiệp.
“Trong thời gian dịch Covid-19 đợt 4 xảy ra, khách hàng thường xuyên hỏi khả năng của doanh nghiệp về duy trì và cung ứng sản phẩm? Câu trả lời là chúng tôi đã có sự chuẩn bị rất sàng và sẽ cung ứng đủ theo kế hoạch. Do đó, trong thời điểm dịch Covid-19 doanh nghiệp có ảnh hưởng nhưng không nhiều”, ông Nguyễn Khắc Tiến – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ameii Việt Nam – chia sẻ thực tế câu chuyện của doanh nghiệp mình.
Vùng trồng cà rốt xuất khẩu tại Hải Dương |
Đáng chú ý, trong làn sóng Covid-19 đợt 3 bùng phát ở Bắc Giang, Hải Dương, đây cũng là thời điểm trái vải vào vụ thu hoạch. Tuy nhiên, Ameii vẫn thành công với các đơn hàng đi Nhật Bản, Hà Lan và EU. Ông Nguyễn Khắc Tiến cho hay, khi thời điểm dịch Covid-19 chưa cẳng thẳng, doanh nghiệp đã thành lập 1 HTX tập hợp các hộ trồng vải, tham gia ký kết để đảm bảo vùng nguyên liệu ổn định. Đồng thời, lên phương án thu hái, vận chuyển nếu có dịch Covid-19 bùng phát. Do đó, dù có gặp trường hợp chủ vườn là F0 nhưng doanh nghiệp vẫn thu mua được đúng sản lượng cần. “Mặc dù quãng đường đi từ vùng nguyên liệu đến nhà máy chỉ khoảng 2-3 tiếng nhưng vụ vải thiều năm nay, thời gian này lên tới 6-7 tiếng vì phải đảm bảo công tác phòng chống dịch”, ông Nguyễn Khắc Tiến cho biết và nhấn mạnh, vụ vải này sẽ khó tạo trái ngọt nếu thiếu vai trò kết nối của chính quyền địa phương.
Ông Nguyễn Khắc Tiến cho hay, duy trì nguồn cung, tổ chức sản xuất “3 tại chỗ”, công nhân làm 3 ca, sản xuất được kiểm soát chặt chẽ, thường xuyên thông tin đến bạn hàng về tình hình doanh nghiệp. Thành công đến với doanh nghiệp không chỉ ở vụ vải thiều mà sau dịch Covid-19 đợt 4, lượng đơn hàng đổ về doanh nghiệp tăng gấp đối. Nhất là các đơn hàng xuất khẩu đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Singapore. Vừa giữ được bạn hàng, vừa có thêm được khách hàng mới. Có thể thấy, trong khó khăn, nếu doanh nghiệp tìm được cơ chế thích ứng thì sẽ là cơ hội cho chính mình.
Những ngày cuối năm cũng là mùa cao điểm của thị trường phục vụ hàng hóa Tết Nguyên đán Nhâm Dần, tại các phân xưởng sản xuất trong nhà máy của Sunhouse (Khu công nghiệp km 21 đường Láng - Hòa Lạc, Hà Nội), những người lao động đang nỗ lực tăng ca nhằm tạo ra đủ lượng hàng hóa cho thị trường với mức giá cả ổn định nhất.
Sunhouse hướng đến mục tiêu 50% xuất khẩu và 50% tiêu thụ tại thị trường nội địa |
Ông Nguyễn Xuân Phú - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập Đoàn Sunhouse- chia sẻ, xác định mục tiêu phòng dịch không phải của nhà nước mà của chính bản thân doanh nghiệp, do đó, công tác phòng dịch luôn được doanh nghiệp đề cao và mọi bộ phận đều phải tuân thủ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng xây dựng rất nhiều kịch bản để nếu rơi vào kịch bản nào thì sẽ có giải pháp chủ động ứng phó. Do đó, dù gặp nhiều khó khăn do các đợt dịch Covid-19 nhưng Tập đoàn Sunhouse vẫn chủ động, bình tĩnh, qua đó duy trì sản xuất, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động. Doanh thu năm 2021 của công ty ước đạt hơn 5.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng nỗ lực xây dựng thương hiệu, tham gia các chương trình như: “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Thương hiệu Quốc gia; Hàng Việt Nam chất lượng cao… thúc đẩy người Việt dùng hàng Việt, xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp Việt lớn mạnh và quay lại đóng góp nhiều hơn cho xã hội và người tiêu dùng.
Rộn ràng đón những mùa vui
Những ngày cuối năm 2021- thời điểm mùa xuất khẩu sôi động nhất trong năm, khi công tác chống dịch bước sang giai đoạn mới, các doanh nghiệp đã thích ứng, ổn định và tăng tốc sản xuất, các nhà máy đang hối hả với nhiều đơn hàng mới, trong đó, có những mặt hàng phục vụ thị trường châu Á đón Tết.
Tại Hải Dương, nhà máy của Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam đang phải hoạt động hết công suất để sơ chế hơn 10 tấn nguyên liệu mỗi ngày, đáp ứng yêu cầu xuất được 5 container nông sản mỗi tháng. Bà Ngô Thị Thu Hồng – Giám đốc Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam – chia sẻ, doanh nghiệp đang chuẩn bị các mặt hàng phục vụ cho nhu cầu Tết như lá dong, lá chuối, củ sả, rau quả vụ Đông và thị trường chính là Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore,… Ngoài ra có mía ép, ổi ép xuất đi Mỹ, EU. Giao thương thuận lợi giúp doanh nghiệp giảm bớt chi phí đi nhiều.
Sản xuất tại Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân |
Trong lĩnh vực dệt may, ông Nguyễn Đăng Lợi - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân - cho biết, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 nhưng Công ty vẫn nỗ lực duy trì sản xuất, lợi nhuận vừa đủ để bảo đảm đời sống cho công nhân. Hiện, hơn 90% sản phẩm của đơn vị này phục vụ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Dịch Covid-19 cũng là thời điểm để doanh nghiệp nhìn lại và hoạch định kế hoạch phát triển của doanh nghiệp mình. Đi song song “2 chân”, trong thời gian tới, doanh nghiệp sẽ triển khai nhiều mẫu mã sản phẩm để phát triển thị trường trong nước cùng với việc đẩy mạnh thị trường xuất khẩu.
Trong khi đó, những kế hoạch cho năm 2022 và dài hơi hơn cũng đã được Sunhouse lên kế hoạch. Ông Nguyễn Xuân Phú cho hay, trước đây, doanh nghiệp chủ yếu bán tại thị trường trong nước, chỉ khoảng 5% cho xuất khẩu. Cách đây 2 năm doanh nghiệp bắt đầu tập trung vào thị trường xuất khẩu. Dự kiến, năm nay doanh thu xuất khẩu tăng lên khoảng 25% và Sunhouse hướng đến mục tiêu 50% xuất khẩu và 50% tiêu thụ tại thị trường nội địa.
Dịch Covid-19 vẫn đang diễn ra tại Việt Nam và trên thế giới. Điều này sẽ ảnh hưởng nhất định đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng mong muốn nhà nước tiếp tục có những chương trình, đề án, giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch.
Hiện cộng đồng doanh nghiệp chia ra các nhóm khác nhau. Theo đó, nhóm cac doanh nghiệp lớn, có tiềm lực và có nguồn dự phòng. Nhóm này đang có rất nhiều cơ hội từ bên ngoài và rất cần các hỗ trợ về chính sách, cơ chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính cũng như mặt bằng mở rộng sản xuất. Nhóm còn lại là các doanh nghiệp nhỏ, họ cần các chính sách liên quan đến dòng tiền như hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ thị trường… Do đó, ông Nguyễn Xuân Phú cho rằng, cần chia thành các nhóm doanh nghiệp và trên cơ sở đó các nhà hoạch định chính sách xây dựng các nhóm chính sách hỗ trợ cho phù hợp. Như vậy, sẽ giúp cho cả nền kinh tế phát triển.
2021 khép lại một năm đầy biến động với hình ảnh những nhà máy nông sản tất bật với đơn hàng mới, những cánh đồng rau trái rộn rã tiếng cười, trong các phân xưởng nhà máy rộn ràng tiếng máy cắt, máy may. Những nỗ lực vượt qua khó khăn của mỗi doanh nghiệp trong năm qua giúp “dòng chảy” của nền kinh tế Việt Nam tiếp tục khởi sắc và lấy lại đà tăng trưởng.
Mùa Xuân 2022 về mang lại luồng sinh khí tươi mới. Với động lực và tâm thế sẵn sàng chủ động vượt qua thách thức, chinh phục thị trường, vị thế của doanh nghiệp Việt Nam đang dần đổi thay và từng bước được khẳng định trên bản đồ thế giới.
Sự chủ động xây dựng kịch bản ứng phó cho những vấn đề bất khả kháng, điều mà các doanh nghiệp ví như cơ thể đã được tiêm đủ 2 liều vắc xin, có thể nhiễm bệnh nhưng sẽ không bị trở nặng, tạo nên sự thành công của doanh nghiệp trong năm qua. |
Nguyễn Hạnh
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận