24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Phạm Mai Hương
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Phát triển kinh tế tư nhân: Biến tư duy cải cách thành chính sách, hành động cụ thể

Những thay đổi trong tư duy quản lý nhà nước đối với khu vực kinh tế tư nhân cần được biến thành những chính sách, hành động cụ thể để khu vực này có thể “cất cánh”.

Thay đổi tư duy quản lý nhà nước

Trong những năm qua, vai trò, vị thế của kinh tế tư nhân ngày càng được khẳng định và thể hiện rõ nét thông qua những đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), khu vực này đóng góp tới 42,68% trong cơ cấu GDP quốc gia, cao hơn khu vực kinh tế nhà nước trên 14%, khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 25%. Đây cũng là khu vực đóng góp đáng kể trong tạo việc làm mới, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đánh giá, chất lượng phát triển của khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn hạn chế ở nhiều mặt, chưa thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Báo cáo Năng suất và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam, do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nghiên cứu vào năm 2019 cho thấy, doanh nghiệp tư nhân có năng suất lao động chỉ cao hơn loại hình kinh tế hợp tác, trong khi thấp hơn khá nhiều so với doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nhà nước.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, những điểm tồn tại, hạn chế của khu vực kinh tế tư nhân có một phần nguyên nhân xuất phát từ hạn chế, yếu kém của cơ chế, phương thức quản lý nhà nước về kinh tế.

Trước những bất cập trong phát triển kinh tế tư nhân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng và trình Chính phủ Đề án Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam, với mục tiêu đến năm 2030, đổi mới căn bản và toàn diện phương thức quản lý nhà nước theo hướng chính phủ số, chuyển từ kiểm soát sang kiến tạo; từ can thiệp trực tiếp sang gián tiếp; từ tiền kiểm sang giám sát theo nguyên tắc quản lý rủi ro; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; phù hợp với nguyên tắc và thông lệ quốc tế.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận, vẫn còn nhiều rào cản, nút thắt mà chúng ta chưa tháo gỡ, khơi thông. Rất nhiều chính sách phát triển kinh tế đã được ban hành nhưng vẫn vướng, nhất là tiếp cận nguồn lực đất đai, tín dụng. Do đó, theo Bộ trưởng, phải thay đổi từ tư duy, phải làm sao thể chế thuận lợi, hấp dẫn, thân thiện, bảo đảm an toàn cho người dân, doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh. Công tác xây dựng thể chế của bộ, ngành phải thay đổi, phải kiến tạo chứ không chỉ xem xét ở khía cạnh quản lý.

“Quản lý nhà nước phải là hình phễu, tất cả mọi thứ phải tự do thuận lợi vào, xong dùng các cơ chế chính sách, kiểm tra giám sát và làm hậu kiểm cho tốt. Chứ bây giờ chúng ta lại làm theo hình nón, vào cái là ghè ngay, nào là đất cát, vốn liếng, không thể làm được, tiếp cận được, mà lại tạo ra cơ chế xin - cho”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Cụ thể hóa bằng các nghị quyết, kế hoạch hành động

Trong văn bản mới nhất vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi tới các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các tỉnh, thành phố, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, theo Công văn số 2279/VPCP-KTTH ngày 1/4/2021 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Đề án Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam tới các cơ quan nói trên để nghiên cứu, tham khảo trong quá trình phối hợp xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cũng như trong xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.

Đề án đưa ra 4 quan điểm mấu chốt.

Một là, đổi mới tư duy quản lý nhà nước, theo đó Nhà nước coi doanh nghiệp vừa là khách hàng được phục vụ, vừa là đối tượng quản lý.

Hai là, tiếp tục đổi mới, nâng cao vai trò và hiệu lực quản lý nhà nước về kinh tế phù hợp với những yêu cầu của quá trình phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế và bối cảnh của tình hình mới.

Ba là, hệ thống luật pháp giữ vị trí trung tâm trong quá trình đổi mới quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân, phù hợp nguyên tắc và thông lệ quốc tế tốt.

Bốn là, đổi mới hiệu quả bộ máy quản lý nhà nước, nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ công chức, viên chức nhà nước trên tinh thần khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, ý chí tự cường và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong các nhóm giải pháp mà Đề án đưa ra, Ban soạn thảo đặc biệt nhấn mạnh nhóm giải pháp đổi mới quản lý nhà nước trong vai trò quản lý thị trường, thanh kiểm tra.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là hệ thống văn bản pháp quy về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các văn bản quản lý chất lượng của các bộ, ngành để làm cơ sở cho hậu kiểm.

“Việc chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm không có nghĩa là tạo sự lỏng lẻo, dễ dàng trong kiểm định, thanh tra, kiểm tra chất lượng sản phẩm, mà để nâng cao tính tự chủ, gắn ý thức và trách nhiệm của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh với quyền lợi của người tiêu dùng”, Đề án nêu rõ.

Phó viện trưởng CIEM, ông Phan Đức Hiếu cho hay, tư duy thanh tra, kiểm tra cũng sẽ có sự thay đổi triệt để. Ở đây, thay vì tạo ra nỗi sợ truyền kỳ, hoạt động này sẽ hướng tới việc giúp doanh nghiệp tuân thủ pháp luật chứ không phải là công cụ trừng phạt, triệt tiêu doanh nghiệp. Cùng với đó, sẽ áp dụng nguyên tắc có lợi nhất cho doanh nghiệp trong trường hợp pháp luật chưa rõ ràng, có nhiều cách hiểu khác nhau.

Đề án Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam cũng nhấn mạnh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tin học hóa để nâng cao hiệu quả công tác thanh kiểm tra, tránh hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự và can thiệp vào các vấn đề quản trị nội bộ của doanh nghiệp hoặc quan hệ pháp lý giữa các doanh nghiệp. Đẩy mạnh vai trò của các thể chế khác nhau ngoài hệ thống tòa án như trọng tài thương mại, hòa giải thương mại trong việc giải quyết các tranh chấp kinh tế, thương mại, dân sự…

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả