menu
'Phát hiện nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng qua thanh tra đột xuất'
Vương Tuyên Đức
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

'Phát hiện nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng qua thanh tra đột xuất'

Ông Đoàn Hồng Phong cho biết, căn cứ vào chỉ đạo, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành nhiều cuộc thanh tra đột xuất, phát hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.

Sáng 5/11, Quốc hội chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong về các nội dung thuộc lĩnh vực thanh tra. Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết từ ngày nhậm chức đến nay, đã chỉ đạo hoạt động thanh tra đột xuất liên quan các vụ việc tham nhũng trong ngành như thế nào, kết quả ra sao?

Ông Đoàn Hồng Phong cho hay, thanh tra đột xuất được thực hiện theo yêu cầu của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, của Chính phủ, Thủ tướng. Căn cứ vào chỉ đạo, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành nhiều cuộc thanh tra đột xuất, quy mô lớn, phức tạp, phát hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, kiến nghị chuyển cơ quan điều tra xử lý; chuyển nhiều hồ sơ sai phạm của cán bộ sang Ủy ban Kiểm tra Trung ương xử lý theo thẩm quyền.

Trong đó, có vụ việc cổ phần hóa cảng Quy Nhơn, AVG, Dự án nhiệt điện Thái Bình 2, Gang thép Thái Nguyên, vụ thuốc ung thư tại công ty cổ phần VNPharma và các dự án đất đai liên quan đến Phan Văn Anh Vũ; việc sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, trang thiết bị vật tư, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vaccine.

"Các cuộc thanh tra đột xuất này đều được thực hiện với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm cao nhất để báo cáo ban chỉ đạo, Thủ tướng, Chính phủ", ông Phong nói.

Đại biểu Bùi Mạnh Khoa (Thanh Hoá) nêu vấn đề thanh tra ngân hàng vừa qua đã phát hiện nhiều vụ việc và xử lý nghiêm, nhưng những vi phạm trong lĩnh vực ngân hàng vẫn phức tạp, tinh vi. "Trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ trong thanh tra ngân hàng và giải pháp căn cơ tới đây là gì?", ông Khoa chất vấn.

Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, hằng năm cơ quan này phối hợp với các cơ quan trình Chính phủ kế hoạch định hướng thanh tra, trong đó có thanh tra trọng tâm, trọng điểm như ngành ngân hàng. Nội dung thanh tra tập trung vào quản lý tiền tệ, cấp tín dụng, đầu tư vào các lĩnh vực rủi ro như bất động sản, trái phiếu chứng khoán, nợ xấu ngân hàng, phòng chống rửa tiền...

Theo quy định, Thanh tra Chính phủ chỉ thanh tra tại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước trên 50%. Ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân hoặc nhà băng có vốn nhà nước dưới 50% không thuộc diện thanh tra của Thanh tra Chính phủ, trừ trường hợp đặc biệt chỉ đạo từ Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Chính phủ hoặc Thủ tướng giao.

Những năm qua, Thanh tra Chính phủ mới tiến hành thanh tra một vụ việc tại ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, là Ngân hàng Đại Chúng; thanh tra tại Ngân hàng Nhà nước, 4 ngân hàng thương mại cổ phần có vốn Nhà nước (VietcomBank, VietinBank, BIDV, Agribank); hai ngân hàng chính sách (Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam VDB).

Kết quả thanh tra đã phát hiện nhiều sai sót, vi phạm và kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhiều chính sách bất cập. Việc này đã góp phần giữ kỷ cương, kỷ luật ngành ngân hàng. Một số vụ việc có dấu hiệu hình sự đã được chuyển cơ quan điều tra. Chẳng hạn, quá trình thanh tra tại Agribank năm 2011, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện, chuyển hồ sơ 14 vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự sang cơ quan điều tra Công an. Các vụ việc này đã được cơ quan điều tra tiến hành tố tụng. Hàng chục cán bộ ngân hàng liên quan đã được đưa ra xét xử.

Kết quả xử lý với tập thể, cá nhân, nhất là những nơi để xảy ra vi phạm nghiêm trọng, là nội dung đại biểu Nguyễn Thành Công (Ninh Bình) chất vấn.

Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, 9 tháng đầu năm, các cơ quan đã xử lý hành chính hơn 1.700 tổ chức; gần 4.500 cá nhân, và chuyển cơ quan điều tra 76 vụ, 93 đối tượng. Tuy nhiên, việc xử lý sau thanh tra còn hạn chế. Nguyên nhân là theo Luật Cán bộ công chức, thẩm quyền kỷ luật cán bộ công chức do người đứng đầu quản lý tiến hành theo phân cấp và thông qua hội đồng kỷ luật. Cơ quan thanh tra không có quyền xử lý, mà chỉ kiến nghị. Như vậy có sự khác nhau về chế tài giữa xử lý kỷ luật Đảng. Khi phát hiện sai phạm, Uỷ ban Kiểm tra có thể thực hiện ngay quy trình xử lý cán bộ, còn thanh tra phải kiến nghị tới các cơ quan có thẩm quyền xử lý.

Bên cạnh đó, còn quy định khác nhau về thời hiệu xử lý kỷ luật Đảng và hành chính. Chẳng hạn thời hiệu xử lý khiển trách về Đảng là 5 năm, hành chính là 2 năm; cảnh cáo trong Đảng là 10 năm, còn hành chính là 5 năm. Vì thế, có trường hợp đề nghị kỷ luật Đảng khi xem xét thì thời hiệu xử lý hành chính đã hết. Chính phủ đang đề xuất sửa đổi thời hiệu xử lý giữa Đảng và hành chính để không còn vênh nhau. "Một số đơn vị chậm thực hiện kết luận thanh tra", ông Phong nói.

Về thu hồi tài sản tham nhũng, đại biểu Dương Khắc Mai (Đăk Nông) đánh giá thời gian qua tỷ lệ còn thấp. Tham nhũng trên một số lĩnh vực còn diễn biến nghiêm trọng, phức tạp, gây bức xúc trong xã hội. Ông đề nghị Tổng thanh tra cho biết nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp trong thời gian tới?

Tổng thanh tra Chính phủ nói việc thu hồi tài sản tham nhũng là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp. Vì vậy, tháng 6/2021, Ban Bí thư ban hành chỉ thị về tăng cường thu hồi tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án hình sự, kinh tế. Thời gian qua, cơ quan chức năng đã thực hiện tốt công tác này, tỷ lệ thu hồi năm sau cao hơn năm trước.

9 tháng đầu năm, thanh tra đã đôn đốc gần 5.600 kết luận thanh tra, thu hồi hơn 1.000 tỷ đồng, đạt 60%, gấp đôi năm 2021; xử lý 1.700 tổ chức và 4.800 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 76 vụ với 93 đối tượng. Khoảng 1.800 vụ đã thi hành án với hơn 15.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ông Phong thừa nhận tỷ lệ thu hồi tham nhũng còn thấp. Thời gian tới, cơ quan thanh tra sẽ hoàn thiện pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng; tăng cường xử lý sau thanh tra về thu hồi tài sản tham nhũng; chủ động có biện pháp kê biên, phong tỏa tài sản đảm bảo xử lý sau thanh tra, thi hành án; tăng cường hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp để thu hồi tài sản tham nhũng với các vụ việc có yếu tố nước ngoài. "Khi vụ án xảy ra, nếu người tham nhũng nộp lại tiền, thì sẽ được xem xét giảm thời gian thi hành án", ông Phong nói.

Chung mối quan tâm, đại biểu Phạm Nam Tiến (chuyên trách Ủy ban Văn hóa Giáo dục) nêu thực trạng 40-50% số tài sản chưa được thu hồi trong các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng chỉ đạo. Bên cạnh đó, các cơ quan mới kiểm soát tài sản trong hệ thống chính trị, còn tài sản do người thân đối tượng phạm tội tham nhũng đang đứng tên hoặc sở hữu vẫn là khoảng trống rất lớn. Ông Tiến đề nghị Tổng Thanh tra cho biết giải pháp căn cơ nhằm thu hồi tài sản tham nhũng.

Tiếp tục khẳng định thu hồi là vấn đề khó, ông Phong cho biết, Ban Bí thư đã có Chỉ thị 04, do đó kết quả 9 tháng đầu năm thu hồi tài sản tham nhũng đã tăng gần gấp đôi so với năm 2021. Thời gian tới, ngoài việc thực hiện tốt Chỉ thị này, Thanh tra Chính phủ đề nghị các cơ quan sửa đổi bổ sung quy định thu hồi tài sản, giải quyết bất cập, đảm bảo tính đồng bộ để thu hồi hiệu quả.

Về giải pháp, ông Phong cho rằng cần hoàn thiện cơ chế thu hồi, tăng cường xử lý sau thanh tra và thi hành án, khi phát hiện dấu hiệu tội phạm phải xử lý ngay, tránh tẩu tán, thất thoát tài sản; tích cực hợp tác quốc tế trong giải quyết, thu hồi tài sản có yếu tố nước ngoài.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy đề nghị Tổng thanh tra Chính phủ cho biết giải pháp khắc phục việc chậm ban hành kết luận thanh tra.

Ông Phong cho biết, có nhiều giải pháp, đầu tiên là ngay dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi, điều chỉnh thời hạn công bố kết quả thanh tra với các cuộc thanh tra lớn, phức tạp từ 15 lên 30 ngày. Trước đây, tất cả các cuộc thanh tra đều 15 ngày, bây giờ tách ra, Thanh tra Chính phủ với quy mô phức tạp là 30 ngày, còn các cấp thanh tra khác là 20 và 10 ngày.

Về báo cáo thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước dự thảo kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ đang báo cáo Thủ tướng và xin ý kiến các bộ ngành. Nhưng theo dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi thì chỉ quy định ba trường hợp cần báo cáo thủ trưởng cơ quan là liên quan đến quốc phòng an ninh; do Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng chỉ đạo; do yêu cầu thực tế trong quá trình lãnh đạo mà thủ trưởng cơ quan quản lý yêu cầu báo cáo. Khi cơ quan thanh tra báo cáo những trường hợp này, chậm nhất là 30 ngày, thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước phải có ý kiến, nếu không cơ quan thanh tra sẽ ban hành kết luận.

Theo ông Phong, Thanh tra Chính phủ tiếp tục đổi mới phương pháp, đẩy nhanh tiến độ, khắc phục chậm ban hành kết luận thanh tra, quy định trách nhiệm cụ thể cho trưởng, phó đoàn thanh tra, người ra quyết định thanh tra, thành viên đoàn, người giám sát... phải xử lý nếu để lọt lộ, chậm ban hành.

Đoàn thanh tra bị cấm nhận quà, tiền, giao lưu ăn uống với đối tượng thanh tra dưới mọi hình thức, làm lộ, lọt bỏ sót hành vi vi phạm... "Mong đại biểu và cử tri giúp Thanh tra Chính phủ giám sát, phản ánh sai phạm của các thành viên đoàn thanh tra tại các địa phương, bộ ngành", Tổng thanh tra Chính phủ nói.

Trả lời tranh luận đại biểu Trần Quang Minh về số lượng, chất lượng, đạo đức công vụ của lực lượng thanh tra, ông Phong nói thời gian qua, lực lượng thanh tra cơ bản chấp hành quy định. Có một số trường hợp để xảy ra vi phạm như vụ việc thanh tra ngành xây dựng đến thanh tra tại Vĩnh Phúc. Cách đây 20 năm, ngay tại Thanh tra Chính phủ cũng có những vụ nhận hối lộ, bị xử lý.

Ngành thanh tra có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng cán bộ. Tháng 7 vừa qua, Thanh tra Chính phủ ban hành nghị quyết quy định nâng cao chất lượng, tiến độ kết luận thanh tra, đồng thời quy định trách nhiệm và những điều nghiêm cấm cán bộ thanh tra không được làm.

Chiều nay, từ 14h đến 15h,Tổng Thanh tra Chính phủ và các thành viên Chính phủ liên quan, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước tiếp tục trả lời chất vấn các nội dung thuộc lĩnh vực thanh tra.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
0.90 (0.00%)
3,230.00 +16.00 (+0.50%)
prev
next

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả