Phân bón Hàn - Việt chính thức về chung nhà với Đạm Cà Mau (DCM)
Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã cổ phiếu DCM) vừa chính thức tiếp nhận bàn giao Công ty TNHH Phân bón Hàn - Việt.
Ông Lê Ngọc Minh Trí - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Đạm Cà Mau (bên phải) và ông Kim Kwang Chul - Tổng Giám đốc Phân bón Hàn - Việt (bên trái) thực hiện ký kết bàn giao.
Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã cổ phiếu DCM - sàn HoSE) và Tập đoàn Taekwang (Hàn Quốc) vừa chính thức tiến hành Lễ ký kết thoả thuận bàn giao Công ty TNHH Phân bón Hàn - Việt (KVF).
Tham dự Lễ ký kết, về phía Đạm Cà Mau có ông Văn Tiến Thanh - Thành viên Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc cùng các thành viên khác trong Hội đồng Quản trị, Ban Tổng giám đốc… Về phía Tập đoàn Taekwang có ông Kim Kwang Chul - Tổng Giám đốc Phân bón Hàn - Việt.
Phát biểu tại buổi Lễ, ông Văn Tiến Thanh cho biết việc “đón” Phân bón Hàn - Việt về chung nhà với Đạm Cà Mau là một trong những bước tiến quan trọng để Đạm Cà Mau hoàn thiện bộ giải pháp dinh dưỡng toàn diện cho cây trồng, cùng bà con phát triển bền vững hơn, thịnh vượng hơn.
Nhà máy KVF chính thức đi vào hoạt động kể từ tháng 12/2017, với công suất thiết kế 360.000 tấn NPK/năm, tổng vốn đầu tư là hơn 60 triệu USD, tại khu vực Nhà Bè, TP.Hồ Chí Minh. Hồi cuối năm ngoái, Đạm Cà Mau đã cho biết sẽ chi tối đa 25 triệu USD cho thương vụ mua lại Nhà máy KVF.
Theo đánh giá hiện nay của nhiều tổ chức tài chính, việc thâu tóm thành công Nhà máy KVF sẽ tạo động lực tăng trưởng mới cho Đạm Cà Mau, giúp tăng năng lực sản xuất phân bón NPK lên hơn gấp đôi, đạt tổng 660.000 tấn/năm trong bối cảnh Nhà máy NPK của Đạm Cà Mau đang hoạt động tối đa công suất.
Đáng chú ý, so với các doanh nghiệp sản xuất NPK khác, Đạm Cà Mau đang có lợi thế là tự chủ được nguồn phân ure đầu vào.
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu DCM của Đạm Cà Mau từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)
Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông bất thường hồi giữa tháng 1/2024, ban lãnh đạo Đạm Cà Mau cho biết: “Hiện tại nguyên liệu để sản xuất NPK đa số phải nhập khẩu và giá bán NPK chủ yếu xác định trên giá nguyên liệu, vì vậy làm tốt khâu nguyên liệu, chủ động và ký hợp động nhập khẩu nguyên liệu cùng với sản phẩm chủ lực ure sẽ là lợi thế cho công ty. Việc sản xuất và kinh doanh NPK còn là đòn bẩy để công ty phát huy hoạt động xuất, nhập khẩu và kinh doanh các sản phẩm phân bón khác”.
Ngoài ra, vị trí, hệ thống kho bãi, và mạng lưới phân phối sẵn có của Nhà máy KVF tại Nhà Bè sẽ cho phép Đạm Cà Mau mở rộng hiện diện tại thị trường tiềm năng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Tại khu vực Tây Nam Bộ, Đạm Cà Mau đang chiếm đến 61% thị phần.
Để chuẩn bị cho việc mở rộng mảng NPK, từ những năm qua, Đạm Cà Mau đã triển khai các hoạt động marketing, xâm nhập thị trường, tạo được lợi thế cạnh tranh nhất định. Qua đó, sản lượng kinh doanh NPK đã liên tục tăng trưởng, từ 41.000 tấn trong năm 2021 lên 152.000 tấn trong năm 2023.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 2/4, thị giá cổ phiếu DCM đạt 34.750 đồng/cổ phiếu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận