24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hoàng Hảo
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

PGS.TS Trần Đắc Phu: “Việt Nam đang đi đúng hướng và kiểm soát dịch Covid-19 hiệu quả”

“Từ bài học kinh nghiệm trong đợt dịch thứ 4 tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, Việt Nam đã xây dựng được Chiến lược Thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch Covid-19 có hiệu quả trong thời điểm này”- PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng chia sẻ với VOV.VN.

Với chiến lược thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, Việt Nam đang đi đúng hướng và ghi nhận những dấu hiệu tích cực trong kiểm soát dịch. Để đạt được “mục tiêu kép” - vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, Việt Nam đã triển khai những chiến lược phù hợp với thực tế diễn biến dịch. Bên cạnh sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự góp sức và tham gia tích cực của người dân cũng đóng vai trò quan trọng để đất nước phát triển giữa đại dịch. Đặc biệt trong đó, sự an toàn của người dân được đặt lên trên hết và đảm bảo “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Phóng viên VOV.VN đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế) về nội dung này:

PV: Thưa PGS.TS Trần Đắc Phu, năm 2021, Việt Nam bước vào đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ tư (từ cuối tháng 4/2021). Đây là giai đoạn chống dịch căng thẳng nhất, với sự xuất hiện của biến chủng Delta, đã phá vỡ những phòng tuyến chống dịch, khiến dịch bùng phát đỉnh điểm tại TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam. Điều này cho thấy sự nguy hiểm khi biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 xuất hiện. Xin PGS đánh giá bài học chống dịch của chúng ta trong bối cảnh xuất hiện biến chủng mới?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Có lẽ trong năm 2020-2021 và đến nay là Tết thứ 3 chúng ta phải đáp ứng với tình hình dịch Covid-19. Chúng ta đã trải qua 4 đợt dịch. Không đợt dịch nào giống đợt dịch nào. Trong 3 đợt dịch trước, với chiến lược Zero Covid, Việt Nam đã rất thành công. Tỷ lệ mắc, tỷ lệ tử vong thấp nhất trên thế giới. Trong khi rất nhiều nước, kể cả những nước phát triển, các quốc gia châu Âu, châu Mỹ có số mắc và số tử vong rất cao.

Đợt dịch đầu tiên xảy ra ở các nước châu Âu, châu Mỹ vào Việt Nam chỉ có khoảng 16 ca bệnh, đợt dịch thứ hai cũng chỉ khoảng vài trăm ca bệnh, đợt dịch thứ 3 xảy ra ở khu công nghiệp nhưng chúng ta đều chống dịch và mang lại những thành công rất lớn. Tuy nhiên, đợt dịch thứ 4, cũng có những sự bất ngờ với chủng Delta lây lan rất nhanh. Sự bất ngờ này không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với nhiều nước, trong đó các nước châu Á như Ấn Độ, Indonesia, Philippine.

Trước chủng Delta lây lan như vậy, vấn đề dự báo của Việt Nam cũng rất khó lường và chúng ta chậm một nhịp nên dẫn tới chúng ta phải trả giá tốn kém về tiền của và người. Tuy vậy, chúng ta cũng rút ra được những bài học và có lẽ các cấp chính quyền, các ngành cũng như từng vị trí sẽ rút kinh nghiệm riêng. Bản thân tôi thấy rằng, có những bài học còn có giá trị trong công tác chống dịch tới đây và cũng như trong trong phòng, chống bệnh dịch khác.

Mặc dù lúc đầu chúng ta dự báo chưa chuẩn, số mắc và tử vong tăng cao trong khu vực TP.HCM cũng như một số các tỉnh miền Đông Nam Bộ như Bình Dương hoặc miền Tây Nam Bộ như Long An. Sau đó với tinh thần là “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và tất cả các bộ, ngành đã thay đổi quyết liệt, vào cuộc quyết liệt, đặc biệt là các ngành: y tế, quân đội, công an... chúng ta đã nhanh chóng khống chế được dịch.

Tôi cho rằng, chiến lược chống dịch, ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng và dập dịch cũng như điều trị hậu quả là vô cùng ý nghĩa. Mỗi một thời điểm chống dịch theo từng thời điểm, chúng ta có những cái khác nhau.

PGS.TS Trần Đắc Phu: “Việt Nam đang đi đúng hướng và kiểm soát dịch Covid-19 hiệu quả”
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế).

Ví dụ chủng lây lan chậm như đợt dịch đầu tiên xảy ra ở một địa bàn khi số mắc chưa cao thì chúng ta vẫn có thể truy vết được, vẫn thực hiện phong tỏa nhỏ được nhưng khi dịch bùng phát lớn như TP.HCM, chúng ta phải thay đổi các giải pháp trong chiến lược đó. Đó là Chiến lược “dĩ bất biến”, nhưng “ứng vạn biến” là chúng ta phải thay đổi. Trong việc phát hiện thì xét nghiệm vô cùng quan trọng. Xét nghiệm không những để phát hiện ổ dịch mà còn phải đánh giá nguy cơ để đáp ứng kịp thời, đáp ứng theo nguy cơ, tránh hiện tượng nguy cơ không tính toán tới thì chúng ta đáp ứng không kịp thời, không kiểm soát hiệu quả. Nhưng đáp ứng quá gây nên hiện tượng thái quá, gây ảnh hưởng đến kinh tế xã hội và an sinh của người dân. Hay vấn đề truy vết, bây giờ dịch nhiều chúng ta không còn sức để truy vết, chúng ta phải thay đổi cách ứng xử trong việc phát hiện các ổ dịch. Đặc biệt là vấn đề cách ly. Khi dịch xảy ra trên diện rộng, nhiều F0, nhiều ổ dịch, chúng ta không thể cách ly tập trung mà phải cách ly tại nhà, điều trị tại nhà.

Kinh nghiệm là sự tiếp cận của y tế cơ sở, y tế dự phòng với người nhiễm để họ được tư vấn, được hướng dẫn về điều trị, cách dùng thuốc, tâm lý, cách ăn uống...giúp họ vượt qua cơn khủng hoảng về tinh thần. Đặc biệt giảm thiểu nguy cơ bệnh nhân chuyển nặng.

Một điểm nữa là cách phân luồng, phân tầng, chúng ta làm tốt tầng nào điều trị tại nhà, tầng nào điều trị trung bình và tầng nào điều trị ICU để không phí về nhân lực. Người bệnh nặng được sự chăm sóc, điều trị từ những thầy thuốc có kinh nghiệm sâu.

Vấn đề phong tỏa cũng cần phải rút kinh nghiệm, tránh hiện tượng ngoài chặt trong lỏng, dẫn tới việc phong tỏa không triệt để, không hạn chế được lây lan. Khi phong tỏa phải đảm bảo được an sinh xã hội. Ngoài ra vấn đề ưu tiên nguồn lực, trong lúc dịch bùng phát lớn, cần phải có ưu tiên nhất định, chúng ta không thể rải mành mành tất cả các hoạt động từ xét nghiệm đến truy vết, phong tỏa. Phải ưu tiên điều trị những ca bệnh. Đó là những nội dung cũng cần phải rút kinh nghiệm trong việc điều hành. Một điều quan trọng nữa là sự hỗ trợ của Trung ương đối với địa phương, hỗ trợ của địa phương với các địa phương. Tại TP.HCM, khi dịch bùng phát diện rộng, địa phương này đã nhân được sự hỗ trợ rất lớn và Việt Nam có chính quyền cơ sở, y tế cơ sở, công an cơ sở, quân đội cơ sở. Đặc biệt, trong chiến dịch vừa qua, sự hỗ trợ của người dân, tình quân dân, tình dân với dân đã giúp chúng ta vượt qua những khó khăn. Đợt dịch thứ 4 tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam là bài học rất quý giá. Nhờ đó mà chúng ta đã xây dựng được Chiến lược Thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch Covid-19 có hiệu quả trong thời điểm này.

PV: Là một trong những chuyên gia hàng đầu về y tế dự phòng, là người tham gia và trực tiếp đề xuất các giải pháp chống dịch trong các cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19, ông có đánh giá gì về những thay đổi chiến lược chống dịch của Việt Nam hiện nay? Những chiến lược này đã mang lại hiệu quả như thế nào?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Giải pháp trong Chiến lược mới hoàn toàn khác so với trước đây. Trước đây chúng ta phải là ngăn chặn tuyệt đối với người nhập cảnh, phải phong tỏa chặt chẽ. Xét nghiệm trên diện rộng rất tốn tiền. Những với chiến lược mới, chúng ta đã tiêm vaccine Covid-19 ở một tỷ lệ rất cao. Người tiêm vaccine có thể vẫn bị nhiễm, có thể vẫn lây lan cho người khác nhưng triệu chứng không nặng, không gây quá tải hệ thống y tế và đặc biệt giảm tỷ lệ tử vong xuống mức thấp nhất.

Chúng ta có kinh nghiệm tăng cường y tế cơ sở, y tế dự phòng, y tế cơ sở tiếp xúc với bệnh nhân sớm và tư vấn trong điều trị để họ không bị chuyển nặng và quan trọng là không bị quá tải hệ thống y tế. Bên cạnh đó, vừa chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế. Chúng ta đã có kinh nghiệm người dân cũng đã thích ứng để sống chung một cách an toàn với tình hình dịch bệnh, chống dịch hiệu quả nhưng chúng ta vẫn sản xuất, phát triển kinh tế và vẫn đảm bảo an sinh xã hội.

PV: Diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới vẫn đang rất phức tạp, theo ông đâu sẽ là điều kiện cần và đủ để các nước và nhất là Việt Nam chung sống an toàn, kiểm soát dịch hiệu quả?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Trước tiên tôi muốn nói về quan điểm để chống dịch hiệu quả, bảo vệ được sức khỏe của người dân, đó là có thể có những trường hợp nhiễm nhưng họ không chuyển nặng và không bị quá tải hệ thống y tế, không tử vong. Quan điểm thứ hai là chúng ta chống dịch nhưng vẫn phải phát triển kinh tế, đảm bảo được an sinh xã hội cho người dân. Một quan điểm cũng rất quan trọng là chống dịch mà đánh giá được nguy cơ, nguy cơ đến đâu đáp ứng đến đó, tránh việc không đánh giá đúng thì không đưa ra được biện pháp can thiệp dịch có hiệu quả và để bùng lên. Nhưng nếu chúng ta can thiệp không đúng, quá rộng, chi phí tốn kém gây ảnh hưởng tới kinh phí cũng như ảnh hưởng đến an sinh xã hội của người dân, xảy ra chuyện “ngăn sông cấm chợ” “cát cứ” là điều hoàn toàn không thể nào chấp nhận được trong thời điểm hiện nay.

Điều kiện cần và đủ là trong bối cảnh hiện nay, chúng ta vẫn phải cảnh giác, không thể lơ là, chủ quan, không thể cho rằng đã tiêm vaccine mà buông xuôi, thả lỏng. Chúng ta vẫn phải kiểm soát những ca bệnh để không bùng phát mạnh. Bởi đã bùng phát sẽ dễ dẫn đến tình trạng quá tải hệ thống y tế. Ví dụ, trước kia tỷ lệ chuyển nặng là 10% (tức 10 người thì có 1 người bị chuyển nặng), bây giờ tỷ lệ chuyển nặng chỉ có 1 % nhưng nếu để nhiễm quá nhiều, tỷ lệ 1% thì cũng có 1 người và số tuyệt đối là như nhau. Chúng ta vẫn phải thực hiện theo Nghị quyết 128, kiểm soát số ca mắc để không bùng phát quá mạnh. Thực hiện phủ vaccine. Hiện nay tỷ lệ tiêm vaccine mũi 1, mũi 2 tương đối cao nhưng với virus SARS-CoV-2, hiệu quả bảo vệ vaccine không cao, khả năng miễn dịch không bền thì phải tiếp tục tiêm vaccine mũi 3. Một vấn đề cũng vô cùng quan trọng là vấn đề đáp ứng can thiệp y tế để hệ thống y tế không quá tải. Người nhiễm Covid-19 phải được tiếp cận y tế sớm nhất, đáp ứng đầy đủ giường bệnh theo từng phân tầng để phù hợp, hợp lý trong việc điều trị cho người bệnh nhằm đảm bảo nhân lực y tế.

Chống dịch là toàn dân, dịch ở trong dân, vì vậy người dân tuyệt đối không được chủ quan lơ là, quan trọng nhất là vấn đề dự phòng cá nhân. Nếu mỗi người dân ý thức thì sẽ chống dịch hiệu quả. Điểm quan trọng nữa là phải có những đường lối đúng, chỉ đạo đúng, quyết liệt của chính quyền từ Trung ương tới địa phương, tránh “mỗi nơi một kiểu”.

PV: Sự góp sức của người dân là không thể thiếu trong cuộc chiến chống dịch này. Ở mỗi thời điểm chúng ta sẽ có những thích ứng linh hoạt để sống chung với dịch. PGS có khuyến cáo cụ thể nào với người dân trong dịp đầu năm mới 2022 này để cả nước cùng kiểm soát dịch hiệu quả trong thời gian tới?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Nhân dịp Tết Nhâm Dần, tôi cũng khuyến cáo người dân, việc về quê ăn Tết nhưng phải thực thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh, đặc biệt là 5K. Đi lại an toàn, về nhà không nên tụ tập ăn uống, không nên đi chúc tụng khi không cần thiết, đặc biệt chú ý vấn đề phòng bệnh cho người già, những người bệnh nền, người chưa tiêm vaccine. Chúng ta cũng phải có phương án cho cá nhân và đặc biệt phải liên hệ với cán bộ y tế của địa phương để khi có những tình huống xảy ra thì có thể cùng với cộng đồng bảo vệ sức khỏe của cá nhân cũng như không để dịch lây nhiễm cho cộng đồng. Tôi cũng mong muốn rằng người dân cần có trách nhiệm và cũng chúc người dân sức khỏe, đón Tết vui vẻ an lành, an toàn./.

Vâng xin cảm ơn ông!./.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả