OPEC+ không có khả năng kiểm soát sự biến động mạnh của giá dầu
Các nhà phân tích cho rằng với việc một số thành viên OPEC+ không đạt mức hạn ngạch sản lượng hằng tháng, liên minh này sẽ không thể kiểm soát được sự biến động mạnh của giá dầu.
Theo đánh giá của giới phân tích, tại cuộc họp hằng tháng vào ngày 2/3 tới nhằm thảo luận về vấn đề sản lượng và khả năng nới lỏng xuất khẩu dầu mỏ, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất liên minh, còn gọi là OPEC+, sẽ hoàn toàn chưa có khả năng kiềm chế đà leo thang của giá dầu, vốn đã tăng lên hơn 100 USD/thùng sau khi căng thẳng Nga - Ukraine gia tăng.
Các nhà phân tích cho rằng với việc một số thành viên OPEC+ không đạt mức hạn ngạch sản lượng hằng tháng của họ, liên minh các nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu này sẽ không thể kiểm soát được sự biến động mạnh của giá dầu trên các thị trường quốc tế.
Chuyên gia phân tích Tamas Varga từ hãng PVM Energy nhận xét chỉ Ả Rập Xê-út và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), hoặc có thể là Kuwait, có khả năng sẽ tăng sản lượng trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, Ả Rập Xê-út đã tái khẳng định hồi đầu năm nay rằng nước này tuân thủ nghiêm các điều khoản của thỏa thuận mà OPEC+ đã thống nhất.
Ả Rập Xê-út ngày 27/2 cũng đã xác nhận cam kết tuân thủ thỏa thuận hạn ngạch sản lượng giữa OPEC+ với Nga.
Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 27/2, Thái tử Ả Rập Xê-út Mohammed bin Salman khẳng định nước này quan tâm đến sự ổn định và cân bằng của thị trường dầu mỏ, đồng thời nhấn mạnh Riyadh sẽ tuân thủ cam kết của mình đối với thỏa thuận OPEC+.
Trong khi Ả Rập Xê-út được coi là trụ cột trong 13 nước thành viên OPEC, Nga là nhà sản xuất chủ chốt trong số 10 quốc gia khác hình thành nên liên minh OPEC+.
Trong khi đó, nhà phân tích Stephen Brennock của hãng PVM Energy cho rằng, OPEC+ sẽ thực hiện sứ mệnh "bình ổn thị trường dầu mỏ", đặc biệt trong bối cảnh giá dầu biến động mạnh hiện nay.
Theo báo cáo của OPEC, trong giai đoạn từ tháng 12/2021 đến 1/2022, các thành viên OPEC đã tăng sản lượng thêm 64.000 thùng/ngày, đưa tổng sản lượng của khối lên 27,981 triệu thùng/ngày.
Tuy nhiên, con số này thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng 400.000 thùng/ngày mà OPEC+ nỗ lực hướng tới kể từ tháng 5/2021, khi liên minh này bắt đầu dần thu hẹp các mức cắt giảm sản lượng để hỗ trợ cho đà phục hồi kinh tế toàn cầu sau cú sốc do làn sóng lây nhiễm COVID-19 đầu tiên gây ra.
Còn nhà phân tích Han Tan từ hãng Exinity cho rằng tình trạng thiếu đầu tư trong nhiều năm và bất ổn chính trị kéo dài đã khiến công suất dự phòng sụt giảm nghiêm trọng ở các nước như Nigeria, Angola và Libya.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận