24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Phạm Học
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Ông Trịnh Văn Quyết định bán 70 triệu cổ phiếu của FLC Faros để giảm tỷ lệ sở hữu, Tập đoàn FLC đã góp thêm vốn 242 tỷ cho Bamboo Airways

Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT của hai doanh nghiệp FLC Faros (mã chứng khoán ROS) và Tập đoàn FLC (mã chứng khoán FLC) vừa thông báo đăng ký bán 70 triệu cổ phiếu ROS để giảm tỷ lệ sở hữu tại FLC Faros.

Ông Trịnh Văn Quyết và câu chuyện sở hữu tại các doanh nghiệp liên quan

Theo thông báo gửi đến các cơ quan quản lý nhà nước, ông Trịnh Văn Quyết sẽ đăng ký bán 70 triệu cổ phiếu ROS của FLC Faros (một trong hai doanh nghiệp do ông làm chủ tịch HĐQT) theo phương thức giao dịch thỏa thuận qua sàn, dự kiến từ ngày 5/9 đến ngày 4/10.

Mục đích thực hiện giao dịch chỉ được thông báo gọn là "giảm tỷ lệ sở hữu". Theo đó, ông Quyết đang sở hữu 67,34% vốn điều lệ tại FLC Faros (382.217.556 cổ phiếu). Sau khi bán đi 70 triệu cổ phiếu, tỉ lệ sở hữu sẽ giảm xuống còn 55,01%.

Nếu tính theo giá giao dịch của cổ phiếu ROS hiện tại là 27.100 đồng/cổ phiếu (chốt phiên 3-9) thì khối lượng cổ phiếu bán ra có giá trị ước tính khoảng 1.897 tỷ đồng. Đây có thể xem là đợt xả hàng lớn nhất năm 2019 của vị đại gia này.

Hiện tại, ở một doanh nghiệp có liên quan là Tập đoàn FLC, ông Quyết cũng đang nắm giữ tỉ lệ sở hữu 21,19% (150.436.257 cổ phiếu).

Trên báo cáo tài chính, hai doanh nghiệp FLC Faros và Tập đoàn FLC của ông Trịnh Văn Quyết thể hiện nhiều giao dịch có liên quan.

Báo cáo tài chính hợp nhất bán niên soát xét 2019 của Tập đoàn FLC cho thấy doanh nghiệp này đầu tư khoảng 225 tỷ đồng vào FLC Faros và có khoản phải trả trước là 460 tỷ đồng, tính tới thời điểm lập báo cáo bán niên.

Trong kỳ báo cáo bán niên, Tập đoàn FLC thể hiện giá trị mua bán khá lớn với FLC Faros. Cụ thể là tiến hành mua hàng hóa, dịch vụ gần 560 tỷ đồng và bán hàng hóa, dịch vụ gần 670 tỷ đồng.

Ở FLC Faros, ngoài ông Trịnh Văn Quyết là cổ đông lớn thì một pháp nhân khác là công ty TNHH MTV FLC Land cũng đang giữ vị trí cổ đông lớn khi nắm giữ tỷ lệ sở hữu 5,23% (tương ứng gần 300 tỷ đồng). Công ty TNHH MTV FLC Land vốn do Tập đoàn FLC sở hữu 100%.

Ông Trịnh Văn Quyết định bán 70 triệu cổ phiếu của FLC Faros để giảm tỷ lệ sở hữu, Tập đoàn FLC đã góp thêm vốn 242 tỷ cho Bamboo Airways

Lợi nhuận giảm do chưa đến thời điểm ghi nhận doanh thu, Bamboo Airways được rót thêm 242 tỷ đồng ?

Việc bán cổ phiếu của ông Quyết diễn ra trong bối cảnh lợi nhuận của hai doanh nghiệp FLC Faros và Tập đoàn FLC ghi nhận sự sụt giảm mạnh.

Trong giải trình báo cáo hợp nhất bán niên 2019, FLC Faros cho rằng lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2019 chỉ đạt hơn 68,3 tỷ đồng (giảm 12,27% so với cùng kỳ năm 2018) là vì công ty mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh nhưng chưa đến thời điểm ghi nhận doanh thu theo quy định.

Theo dõi danh mục hàng tồn kho của FLC Faros trong báo cáo hợp nhất bán niên 2019 sẽ thấy giá trị này đạt gần 2.200 tỷ đồng, tăng hơn 520 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2018. Ở chiều ngược lại, giá trị hàng tồn kho của Tập đoàn FLC ghi nhận giảm 200 tỷ đồng so với đầu năm.

Mặc dù vậy, lợi nhuận sau thuế bán niên của Tập đoàn FLC chỉ dừng lại ở con số hơn 24 tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều so với mức lợi nhuận trên 103 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Điểm đáng lưu ý là báo cáo của Tập đoàn FLC phản ánh việc doanh nghiệp góp vốn gần 242 tỷ đồng cho công ty TNHH Hàng không Tre Việt (hãng bay Bamboo Airways).

Trước đó, vào tháng 7/2019, doanh nghiệp này từng có động thái thúc đẩy mảng hàng không bằng chủ trương cho phép Bamboo Airways thuê tàu bay và ký hợp đồng thuê tàu bay với đối tác Allaviation Leasing (Igo No.03) Limited.

Hợp đồng cụ thể được phía FLC công bố là Bamboo Airways tiến hành thuê một tàu bay A320 - 200, số hiệu 3453 trong thời gian 72 tháng.

Hiện tại, ở FLC Faros, dự án Sầm Sơn giai đoạn 2 đang chiếm tỷ trọng khoảng 1/3 tổng chi phí xây dựng cơ bản dở dang (tương ứng gần 1.100 tỷ đồng).

Tại Tập đoàn FLC, dự án SeaTower ở Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) chiếm đến gần 3/4 tổng chi phí xây dựng cơ bản dở dang (tương ứng hơn 753 tỷ đồng).

Chiếu theo sổ sách, ngân hàng BIDV đang là chủ nợ lớn nhất của Tập đoàn FLC khi cho doanh nghiệp vay dài hạn đến gần 1.500 tỷ đồng. Tập đoàn FLC thể hiện việc đủ khả năng chi trả khoản nợ nói trên trong báo cáo.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
3.50 (0.00%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả