Ông Tất Thành Cang tiếp tục hầu tòa trong vụ án Công ty Tân Thuận
Dự án khu dân cư (KDC) Phước Kiển (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) diện tích 32,4ha và một phần dự án KDC Ven Sông (phường Tân Phong, quận 7) được bán cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai với giá rẻ, đã gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 735 tỷ đồng.
Triệu tập Công ty Quốc Cường Gia Lai
Dự kiến ngày mai 10/10, TAND TP Hồ Chí Minh đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015. Các bị cáo trong vụ án này nguyên là lãnh đạo Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận (Công ty Tân Thuận) và nguyên lãnh đạo Thành ủy, Văn phòng Thành ủy (VPTU) TP Hồ Chí Minh.
Trong 10 bị cáo, Công ty Tân Thuận có 6 bị cáo, gồm: Trần Công Thiện (SN 1965, nguyên Tổng Giám đốc) được xác định là chủ mưu, Nguyễn Văn Minh (SN 1957, nguyên Chủ tịch HĐTV), Trần Tấn Hải (SN 1975, nguyên Phó Tổng Giám đốc), Nguyễn Xuân Tùng (SN 1970, nguyên Trưởng phòng Kinh tế Tổng hợp), Nguyễn Thị Ngọc Bích (SN 1972, nguyên Kế toán trưởng) và Nguyễn Hoàng Việt (SN 1960, nguyên Kiểm soát viên).
Nhóm bị cáo là nguyên lãnh đạo Thành ủy, VPTU TP Hồ Chí Minh, gồm: Tất Thành Cang (SN 1971, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy); Phạm Văn Thông (SN 1960) và Phan Thanh Tân (SN 1965, cả 2 là nguyên Phó Chánh VPTU), Huỳnh Phước Long (SN 1967, nguyên Trưởng phòng Quản lý đầu tư kinh doanh vốn thuộc VPTU),
Ngoài ra, tòa án cũng triệu tập những cá nhân, tổ chức với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, gồm: Đại diện Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (Công ty Quốc Cường Gia Lai); đại diện VPTU, đại diện Công ty Tân Thuận và 4 cá nhân liên quan khác; các giám định viên thuộc Sở Tài chính, Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính, 18 luật sư bào chữa cho các bị cáo.
Theo cáo trạng của Viện KSND TP Hồ Chí Minh, Công ty Tân Thuận có 100% vốn của Thành ủy TP Hồ Chí Minh. Tháng 8/2009 Công ty Tân Thuận được UBND TP Hồ Chí Minh cho làm chủ đầu tư dự án KDC Phước Kiển, tổng diện tích 509.214m2, tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè. Đến ngày 31/12/2013, Công ty Tân Thuận mới đền bù được 324.970,6m2 đất, số tiền 151.198.284.337 đồng nên chưa hoàn tất việc bồi thường, lập và trình phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 dẫn đến hết hạn.
Tháng 8/2016, Công ty Quốc Cường Gia Lai đề nghị hợp tác đầu tư với tỷ lệ 75:25 hoặc xin nhận chuyển nhượng 100% dự án KDC Phước Kiển. Lúc này Trần Công Thiện chỉ đạo Nguyễn Xuân Tùng thuê Công ty Kiểm toán thẩm định giá và ban hành chứng thư thẩm định số 04.17.128/AISC-XD1 ngày 17/4/2017 xác định diện tích 324.970,6m2 đất tại dự án KDC Phước Kiển giá 1.050.000 đồng/m2, với mục đích thẩm định “Tư vấn giá trị đất để phục vụ đánh giá hiệu quả sản xuất kinh doanh của công ty”.
Ngày 19/4/2017, Công ty Tân Thuận họp và chỉ căn cứ giá trong chứng thư thẩm định số 04.17.128/AISC-XD1 thống nhất đơn giá hợp tác với Công ty Quốc Cường Gia Lai theo tỷ lệ 30 - 70. Ngày 26/4/2017, Thiện ký công văn 612/CV-HĐTV gửi VPTU kiến nghị thuận chủ trương cho hợp tác đầu tư với Công ty Quốc Cường Gia Lai triển khai dự án, tổng diện tích chuyển nhượng là 323.287m2, trong đó 281.407m2 có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) đã sang tên Công ty Tân Thuận, còn 41.880m2 đất giấy CNQSDĐ chưa sang tên cho Công ty Tân Thuận. Tổng giá trị khu đất là 358 tỷ đồng, đơn giá 1.107.370 đồng/m2.
Tiếp đó, Trần Công Thiện ký công văn 614/CV-HĐTV gửi VPTU xin chủ trương chuyển nhượng phần đất đã đền bù tại dự án KDC Phước Kiển cho Công ty Quốc Cường Gia Lai với giá 1.290.000 đồng/m2, tổng giá trị chuyển nhượng tạm tính là 427.119.774.000 đồng.
Ngày 1/6/2017, VPTU ban hành thông báo 512-TB/VPTU truyền đạt ý kiến của ông Tất Thành Cang chấp thuận chủ trương theo đề xuất của Công ty Tân Thuận, việc chuyển nhượng phải đảm bảo giá trị ngang giá thị trường và đúng quy định pháp luật. Từ ý kiến chấp thuận này, Trần Công Thiện ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng 324.970,6m2 đất trị giá 419.212.590.000 đồng cho Công ty Quốc Cường Gia Lai do bà Nguyễn Thị Như Loan làm đại diện, với giá 1.290.000 đồng/m2. Cáo trạng xác định thiệt hại tại dự án này là 202.618.511.900 đồng.
2 dự án gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 735 tỷ đồng
Đối với dự án KDC Ven Sông, phường Tân Phong, quận 7, tổng diện tích 269.229m2, chia thành 4 khu: Khu I là 174.836m2; Khu II là 18.350m2; Khu III là 44.075m2; Khu IV diện tích 31.967m2.
Vào năm 2008, Công ty Tân Thuận ký hợp đồng hợp tác kinh doanh số 22/HĐKT/2008 (hợp đồng 22) với Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (Công ty Hoàng Anh Gia Lai) với tỷ lệ 55:45 để xây dựng dự án Khu cao ốc căn hộ - Thương mại ven sông Tân Phong tại Khu IV – KDC Ven Sông (KDC Ven Sông). Đến năm 2012, Công ty Hoàng Anh Gia Lai chuyển nhượng 45% vốn góp cho công ty con là Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển nhà Hoàng Anh và công ty này chuyển luôn 45% vốn góp cho Công ty Quốc Cường Gia Lai vào cuối năm 2015.
Ngày 15/12/2015, Công ty Quốc Cường Gia Lai có văn bản đề nghị Công ty Tân Thuận chuẩn bị tài sản thế chấp để vay vốn đầu tư triển khai dự án hoặc bán luôn cho Công ty Quốc Cường Gia Lai 55% vốn góp của Công ty Tân Thuận, để Công ty Quốc Cường Gia Lai triển khai dự án KDC Ven Sông. Ngày 13/1/2016, Trần Công Thiện ký hợp đồng tư vấn dịch vụ thẩm định giá số 04.01/DN/SCV-TĐG với Công ty Cổ phần Thẩm định giá Thương tín để thẩm định giá KDC Ven Sông với mục đích “hợp tác đầu tư”, và chứng thư thẩm định giá kết quả là 17.657.437,4 đồng/m2. Sau đó Công ty Tân Thuận xây dựng giá chuyển nhượng 45% trong 55% vốn góp là 19,5 triệu đồng/m2.
Tương tự như ở dự án Phước Kiển, Công ty Tân Thuận đã sử dụng sai mục đích chứng thư (mục đích chứng thư là “hợp tác đầu tư”, nhưng được sử dụng làm mục đích chuyển nhượng vốn góp). Ngày 22/2/2016, Trần Công Thiện ký tờ trình 73/TTr-TT, xin chủ trương chuyển nhượng cho Công ty Quốc Cường Gia Lai 45% trong 55% vốn góp của hợp đồng 22 với giá 186,264 tỷ đồng, giữ lại 10%.
Sau đó Công ty Tân Thuận gửi công văn 538/CV-HĐTV trình VPTU xin chủ trương cho chuyển nhượng 45% trong 55% vốn góp cho Công ty Quốc Cường Gia Lai. Tiếp nhận văn bản này, Phạm Văn Thông - Phó Chánh VPTU ký văn bản chấp thuận cho Công ty Tân Thuận chuyển nhượng 45% trong 55% vốn góp. Tiếp đó, Trần Công Thiện ký hợp đồng 50/HĐKT/2016 hợp tác kinh doanh Khu IV - KDC Ven Sông, tỷ lệ vốn góp và phân chia sản phẩm: Công ty Tân Thuận 10%, Công ty Quốc Cường Gia Lai 90% (hợp đồng này thay thế hợp đồng số 22).
Đến ngày 9/9/2017, Công ty Quốc Cường Gia Lai có văn bản đề nghị mua tiếp 10% vốn góp còn lại của Công ty Tân Thuận theo hợp đồng số 50 nêu trên và lập thủ tục chuyển nhượng dự án cho Công ty Quốc Cường Gia Lai để đủ điều kiện xin làm chủ đầu tư dự án. Ngày 11/9/2017, Trần Công Thiện ký hợp đồng thẩm định giá với Công ty Thương Tín để định giá Khu IV - KDC Ven Sông với mục đích “hợp tác đầu tư” và Công ty Thương Tín có chứng thư thẩm định giá Khu IV - KDC Ven Sông là 18.704.890,8 đồng/m2.
Ngày 27/9/2017, Trần Công Thiện ký văn bản 624/CV/HĐTV gửi VPTU báo cáo xin chủ trương phân chia sản phẩm bằng hình thức hoán đổi 10% vốn góp theo hợp đồng 50, thành sàn căn hộ và thuận chủ trương cho công ty lập thủ tục chuyển nhượng dự án cho Công ty Quốc Cường Gia Lai làm chủ đầu tư. Chủ trương này được Phan Thanh Tân đại diện VPTU ký văn bản chấp thuận cho chuyển nhượng để thay đổi chủ đầu tư dự án KDC Ven Sông từ Công ty Tân Thuận sang Công ty Quốc Cường Gia Lai. Thiệt hại tại dự án KDC Ven Sông được xác định là 532.623.709.789 đồng. Cả 2 dự án trong vụ án này khiến Nhà nước thiệt hại hơn 735 tỷ đồng.
Phiên tòa này trước đó đã có lịch xét xử từ ngày 22/9 - 26/9. Do bị cáo Phan Thanh Tân sức khỏe kém và luật sư của bị cáo có lý do chính đáng nên tòa án dời lịch xử vào ngày 10/10 để đảm bảo quyền lợi cho bị cáo.
Đối với bị cáo Tất Thành Cang, trước đó đã bị HĐXX phiên phúc thẩm TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh tuyên phạt 8 năm 6 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát, lãng phí”. Đây là vụ án Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC), Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn (SADECO) phát hành và bán rẻ 9 triệu cổ phần cho Công ty CP Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận