Ông Putin gửi thông điệp đến phương Tây qua tuyên bố đàm phán với Ukraine?
Các chuyên gia chính trị Nga cho rằng phát biểu mới nhất về sẵn sàng đối thoại là thông điệp mà người đứng đầu Điện Kremlin muốn gửi tới phương Tây, hơn là tới Ukraine.
Theo đài RT, nhà phân tích chính trị Nga Ivan Timofeev nhận định, tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc sẵn sàng đàm phán với Ukraine là một thông điệp gửi tới các đồng minh phương Tây của Kiev ngay trước khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhậm chức.
Trong cuộc họp báo năm 2024 hôm 19/12, Tổng thống Putin đã tuyên bố sẵn sàng đối thoại với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, nhưng nhấn mạnh rằng ông Zelensky cần được hợp pháp hóa thông qua một cuộc bầu cử tổng thống mới.
Người đứng đầu Điện Kremlin khẳng định, mọi thỏa thuận song phương giữa Nga và Ukraine phải được ký kết bởi các cơ quan chính quyền hợp pháp của Kiev, hiện nay là Quốc hội Ukraine (Rada).
Tuy vậy, ông Putin nhấn mạnh rằng Moscow sẵn sàng đàm phán với Kiev mà không cần bất kỳ điều kiện tiên quyết nào, ngoại trừ các thỏa thuận đã đạt được ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) năm 2022. Các thỏa thuận này bao gồm việc Ukraine giữ vị thế trung lập, không liên kết với khối nào, cùng với những hạn chế về triển khai vũ khí nước ngoài.
Tổng thống Nga lưu ý thêm rằng bất kỳ cuộc đàm phán nào trong tương lai cũng cần tính đến "thực tế trên thực địa" đã thay đổi kể từ thời điểm đó.
Chuyên gia Timofeev cho rằng những phát biểu trên của Tổng thống Putin dường như là thông điệp nhắn gửi các đồng minh phương Tây của Ukraine, hơn là hướng tới bản thân chính quyền Kiev.
Vị chuyên gia Nga bình luận: “Đây là lập trường hợp lý để cho các bên khác, chủ yếu là phương Tây vốn ủng hộ Ukraine, rằng chúng ta [tức giới chức Nga] là những nhà đàm phán không khó đoán, là người lý trí và có lợi ích riêng của mình”.
Ông Timofeev cũng nhấn mạnh rằng Tổng thống Putin lấy “một số dự thảo thỏa thuận” đã đạt được ở Istanbul hồi năm 2022 làm điểm khởi đầu cho các cuộc đàm phán tiềm năng, thay vì “những yêu cầu cường điệu tối đa và phi thực tế”.
Cũng có quan điểm tương tự, ông Vladimir Zharikhin - Phó Giám đốc Viện Các quốc gia CIS, nói với hãng tin Tass rằng đề xuất đàm phán về vấn đề Ukraine của Tổng thống Putin không phải dành cho Tổng thống Zelensky mà là Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump.
"Đề xuất này không dành cho Tổng thống Zelensky mà là thông điệp gửi tới ông Trump” - chuyên gia Zharikhin phát biểu. "Đây rõ ràng là một đề nghị gửi đến Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, rằng sau khi ông ấy nhậm chức, Nga sẵn sàng thảo luận về giải pháp chấm dứt xung đột tại Ukraine".
Ông Zharikhin lưu ý thêm rằng Tổng thống Putin không muốn đối thoại với Tổng thống Zelensky vì chính quyền do ông Zelensky đứng đầu đã hết quyền hạn, do đó không có cơ sở pháp lý để tiến hành các cuộc đàm phán nghiêm túc.
Theo chuyên gia Zharikhin, Ukraine cũng không muốn đàm phán ở thời điểm hiện tại. "Mọi thứ sẽ thực sự bắt đầu sau ngày 20/1/2025 khi ông Trump tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ” - ông Zharikhin cho hay.
Cũng trong cuộc họp báo cuối năm này, Tổng thống Putin tuyên bố sẵn sàng liên lạc với Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.
Ông Putin nhấn mạnh: "Tôi không biết khi nào tôi sẽ gặp Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Tôi đã không nói chuyện với ông Trump hơn 4 năm rồi. Tất nhiên tôi sẵn sàng. Bất cứ lúc nào... Nếu chúng tôi có cơ hội gặp Tổng thống đắc cử Trump, tôi chắc chắn chúng tôi sẽ có nhiều điều để thảo luận".
Về phía Ukraine, chuyên gia Timofeev cho rằng chính quyền Kiev đang ngày càng phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ các quốc gia phương Tây và buộc phải nghe theo những gì Mỹ và đồng minh nói.
Tuy nhiên, ông Timofeev không chắc chắn liệu phương Tây có cân nhắc lời kêu gọi đàm phán của Tổng thống Putin hay không.
Chuyên gia Timofeev không tin rằng chiến thắng của Tổng thống đắc cử Mỹ Trump sẽ mang đến “viên đạn bạc” giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine. Đồng thời, ông lưu ý rằng Nga cần xem xét những cam kết của ông Trump về dàn xếp chiến sự ở Ukraine một cách thận trọng và theo dõi hành động thực tế của chính quyền mới ở Washington.
Chuyên gia này cũng nhắc đến thực tế rằng trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên (2017-2020), ông Trump đã áp dụng chính sách cứng rắn hơn với người tiền nhiệm Barack Obama và tình hình ở vùng Donbass (miền đông Ukraine) đã không tiến triển tích cực.
"Do đó, không có gì đảm bảo những điều trên sẽ không xảy ra lần nữa, đặc biệt là khi tình hình hiện nay nghiêm trọng hơn nhiều” – chuyên gia Timofeev cho hay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường